Trên là vậy - dưới thì sao?

07:15 | 24/08/2016

670 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ của ta là “do dân cử ra”, để phục vụ dân, đại diện cho dân để quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật, không được làm điều gì có hại cho dân.

Ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ, Bác Hồ đã nói rằng, Chính phủ là “đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Thế nhưng, trong thực tế ở nhiều nơi những năm qua, trong cả nhận thức cũng như việc làm vẫn có những hiện tượng ngược lại với quan điểm nói trên. Cơ chế xin - cho là biểu hiện của sự ban phát: có người xin và có người cho. Người “xin” ở đây là người dân, những cơ quan, tổ chức đại diện cho người dân ở cấp dưới. Người “cho” ở đây là các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước và cao hơn là Chính phủ. Đây đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thấy những câu cửa miệng: “Ơn Đảng - ơn Chính phủ”.

Thường thì mọi quan hệ cho - nhận là mối quan hệ không dựa trên nghĩa vụ và quyền lợi mà dựa trên sự hảo tâm đầy cảm tính và tùy tiện. Về bản chất chế độ ta, Chính phủ là người dân cử ra, hay nói một cách thị trường thì là những người làm thuê cho dân. Tiền lương, mọi chi phí cho bộ máy, phương tiện làm việc, đi lại của bộ máy hành chính lấy từ nguồn thuế của người dân và những tài sản quốc gia từ khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Chính phủ khi tạo ra của cải vật chất thông qua điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thì của cải đó thuộc về ông chủ, tức người dân. Ấy thế mà khi những người đày tớ làm thất thoát hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng thì “người đày tớ” vẫn không bị “đuổi việc” không bị bồi thường nghĩa là sao?

tren la vay duoi thi sao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi bộ thăm phố cổ Hội An

Trong quan niệm của nhiều người dân hiện nay, Chính phủ nói riêng và các tổ chức chính quyền các cấp giống như một lực lượng siêu quyền lực, trong tay nắm toàn bộ nguồn của cải, tài sản đất nước có quyền ban phát. Người dân, từ chỗ là “chủ nhân” lại trở thành người phụ thuộc và phải đi xin chính quyền.

Chính vì vậy, mỗi lần đến cơ quan công quyền thường canh cánh nỗi lo xin xỏ, nhờ vả, phải chịu ơn các cơ quan công quyền, cũng như những cá nhân thực thi công vụ ở đó. Thực trạng này khá phổ biến trong xã hội hiện nay thể hiện một thực tế ngược đời rằng: Những người “làm thuê” cho dân lại đang đứng ở vị trí của “ông chủ”. Nhiều người làm thuê này lại rất ý thức về quyền lực, địa vị “ông chủ” của mình, tự thấy mình đứng trên người dân để ban phát, dạy bảo.

Rất may, Thủ tướng của nhiệm kỳ 2016-2021 sớm nhận ra điều này và phát ra những thông điệp dứt khoát, rõ ràng là Chính phủ kiến tạo và phục vụ người dân và có những hành động kiên quyết để biến Nhà nước ta thành “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Chẳng hạn, Chính phủ Trung ương cũng như chính quyền các địa phương phải chuyển từ cơ quan quản lý sang cơ quan kiến tạo, phục vụ dân; “việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà”; “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ” ...

Trong bối cảnh ấy, mấy ngày nay, dư luận xã hội rất quan tâm nhưng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Tại đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích và xin lỗi người dân về việc đoàn xe tháp tùng Thủ tướng nối đuôi nhau chạy vào phố đi bộ Hội An, Quảng Nam. Cụ thể là, khi ông đi bộ vào thăm phố cổ Hội An thì đoàn xe con rề rề phía sau vào đường cấm mà ông không biết. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: “Ở đây phải thấy rằng, trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”.

Đây không phải là lần đầu người đứng đầu Chính phủ ta có lời xin lỗi dân. Còn nhớ cách đây đúng 60 năm, tại Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng), tháng 9-1956, Trung ương Đảng đã kiểm điểm nghiêm khắc các sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tại hội nghị này, Bác Hồ đã lấy khăn chùi nước mắt và thay mặt Đảng cũng công khai xin lỗi nhân dân về những sai lầm, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất. Đó là phong cách văn hóa rất đáng quý của Bác Hồ - người lãnh đạo cao nhất của Đảng lãnh đạo.

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, ngày 29-4-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói lời xin lỗi nhân dân: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân, vì cho dù đã nỗ lực chỉ đạo cải cách hành chính, nhưng thủ tục hành chính vẫn phức tạp, phiền hà, công chức vẫn đang cố tình gây khó cho doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của cơ quan hành chính vẫn ở mức thấp”.

Trên là vậy nhưng dưới thì sao? Hóa ra những lời xin lỗi dân của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương, cơ sở còn thưa thớt lắm, thậm chí ngay cả khi đã thấy sai mười mươi.

Chẳng hạn, sự kiện gần đây nhất là thảm họa môi trường do doanh nghiệp Đài Loan Formosa gây ra ở Hà Tĩnh và 3 tỉnh miền Trung. Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - người trực tiếp liên quan đến việc cấp phép 70 năm cho Formosa vẫn cho là “đúng quy trình”.

Vì vậy ông Cự chỉ thừa nhận mình có phần trách nhiệm trước sự cố môi trường do Formosa gây ra, nhưng cũng không có lấy một lời xin lỗi người dân tỉnh mình và các địa phương bị thiệt hại.

Dư luận xã hội rất hoan nghênh những lời nói cương quyết và việc xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ vì một sự việc nhỏ mà ông không kiểm soát được là đoàn xe tháp tùng đi vào đường dành cho người đi bộ. Có thể có ai đó cho rằng, người đứng đầu Chính phủ không cần quan tâm xử lý đến những vấn đề nhỏ “như cái móng tay”.

Thủ tướng kể lại, có người hỏi ông tại sao việc nhỏ như vậy mà Thủ tướng cũng phải có ý kiến. “Tôi hỏi lại là nếu người ta khởi tố bố của anh thì đó là việc nhỏ hay việc lớn. Chính phủ phải quán xuyến cả việc lớn và việc nhỏ”.

Thủ tướng còn nói thêm: “Tôi phát biểu trước Quốc hội về việc chăm lo nhà vệ sinh ở trường học và đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ vì đây là việc thiết thực cho con em chúng ta. Việc nhỏ mấy mà thiết thực với con em thì phải làm đến cùng, làm cho tốt”.

Có thể nói, đây là những tín hiệu đáng mừng phát đi từ người đứng đầu bộ máy hành chính Nhà nước đang phấn đấu xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Vũ Lân

Năng lượng Mới 551

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc