Trên những nẻo đường từ thiện

07:00 | 01/03/2018

4,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi không nhớ hết đã có bao nhiêu lần theo các đoàn từ thiện và cũng không nhớ hết đã có bao nhiêu nhà hảo tâm, cũng như bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đã tựa vịn vào sự giúp đỡ ấy để gượng dậy và vươn lên trong cuộc sống…

Một tấm lòng và triệu tấm lòng

Cách đây chưa lâu, tôi có viết một bài phóng sự “Tỷ phú không nhà”, nói về một nhà hảo tâm, một sáng lập viên Quỹ “Ước mơ nhỏ” là cán bộ ngành Dầu khí đăng trên Báo Năng lượng Mới.

Vừa rồi cùng với Đặng Thọ Dũng - người sáng lập Quỹ “Ước mơ nhỏ”, ông Việt Hòa, Sư ông Pháp Tông và một số nhà hảo tâm nữa về tận huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để trao học bổng cho học sinh nghèo.

Câu chuyện trên chuyến xe dài, cùng với những gì tôi lắng nghe, lượm lặt và ghi chép được, mới thấy bài phóng sự mà mình đã viết, mới chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ về địa chỉ từ thiện này. Và tôi cũng hiểu ra tại sao “tỷ phú không nhà” - Đặng Thọ Dũng, trong tay có lúc không còn lấy một “cắc” bạc mà vẫn duy trì được Quỹ “Ước mơ nhỏ” ngày càng làm được nhiều việc thiện hơn…

tren nhung neo duong tu thien
Thượng tọa Pháp Tông trao học bổng Quỹ “Ước mơ nhỏ” cho học sinh nghèo tại Trường THPT Phan Thị Ràng, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Thì ra sự lan tỏa của việc làm tốt đẹp này đã có sự lay động sâu sắc đối với nhiều người không cứ gì doanh nghiệp, doanh nhân. Những người cùng đi với tôi trên chuyến xe hôm ấy chưa phải là giàu có gì về tiền bạc, nhưng tấm lòng của họ thì “vô biên”, ai có của giúp của, ai có công giúp công; ai dư dả thì giúp nhiều, người chưa đủ đầy trong cuộc sống thì giúp tập vở, cuốn sách… Cứ như một bông hoa đẹp ngát hương thu hút cả đàn ong đến chắt mật cho đời.

Nguyễn Minh Trí, năm nay mới 32 tuổi, nhưng đã là chủ doanh nghiệp Seven Seas Link. Trong chuyến đi này anh chuẩn bị hơn 100 phần quà là tập vở và cặp sách. Không chỉ vậy anh còn trực tiếp cầm vô lăng chiếc xe bán tải của nhà. Nhìn anh hì hục khuân vác ai cũng nghĩ anh là một lái xe chuyên nghiệp, chứ chẳng ai nghĩ đấy là chủ một doanh nghiệp đi làm từ thiện.

Cốt lõi làm việc thiện chính là từ tâm của mỗi con người, chứ không phải từ tiền bạc.

Trong mỗi phần quà doanh nghiệp anh gửi đến những em học sinh nghèo ở các điểm trường ở huyện Hòn Đất, còn kèm theo một lá thư ngỏ động viên các em học sinh và địa chỉ của công ty, kèm theo lời hứa sẵn sàng nhận các em vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh khi các em ra trường.

Tại các điểm trường mà đoàn của “Ước mơ nhỏ” đến trao học bổng, thấu hiểu và thông cảm với khó khăn của nhà trường, anh hội ý ngay với Đặng Thọ Dũng quyết định tặng thêm mỗi điểm trường một tủ sách, với đầy đủ các loại sách phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Nguyễn Quang Nhanh, đang công tác tại Công ty Viễn thông Nguyên Vân, lần đầu tiên tham gia đoàn “Ước mơ nhỏ” đã nói với tôi rằng: “Tấm lòng của “Ước mơ nhỏ” đã thôi thúc em phải làm được điều gì đó để giúp đỡ các mảnh đời còn nhiều gian khó. Em sẽ kêu gọi thêm bạn bè mỗi người góp thêm một phần để “Ước mơ nhỏ” chắp được nhiều mơ ước cho học trò nghèo”. Còn Trương Văn Nam, một tài xế ở một hãng taxi thì thật thà như đếm: “Em lái xe còn nhiều khó khăn lắm, chưa có gì góp được cho quỹ, xin được “tặng” mấy ngày công chở đoàn đi công tác”.

