Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp

Tranh sen, đạo và đời

07:06 | 12/02/2018

717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp vẽ tranh từ năm 1992, nhưng phải tới đầu năm 2018, anh mới chính thức công bố tranh của mình trong một triển lãm tại Hà Nội. Thật ngạc nhiên khi tất cả tranh là sen: sen là đạo, mà cũng là đời.
tranh sen dao va doi
Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp (phải) trong triển lãm tranh của mình

Hoàng Bạch Diệp không nhớ rõ là mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh hoa sen. Có thể là hàng trăm bức. Hoa sen trong tranh của anh không chỉ làm nhiệm vụ trang trí, tô điểm thông thường, mà đã mang trong mình một triết lý nhân văn, ẩn ý một thân phận. Trong tranh, sen và người quấn quýt bên nhau. “Tục sen” không còn, mà là “thần sen” hay “thánh sen”. Cũng vì vậy mà vào năm 2009, Đài Truyền hình Việt Nam làm một chương trình nghệ thuật, trong đó họa sĩ Hoàng Bạch Diệp được giới thiệu là một trong số những họa sĩ vẽ tranh sen hàng đầu Việt Nam.

Có một điều lạ ở tranh của họa sĩ Hoàng Bạch Diệp - đó là sự chú trọng âm - dương trong tranh. Anh cho rằng, quy luật vũ trụ có âm - dương, trong tranh cũng cần có âm dương, cái định vẽ sẽ là dương, những khoảng trống còn lại và tình cảm nghệ sĩ thể hiện sẽ là âm, xem tranh nên trọng cả hai mặt âm - dương này. Âm luôn chi phối dương. Mới biết xưa nay “tình” luôn lấn át “trí” là thế.

Anh vẽ tranh không phải để bán. Cũng không tìm danh tiếng. Hẳn vì Hoàng Bạch Diệp đã ngộ ra: Nghệ sĩ càng vinh quang, càng gần tới mặt nào đó của sự bất hạnh. Anh cho rằng, một nền nghệ thuật trung bình thì bao giờ cũng đông người cổ vũ, đây là loại nghệ thuật không còn tính dự báo. Dự báo được quy luật của tự nhiên hay xã hội là khả năng đặc biệt của mỗi cá nhân. Người nghệ sĩ vẽ gì và vẽ như thế nào nếu dùng lý trí để xui khiến thì chỉ thành công mức độ vừa phải. Vẽ gì phải do “tâm tưởng” quyết định. Thật ra tài năng là thiên bẩm. Miễn là khi sáng tạo, đừng tự huyễn hoặc rằng, việc làm của mình là dành cho thế hệ sau hoặc thế hệ vãn bối mới hiểu được. Cứ làm hết sức theo tâm khảm thúc giục. Khi tác phẩm tạo ra có sự “lạ” (kể cả do vô tình) mà chính người tạo ra cũng không hiểu hết về nó thì hãy bình tĩnh, đừng vội đánh giá hay - dở, đẹp - xấu, đúng - sai… mà hãy nên mừng vì biết đâu đó lại là sự khám phá ra một thế giới mới. Nghệ thuật tốt thì hãy tự thuyết phục mình trước bằng cái đẹp không thông tục, đừng quen mắt, đừng theo nếp nghĩ của ngày hôm qua.

