Trẻ em cũng mắc ung thư

07:10 | 07/08/2016

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ ung thư lại xuất hiện nhiều trên bệnh nhân ít tuổi như bây giờ. Đó là ung thư dạ dày, buồng trứng, tinh hoàn - dạng ung thư thường chỉ xuất hiện ở những người trưởng thành. Vậy mà hiện nay trẻ ở tuổi nhi đồng đã mắc các loại ung thư này. Chưa kể đến nhiều người “sức dài vai rộng” cũng mắc căn bệnh hiểm nghèo này ngày một nhiều. Bệnh nhân ung thư trẻ hóa đang là vấn đề mà các bác sĩ cảnh báo và rất lo ngại.

8 tuổi đã ung thư dạ dày

Với nét mặt thảng thốt và giọng nói sửng sốt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến có lần đã nói: “Trời ơi, bệnh nhân ung thư dạ dày bây giờ có cả trẻ 8-9 tuổi, một điều có lẽ chưa từng có ở Việt Nam. Đáng sợ thật!”. Và đáng sợ hơn không chỉ duy nhất một em bị mà số bệnh nhân “tuổi nhí” đang ngày càng nhiều thêm theo số thứ tự tăng dần. Đó là trường hợp ở Huế, em mới 8 tuổi nhưng đã phát hiện ung thư dạ dày sau những cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị. Khi các bác sĩ phát hiện ra em bị ung thư thì em đã ở giai đoạn 3, phải điều trị hóa chất.

tre em cung mac ung thu
Một chương trình nghệ thuật dành riêng cho các bệnh nhi ung thư

Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cũng ghi nhận một trường hợp mới 9 tuổi đã bị ung thư dạ dày, phải điều trị lâu dài để kéo dài sự sống.

Đáng băn khoăn là loại ung thư chỉ xuất hiện ở người 60-70 tuổi cũng đã xuất hiện ở trẻ em. Một bé gái 11 tuổi ở Nghệ An bị ung thư buồng trứng, phải ra Hà Nội thăm khám và điều trị. Mẹ em cho hay, trước khi phát hiện bệnh, em hay bị đau bụng dưới nên tưởng đau bụng giun, nên mua thuốc về cho em uống. Nhưng uống xong không thấy đỡ, ngược lại còn đau liên tiếp ngày nối ngày và dữ dội đến mức em phải gập bụng xuống, đồng thời đi tiểu nhiều lần. Bố em phải đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An. Ở đây các bác sĩ sau khi siêu âm ổ bụng, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng đã kết luận em bị ung thư buồng trứng ở giai đoạn 2B. Để xác định kết luận của các bác sĩ ở Bệnh viện Nghệ An là chính xác, do không thể tin nổi mới ít tuổi mà em đã bị ung thư bộ phận mà thường phải phụ nữ ở tuổi mãn kinh mới mắc, bố em đã đưa ra Hà Nội kiểm tra và xét nghiệm một lần nữa. Kết quả đáng tiếc đúng như các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An đã kết luận.

Một bệnh nhi khác mới 2 tuổi nhưng đã bị ung thư tinh hoàn. Giới y học trong nước thực sự kinh hoàng bởi chưa từng có bệnh nhân nào mắc bệnh này ở tuổi chập chững biết đi và đang học nói như vậy. Bác sĩ Phạm Định Tuấn, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà hoảng hốt: “Tôi chưa bao giờ thấy một bệnh nhân nhỏ tuổi như vậy bị ung thư tinh hoàn. Không ngờ giờ những bệnh ung thư vốn chỉ của người già cũng xuất hiện ở cả trẻ con. Đúng là bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa bệnh nhân”.

Theo GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, trước những “bệnh nhi hiếm gặp” đã khẳng định: “Bệnh nhân ung thư không chỉ tăng mà có xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Nếu trước đây ở trẻ thường chỉ bị ung thư hạch, máu thì nay đã mắc những loại ung thư của cả người già 60-70 tuổi”, GS Nguyễn Bá Đức nói.