Thường thì những người làm việc thiện đều không muốn nói về mình. Ông Việt Hòa cũng vậy, gần 10 năm nay ăn cơm nhà làm việc “không công” cho Quỹ “Ước mơ nhỏ”. Ông vừa là “tình nguyện viên”, “nhiếp ảnh gia” kiêm luôn cả “chủ bút” trang thông tin từ thiện trực tuyến “uocmonho.com”. Vừa là người trực tiếp đi khảo sát, điều tra các địa chỉ cần giúp đỡ, kiêm luôn chân “liên lạc viên” với các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa. Là người tổ chức các chuyến đi, các buổi trao học bổng, trao quà cho học sinh nghèo.

Tóm lại tất tần tật công việc lớn, nhỏ của “Ước mơ nhỏ”, nói không quá lời đều có bàn tay tần tảo của ông tham gia. Trong lĩnh vực quản lý, ông chẳng khác gì người “quản gia” cần mẫn và tận tụy. Ở các lĩnh vực khác, ông là nhà tổ chức, điều hành khoa học. Đặng Thọ Dũng nói với tôi rằng: “Không có bác Việt Hòa ghé vai gánh vác, mình em lo sao nổi”.

Ấy vậy mà, trước khi chia tay ông không dưới một lần nói với tôi rằng: đừng có nhắc đến tên ông trong bài viết. Ông bảo, mình làm chưa được bao nhiêu, còn nhiều Mạnh Thường Quân âm thầm giúp đỡ cho quỹ lắm, dành “đất” để viết về họ. Đành phải xin lỗi ông Việt Hòa về sự thất hứa này. Dù tiếp xúc với ông chưa nhiều, song chỉ qua một chuyến đi thôi, tôi mang cảm nhận của mình tâm sự với anh chị em trong đoàn, ai cũng thừa nhận với tôi rằng: “Bác Việt Hòa là người chu đáo, cẩn trọng, là “nhân vật” không thể thiếu của Quỹ “Ước mơ nhỏ”.

Mái trường nơi cửa Phật

Trung tâm Anh ngữ Huyền Không được thành lập ngay tại chùa Huyền Không (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Trung tâm này do Thượng tọa Pháp Tông - Chủ trì chùa Huyền Không, Trưởng ban Điều hành hệ phái Nam Tông Thừa Thiên - Huế, Hiệu trưởng Trường Phật học Nam Tông, chính là người sáng lập và trực tiếp làm Chủ nhiệm.

tren nhung neo duong tu thien
Ông Cái Trọng Anh Tuấn, Giám đốc PVOIL Thừa Thiên - Huế trao học bổng cho học sinh

Đã hơn 7 năm nay, trung tâm này liên tục mở các lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ và cả sinh viên các trường đại học trên địa bàn. Khóa ít thì 7, 8 lớp, khóa nhiều lên đến trên chục lớp và đã có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm. Như có duyên lành, khi trung tâm này khai trương, thì Quỹ “Ước mơ nhỏ” chính là người đồng hành và bảo trợ một phần kinh phí để trung tâm hoạt động.

Tôi chưa tìm hiểu được kỹ càng về trung tâm này. Nhưng trong chuyến đi về huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mới đây, chính ông Việt Hòa nói với tôi rằng: Nhiều hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh ở các điểm tham quan tại Thừa Thiên - Huế đều theo học ở Trung tâm Anh ngữ Huyền Không.

“Ước mơ nhỏ” đã nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất để các em vượt qua những khó khăn. Là cái nôi nuôi dưỡng để các em trở thành những công dân có ích, giúp các em vươn lên trong học tập và cuộc sống…

Tôi cũng chưa có điều kiện tiếp xúc được nhiều với giáo viên và học sinh ở đây, nhưng đã được đọc những dòng tâm sự của cả người dạy và người học ở trung tâm này.

Như chị Nguyễn Thị Rôn, một học sinh giỏi văn có tiếng, chị từng giành được giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tuy nhiên, để có được thành quả ấy, mẹ chị phải bán từng tấm tôn trên mái nhà lụp xụp mới có tiền trang trải... Rất may, trong lúc khó khăn tưởng như không vượt qua được, chị nhận được sự giúp đỡ của nhà hảo tâm “Điệp Anh Đào”.

Khi đã trở thành cô giáo, chị lao vào việc dạy học để kiếm tiền bằng việc “chạy sô” nhận dạy tại trường THPT, trường cao đẳng, dạy kèm tiếng Anh giao tiếp, dạy ở các lớp ôn thi đại học và ở cả Trung tâm Anh ngữ chùa Huyền Không...

Chị nuôi khát vọng là phải làm ra thật nhiều tiền để giúp đỡ học sinh nghèo như ông Đặng Thọ Dũng và nhà tài trợ học bổng “Điệp Anh Đào”. Chị đã từng ao ước sẽ lập một quỹ học bổng to hơn và đặt tên là “Uớc mơ lớn” để thỏa sức thực hiện tâm huyết từ thiện của mình.

“Chạy sô” đúng là có tiền thật, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy hoài bão tốt đẹp của mình đang bị chệch hướng. Trong phút giải lao giữa giờ, tình cờ đọc một cuốn sách tại thư viện Trung tâm Anh ngữ Huyền Không, chị ngộ ra rằng: cốt lõi làm việc thiện chính là từ tâm của mỗi con người, chứ không phải từ tiền bạc. Chính vì vậy, chị đã quyết định chia tay những lớp dạy Anh ngữ theo dạng “mì ăn liền”, dồn toàn bộ hiểu biết, công sức và tâm huyết cho các lớp học từ thiện ở Trung tâm Anh ngữ Huyền Không. Bởi chị cho rằng, đây là môi trường tốt nhất để làm việc thiện và cũng là nơi đầu tiên thực tập “chánh niệm” trong đời thường.

Từ sự giác ngộ và suy nghĩ ấy, chị đã đến với học sinh tại trung tâm bằng những bài học với phương giảng dạy tốt nhất. Dành những đồng tiền thu nhập ít ỏi của mình, lúc thì sắm cho học sinh nghèo mảnh quần manh áo, khi thì mua tập vở hộp bút… Cô giáo Nguyễn Thị Rôn đã đến với Trung tâm Anh ngữ Huyền Không với tấm lòng như vậy.

Nguyễn Thị Rôn đã viết những dòng tâm sự thật xúc động: “Ước Mơ Nhỏ, đó là những ước mơ không phải nằm ở kích cỡ của ước mơ mà chính ước mơ nằm trong những con người nhỏ bé, khó khăn. Và chính chúng ta, những người có tâm huyết chắp cánh cho những ước mơ đó phải đi từ nhưng điều nhỏ nhất, xuất phát từ tâm hồn trong sạch ngập tràn yêu thương…”.

Duyên lành đã đưa Quỹ “Ước mơ nhỏ” song hành cùng với Trung tâm Anh ngữ Huyền Không, song hành cùng với tấm lòng bồ tát của Thượng tọa Pháp Tông, người đã bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Đại học Sư phạm Huế. Đặc biệt hơn, với sự xuất sắc và tính thực tiễn cao của đề tài, hội đồng bảo vệ đã đặc cách để Thượng tọa tiếp tục làm luận văn tiến sĩ mà không cần phải chờ thời gian 2 năm sau.

Một nhà sư uyên thâm về phật pháp và tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, dù tuổi đã cao, chân đã mỏi, vậy mà những năm qua không một chuyến đi nào của “Ước mơ nhỏ” vắng bóng ông. Ông có mặt trong các chuyến từ thiện trao học bổng. Sự có mặt của ông cũng là một việc thiện rất quý và đáng trân trọng. Chính ông đã truyền cảm hứng cho biết bao thầy cô giáo và các em học sinh ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa từ đồng bằng Nam Bộ, đến Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Khúc vĩ Thanh

