Trẻ em… kêu cứu!

07:05 | 30/01/2016

643 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an, mỗi năm trung bình xảy ra 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em. Đáng lo ngại khi đa phần những vụ việc được phát hiện, đối tượng gây án là người quen biết, thậm chí là người thân với nạn nhân đã lợi dụng, dụ dỗ hoặc đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội.  

Tội phạm gia tăng

Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, mỗi năm khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục. Hành vi xâm hại tình dục không chỉ gây ra cho các em đau đớn về thể xác mà còn tạo nên những dư chấn tâm lý, xa lánh tất cả mọi người… Ngoài ra các em sau khi bị xâm hại còn gánh chịu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả HIV/AIDS.

tre em keu cuu
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp. Có vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất nhỏ, có em bị hiếp dâm nhiều lần trong khoảng thời gian dài.

Điển hình là mới đây tại phường 5, quận Bình Thạnh, TP HCM đã xảy ra vụ hiếp dâm cháu bé 3 tuổi. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ bởi kẻ ác không phải người xa lạ mà chính là bạn thân của bố mẹ cháu bé. Trong lúc được bố mẹ nhờ đến trường chở cháu bé về nhà, đối tượng đã lợi dụng vắng người làm chuyện đồi bại với cháu bé. Hiện Cơ quan Công an đang chờ kết luận giám định và xét nghiệm ADN để xử lý đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, xâm hại tình dục trẻ em là một dạng tội phạm ẩn tương đối lớn, những con số được thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện.

Trong khi đó, đa phần các em bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn, không được quan tâm đầy đủ, bị đẩy ra ngoài xã hội, làm thuê làm mướn, gia đình tan vỡ phải ở với bố dượng, người quen hay được nhận làm con nuôi… Vì vậy, khi bị xâm hại một phần không có người chia sẻ, một phần do mặc cảm nên không tố cáo.

Đa phần những vụ việc được phát hiện, đối tượng gây án là người quen biết, thậm chí là người thân với nạn nhân đã lợi dụng, dụ dỗ hoặc đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi bản thân nạn nhân còn nhỏ tuổi, không có khả năng tự bảo vệ hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, có khoảng 90% số vụ xâm hại tình dục trẻ em đối tượng phạm tội là những người thường xuyên gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, thậm chí là bố dượng, bố đẻ…).

“Dưới góc độ tội phạm học, chúng tôi gọi là thuyết gần gũi. Với những đối tượng này, trẻ em thường rất tin tưởng, vô tư, không nhận thức được những nguy cơ nên rất dễ bị lợi dụng. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong những trường hợp này thường có hai loại, một loại đã có âm mưu từ trước, một loại do bộc phát không làm chủ được bản thân vì sử dụng rượu bia, chất kích thích, xem các văn hóa phẩm đồi trụy…”, Đại tá Nguyễn Minh Đức nhận định.

tre em keu cuu
Việc xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho trẻ  (Ảnh minh họa)

Quản lý thông tin lỏng lẻo

Trong một nghiên cứu thăm dò của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đối với trẻ em 10-18 tuổi, có tới 49% trẻ em và vị thành niên được hỏi cho biết đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, chủ yếu là do tình cờ. Ông Đỗ Hoa Nam (Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng rõ rệt, trong đó Việt Nam là nước có số lượng người truy cập mạng xã hội lớn trên thế giới. Ngoài nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng các bí mật đời tư, thông tin cá nhân, bóc lột, lừa đảo… thì xâm hại tình dục trẻ em cũng rất phổ biến.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các loại hình tội phạm trước đây đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao, như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng Internet để làm quen và xâm hại trẻ em…

Việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn trong những năm gần đây ngày càng tăng nhanh chóng. Bọn tội phạm thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng Internet, tổ chức các buổi gặp gỡ thành viên tại nhà riêng, quán game… để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp hoặc ép buộc trẻ để thực hiện hành vi xâm hại…

Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý thông tin trên Internet ở ta còn nhiều bất cập. Ở nhiều nước trẻ dưới 18 tuổi sẽ bị chặn khỏi những trang web “người lớn”, còn ở nước ta trẻ không được bảo vệ trước những thông tin độc hại. Vì vậy, không ít trẻ đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục do tò mò trước những thứ đọc được trên mạng.

Cần kỹ năng phòng vệ

Trước những lo ngại trên, bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam đặt ra vấn đề: Các gia đình nên dạy con trẻ những kỹ năng phòng vệ khi gặp các đối tượng “yêu râu xanh”.

Bà Hồng cho hay: “Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn bàn về vấn đề này chứ không thể né tránh mãi. Với các bé gái dưới 6 tuổi chưa biết tự bảo vệ mình thì bố mẹ phải chú ý khi cho tiếp xúc với người lạ. Khi gửi con cho bạn bè, hàng xóm thì phải hiểu rõ tư cách đạo đức, mối quan hệ của người đó thế nào. Nếu không đủ mức độ tin tưởng thì tuyệt đối không nên gửi trẻ nhỏ”.

“Khi trẻ ngoài 6 tuổi phải nói cho trẻ biết, ngoài bố mẹ ra thì người nào không được sờ vào con. Khi thấy người có hành động sờ soạn vào người con thì phải tránh xa và nói cho bố mẹ biết vì đó là hành động xấu. Thực tế, nhiều bố mẹ vì nghĩ việc này không cần thiết, không nói cho con biết nên khi “yêu râu xanh” có ý định xấu các cháu tưởng bình thường, không cảnh giác dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tôi nhấn mạnh các bậc phụ huynh phải dặn con nhỏ rằng: Những hành động như vậy là xấu và tránh ra. Thậm chí con phải la lên khi ở nơi ít người mà người khác có hành động như vậy”, bà Hồng cho hay.

Cũng theo lời chuyên gia này, cha mẹ nên nhắc nhở con những hành động nào là xấu và cần phải lên án. Phải dặn con cái không sợ vì đã có bố mẹ và nhiều người tốt bảo vệ, che chở. Trong trường hợp kẻ xấu có dọa nạt thì con cũng không sợ và phải nói ra. Bà Hồng cũng chỉ ra rất nhiều vụ việc đau lòng mà trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục nhưng bị đối tượng đe dọa đánh đập, giết chết nên giữ im lặng trong sợ hãi.

Theo đó, người lớn phải chú ý để bảo vệ con cái, phải xác định việc trẻ em bị xâm hại tình dục là đặc biệt nghiêm trọng. Khi phát giác ra sự việc đối với con em mình thì phải báo cho Cơ quan Công an. Một số nơi, vì xấu hổ nên giữ kín không trình báo đến cơ quan chức năng. Hậu quả của việc này khiến kẻ xấu không bị pháp luật trừng trị mà tiếp tục xâm hại con mình và nhiều cháu bé đáng thương khác.

Chia sẻ về hậu sự việc trẻ bị hiếp dâm, bà Hồng cho hay: “Xâm hại tình dục làm trẻ em bị sốc về mặt tâm lý. Vì còn nhỏ quá không hiểu việc đó thế nào dẫn đến nhiều cháu bị sợ hãi kéo dài, thậm chí bị trầm cảm. Gia đình phải rất chú ý đến tâm lý con nhỏ, đừng gợi lại những sự việc đấy hoặc kể đi kể lại nhiều lần để trẻ nghe thấy. Mình phải vỗ về động viên bé để quên đi nỗi sợ hãi và cảm thấy an tâm khi bên gia đình. Hãy để trẻ hiểu rằng, cha mẹ luôn tin và đứng về phía trẻ nếu có ai đó làm tổn thương trẻ”.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 495