Với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng khẳng định: “Trong những năm gần đây, lượng bệnh nhân mắc ung thư điều trị tăng 30-40%. Trong đó, tỷ lệ này bao gồm cả về số lượng, các loại ung thư và trẻ hóa. Có những bệnh nhân ung thư chỉ mới tuổi nhi đồng. Như bệnh viện đã từng điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, dạ dày ở độ tuổi lên 9. Hay bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp đa phần ở quãng 20-30 tuổi. Điều đáng nói là tỷ lệ bệnh nhân này tăng đột biến, rất đáng lo ngại”.

Về ung thư vú, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cũng đồng quan điểm khi cho rằng, phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn khoảng 10 năm so với các nước khác, phần lớn 30-40 tuổi trong khi thế giới bệnh thường bắt đầu 50-60 tuổi. Đặc biệt có những trường hợp ở độ tuổi 20 cũng đã mắc ung thư vú. Ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa rất rõ rệt.

Nhiều nguồn gây bệnh

Nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa bệnh nhân ung thư được các bác sĩ khẳng định ngay mà không mấy khó khăn để tìm hiểu. Theo GS Nguyễn Bá Đức, bệnh ung thư nói chung chỉ 5-10% bệnh phát sinh do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền. Còn hơn 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống, bao gồm các thói quen như: Hút thuốc lá, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường… Trong đó, đặc biệt nguyên nhân dẫn đến ung thư từ môi trường sống là thực phẩm “bẩn” đứng hàng đầu với khoảng 35%, tiếp đến là thuốc lá chiếm 30%...

Đề cập về thực phẩm “bẩn”, ông Đức cho hay: “Vì lợi nhuận mà những người trồng trọt, chăn nuôi hiện đang tự đầu độc nhau. Những luống rau phun đầy thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, những loại quả nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa đầy chất bảo quản… Đó chính là những tác nhân gây ung thư. Ai cũng biết nó độc nhưng không biết làm thế nào để tránh được. Mặt khác, thói quen ăn uống, cách thức chế biến thực phẩm cũng là tác nhân dẫn đến ung thư. Ví như ăn nóng quá, mặn quá cũng là tác nhân gây một số loại ung thư đường tiêu hóa. Hay ăn nhiều chất béo, mỡ động vật làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt.

Việc chế biến thức ăn bằng cách chiên, rán, nướng trên than ở nhiệt độ cao hay ăn dưa, cà muối cũng dễ phát sinh độc tố gây ung thư…”.

Để phòng ngừa ung thư, GS Nguyễn Bá Đức khuyến cáo, dựa trên nguyên nhân căn bản là 80% phụ thuộc vào môi trường sống nên chỉ cần thay đổi thói quen ăn, uống, sinh hoạt một cách lành mạnh, khoa học và đặc biệt là cần phải loại trừ, tẩy chay thực phẩm “bẩn” một cách triệt để thì việc phòng ngừa mới hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự chung tay của các cơ quan hữu trách và ý thức, sự hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh và của cả người tiêu dùng.

Ông Đức cũng khuyên nên đi khám sàng lọc sớm hằng năm để phát hiện sớm và điều trị. Nhất là đối với những người có nguy cơ cao như yếu tố di truyền; hoặc với nam giới thường hút thuốc lá nên khám sàng lọc ung thư: phổi, vòm họng, thực quản, đại trực tràng; nếu ợ chua, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa thì nên sàng lọc ung thư đường tiêu hóa; với nữ giới sinh con nhiều, sinh sớm hoặc có nhiều bạn tình nên sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, một số dấu hiệu báo động ung thư mà người bệnh cần đi kiểm tra để sàng lọc như vết loét lâu liền; ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; có khối u ở vú hay trên cơ thể; hạch to lên bất bình thường; chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; gầy, sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, ung thư là một trong nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mắc mới và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca. Bệnh nhân ung thư hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới số 546