tranh sen dao va doi

Khá bản lĩnh, họa sĩ Hoàng Bạch Diệp khẳng định rằng, “nghệ thuật là lý lịch của những người điên” mà tràn đầy đạo hạnh, nghệ thuật là “tối đạo”, cao hơn nhiều đạo, lại cũng bí hiểm vô cùng. Và chẳng có đạo lý nào khi mà được hưởng những tinh túy của trời đất lại chẳng thiệt thòi một thứ gì? Xưa nay, “ích vẫn là tổn”, “cho mới là phúc” vậy! Và anh kết luận, con người sống bằng bản năng giáo dục sẽ có những sản phẩm hay và đặc biệt. Cùng với triển lãm tranh riêng đầu tiên của mình tại Hà Nội vào đầu năm 2018, họa sĩ Hoàng Bạch Diệp cũng xuất bản cuốn sách “Sen - Đạo và Đời”. Một cuốn sách thực sự nặng tay và nặng giá trị. Khi hầu hết những bức tranh tuyệt nhất của họa sĩ được in trong sách, kèm những bài viết mang tính triết luận về nghề, về nghệ thuật, cuộc sống và tâm linh. Những bài do chính họa sĩ viết, hoặc bài do bạn nghề viết về anh, đều được in bằng hai thứ ngôn ngữ: Việt và Anh, xứng là những chiêm nghiệm đáng giá, sâu sắc mà anh và người trong giới tổng kết, rút tỉa, chắt lọc và tâm nguyện mang tặng cho mọi người.

tranh sen dao va doi
“Thiềm cung” - sơn dầu 1997

Từ thuở bé, anh đã biết là mình thích vẽ tranh. Lớn lên và trưởng thành, từng trải qua nhiều lần thử làm việc và xin việc ở một số nơi, nhưng đều không đạt, Diệp nghĩ anh chỉ có thể sống với việc sáng tác. Anh quyết định tập trung vẽ tranh và đôi khi cầm bút viết. Tranh vẽ không nhằm mục đích bán bằng được, nên tất nhiên sẽ đói, vất vả. Nhưng chữ “duyên nghiệp” và sự đam mê khiến anh yên tâm, cứ làm đúng, sống đúng với tâm nguyện trong lòng mình. Nhưng ông trời vốn công bằng, một cái duyên khác đã đến và từ đó giúp anh nuôi được tranh. Từ năm 1992, ngoài việc vẽ tranh, họa sĩ Hoàng Bạch Diệp còn tập trung nghiên cứu văn hóa tâm linh. Anh bị cuốn hút bởi sự bí ẩn và tiềm năng của tâm linh, bởi “nơi nào khoa học dừng chân thì tâm linh bước tiếp”. Văn hóa tâm linh là một kho bí học thần kỳ.

Hoa sen trong tranh của Hoàng Bạch Diệp không chỉ làm nhiệm vụ trang trí, tô điểm thông thường, mà còn mang trong mình một triết lý nhân văn, ẩn ý một thân phận.

Năm 2006 anh có viết một bài về tâm linh, nhan đề “Phong thủy với đời sống con người”, đăng trên một báo mạng. Sau đó, có những người tìm đến anh để nhờ anh giúp đỡ những vấn đề liên quan đến ứng dụng tâm linh. Diệp cho rằng, hiểu đúng chữ tâm linh rất khó (mà những gì người thường hiểu na ná về tâm linh thì nhiều). Anh dùng một số ứng dụng tâm linh, cốt là để giúp cho mọi người bớt tham, sân, si, để được thanh thản, trên hết là bớt đau khổ trong hành trình sống của mình, mang ánh sáng tâm linh chân chính tới cộng đồng.

Trở lại với hình tượng sen trong tranh của mình, Diệp chia sẻ, thực ra anh không chủ tâm vẽ hoa sen, nhưng bất cứ khi nào anh có cảm hứng vẽ về một đề tài nào đó, thì sen lại cuốn vào. Và anh cứ để tự nhiên như thế, sen cứ quấn quýt, vấn vít bên những nhân vật khác trong tranh của mình. Tâm niệm rằng, anh cứ vẽ từ sâu thẳm khát khao của mình, trung thực với chính mình, ai hiểu được bức tranh thì sẽ là chủ nhân của nó. Trở lại với sen, sen như chính tác giả, khi đặt cả tâm hồn mình vào tác phẩm, thì sen hiện lên, tự nhiên, tự tại và thanh thản ung dung.

Việt Quất

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.