Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới

17:04 | 16/05/2017

645 lượt xem
|
(PetroTimes) - Ngày 16/5, tại Ninh Bình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới”.

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo cấp cao các đơn vị trực thuộc NHNN Việt Nam, các cấp quản lý và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin tín dụng đến từ các trung tâm thông tin tín dụng công và công ty thông tin tín dụng trong và ngoài nước, các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế.

trao doi thong tin tin dung xuyen bien gioi
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội thảo "Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới".

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên”.

Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh vấn đề trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nền kinh tế trên thế giới và APEC. Đặc biệt phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. NHNN Việt Nam- cơ quan chủ trì tổ chức Hội thảo- đã lựa chọn chủ đề “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” có nội dung phù hợp với nguyên tắc thứ 5 trong Bộ nguyên tắc cơ bản về báo cáo tín dụng của Nhóm Ngân hàng thế giới trên cơ sở kế thừa những kết quả của các sự kiện bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2015 tại Philippines với Mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính APEC (FIDN).

Đây cũng chính là nội dung trụ cột tăng cường hội nhập tài chính khu vực thuộc Chương trình Hành động Cebu (CAP) và APEC 2016 tại Peru. Cụ thể là mở rộng Hệ thống các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên APEC (CBPRs) đã được thông qua từ năm 2011 với 4 quốc gia tiên phong bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mexico và Canada.

trao doi thong tin tin dung xuyen bien gioi
Đại biểu các thành viên APEC tham dự Hội thảo.

Các nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo gồm: Sự cần thiết phải trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; các yếu tố chính để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới thành công (cơ sở pháp lý và dữ liệu); trao đổi, thảo luận xây dựng dự thảo biên bản thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu.

Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam - một nước đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới còn chưa được đầy đủ. Mặt khác, các khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng chưa được đồng bộ. Do đó, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại.

Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới cũng mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

trao doi thong tin tin dung xuyen bien gioi
Toàn cảnh Hội thảo "Thông tin tín dụng xuyên biên giới".

Qua các ý kiến chia sẻ và thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng trong khối APEC, khu vực ASEAN và ASEAN+3 cũng như các đơn vị hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam đều mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống báo cáo tín dụng qua những vấn đề về cơ sở pháp lý và chuẩn hóa dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới, đồng thời nhấn mạnh về những thách thức, triển vọng của quá trình chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới, khẳng định vị thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dựa trên lợi ích chung của 21 nền kinh tế khu vực.

Bùi Công