Quỹ “Ước mơ nhỏ” đã hoạt động được gần 10 năm. Trong cuộc đồng hành quỹ có biết bao nhiêu nhà hảo tâm âm thầm giúp đỡ. Trong “đội ngũ” những nhà thiện nguyện, ngoài các doanh nghiệp, doanh nhân, còn có các nhà báo, các nhân viên bán xăng dầu, anh lái xe taxi…

tren nhung neo duong tu thien
Đoàn công tác Quỹ “Ước mơ nhỏ” trao học bổng và quà cho học sinh tại Trường Tiểu học thị trấn Hòn Đất 1

Họ đến với quỹ với tất cả tấm lòng và tâm huyết. Cảm động biết bao, khi một nhân viên bán xăng dầu ở Thừa Thiên - Huế, một ngày thu nhập chưa đến “trăm nghìn”, nhưng đã tự bỏ tiền túi gấp đôi thu nhập để rong ruổi khắp các nẻo đường tìm ra đúng địa chỉ các hoàn cảnh khó khăn để quỹ trao học bổng.

Quý lắm tấm lòng của Nhà báo Hoàng Thành (Báo Thừa Thiên - Huế). Một nhà báo không chỉ làm tròn phận sự, mà còn là người trực tiếp khảo sát đối tượng học sinh khó khăn của trường học trên địa bàn. Anh đã nối một nhịp cầu để đưa “Ước mơ nhỏ” về với nhiều mảnh đời khốn khó ở khu đầm phá Tam Giang. Giờ anh đã về với cõi Phật, nhưng những kỷ niệm về anh vẫn luôn đầy ắp trong trong đại gia đình “Ước mơ nhỏ”, đầy ắp trong lòng các thầy cô và các em học sinh Trường THPT Tam Giang…

Hãy lắng nghe tiếng lòng của các em học sinh, sinh viên được Quỹ “Ước mơ nhỏ” chắp cánh vào đời. Em Lương Thị Mai, ở xã Nghi Ân, Nghi Lộc (Nghệ An), sinh viên của Trường ĐH Vinh đã viết: “Quỹ “Ước mơ nhỏ” đã nâng đỡ cho em về tinh thần cũng như vật chất để em vượt qua những khó khăn… Em có được kết quả như hôm nay phần lớn là nhờ mọi người đã đùm bọc, giúp đỡ… Là cái nôi nuôi dưỡng em trở thành một người công dân có ích, giúp em ngày càng hoàn thiện bản thân và có ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống…”.

Phan Thị Mỹ Hải, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh - Huế, người xuất sắc đỗ 2 trường đại học là Y Dược Huế và Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì nói rằng: “Đã là năm thứ 3 kể từ khi em nhận được học bổng của Quỹ “Ước mơ nhỏ”. Em vẫn nhớ như in những lời nói của các anh chị, cũng như những lời phát biểu, hứa hẹn của em trong ngày hôm đó. Tuy chỉ là những “Ước mơ nhỏ” thôi nhưng nó đã chắp cánh cho những ước mơ lớn của chúng em. Bây giờ em vẫn đang theo đuổi ước mơ của cuộc đời là trở thành bác sĩ để giúp đời…”.

Còn nhiều và rất nhiều những tân sinh viên, những học trò nghèo được “Ước mơ nhỏ” giúp đỡ, đã gửi thư về trang thông tin từ thiện trực tuyến “uocmonho.com” bày tỏ sự tri ân đến quỹ và các nhà hảo tâm. Từ “Ước mơ nhỏ” mà biết bao mảnh đời gian khó đã thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời.

Những đôi cánh đã “ra ràng” đang “bay” cao, bay xa. Và chắc chắn những đôi cánh ấy nay mai sẽ nhân lên nhiều “Ước mơ nhỏ” cho đời.

Thầy Hoàng Ngọc Diễn, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang - Huế: “Chúng tôi có tâm nguyện rằng, sẽ học theo các làm của các anh chị Quỹ “Ước mơ nhỏ”. Hiện tại, chúng tôi cũng đã tạo được nhiều địa chỉ nhân đạo. Trước mắt là giúp các em học sinh của mình, sau là vươn ra ngoài xã hội. Dù ở mức độ này hay mức độ khác thì những tấm lòng nhân thiện đến với nhau thật đáng quý và xúc động…”.

Đặng Trung Hội