Tranh quý - thật giả khôn lường

09:23 | 12/08/2017

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì những tranh cãi về nghi vấn tranh giả đối với bức “Phố cũ” của cố danh họa Bùi Xuân Phái vừa được bán đấu giá tại Hà Nội vào cuối tháng 7, một lần nữa câu chuyện tranh thật - tranh giả làm xôn xao dư luận và giới chuyên môn.  

"Phố cũ” nào là thật?

Tại triển lãm 14 tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), bức tranh đề tên “Phố cũ” được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái mà Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn giới thiệu có kích thước 50x40 cm, chất liệu sơn dầu, với giá khởi điểm trên sàn đấu giá là 8.000USD. Tuy nhiên, công chúng ngỡ ngàng bởi bức tranh này gần giống với bức tranh “Phố cũ” mà ngày 22-10-2006 Nhà đấu giá Sotheby’s (Singapore) đã bán với giá 11.443USD và ngày 25-5-2014, Nhà đấu giá Christie’s (Hongkong) bán với giá 12.804USD.

tranh quy that gia khon luong
Phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật

Bức tranh “Phố cũ” được Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn khẳng định là thật với đủ thông tin chứng minh. Nhưng con trai cố danh họa là họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng, đó là tranh giả. Nhiều ý kiến chuyên môn khác cho rằng, hai bức ở bảo tàng nước ngoài mới là giả. Cách vẽ của họa sĩ, những nét to đậm dứt khoát, nhưng nét đen không phải từ cọ mà là từ nền đen trước, rồi họa sĩ phủ màu lên tạo nét, do đó, bức vẽ giả sẽ khó mạch lạc và có thần của tác giả... Thật ra, cả 3 bức đều khó có đủ chứng cứ, chứng lý thuyết phục đâu là thật, đâu là giả...

Sư thầy Thích Minh Thịnh (chùa Minh Khánh), chủ nhân của bức tranh “Phố cũ” đem đấu giá lần này chia sẻ: “Tôi không phải là nhà sưu tầm, chỉ là người yêu tranh. Tôi có hai bức, một là bức “Ký họa cô Như” (có lời đề tặng của họa sĩ Gia Trí tặng cho cô Như) và một bức “Phố cũ”. Cô Như là người phụ trách hậu cần, không có gia đình. Nhà cô tại số 19 Phan Bội Châu có nhiều tranh. Là người có tâm, cuối đời cô công đức cho rất nhiều chùa. Có một giai đoạn, trước khi cô Như mất, tôi đã ngỏ lời trả lại hai bức tranh của cô. Song cô Như nói: Nếu thầy không thích thì bán để làm từ thiện. Nguồn gốc của bức tranh đó là như vậy”.

Sự tự tin của nhà đấu giá

Ông Vũ Tuấn Anh - người sáng lập, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn khẳng định: “Chúng tôi đã có hợp đồng làm theo đúng luật đấu giá. Chúng tôi có ký hợp đồng với thầy Thích Minh Thịnh, thầy cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm”. Đồng thời, trong thời gian 1 tháng, nếu ai có bằng chứng và xác nhận là tranh giả, Ban Tổ chức sẽ hoàn lại 100% giá trị bức tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người mua”.

tranh quy that gia khon luong
Bức tranh "Phố cũ"
Bức tranh “Phố cũ” được Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn khẳng định là thật với đủ thông tin chứng minh. Nhưng con trai cố danh họa là họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng, đó là tranh giả.

Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc đấu giá tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn lưu ý: “Nếu đặt bức này bên cạnh sẽ thấy hai bức của Sotheby’s (Singapore) và Christie’s (Hồng Kông) đã từng đưa ra trước đây non nớt hơn. Kể cả với trường hợp ảnh chụp tranh của họ không phản ánh hết được thì với khoa học nhận dạng, bức “Phố cũ” mà Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn đưa ra xác suất giả ít hơn. Tôi có niềm tin, dũng cảm đương đầu đưa bức tranh ra ánh sáng”.

Theo ông Hùng, người Việt phải tác động vào thị trường tranh nước mình. Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn chỉ góp một tham chiếu giao dịch vào thị trường tranh nghệ thuật chung tại Việt Nam. Và thêm một lần công chúng nhắc đến trung tâm giám định mỹ thuật vốn đã đóng cửa và “biến mất” hơn chục năm nay. Trước đây nhiều ý kiến cho rằng, nhân viên của trung tâm này không đủ năng lực chuyên môn vì chủ yếu là nhân viên bảo tàng. Và giới họa sĩ chẳng ai màng đến địa chỉ đó. Đó cũng là câu chuyện niềm tin…

Giám đốc Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn lý giải về sự tự tin của mình trước những tranh cãi về bức “Phố cũ”: “Chúng tôi là những người thuộc thế hệ trẻ, là những người đầu tiên, dũng cảm và biết tin tưởng. Không ai lại bỏ 1 tỉ đồng ra để chờ đợi một điều không rõ ràng… Thắc mắc vì sao chúng tôi không công khai chuyên gia thẩm định ư? Vì hội đồng thẩm định yêu cầu bí mật. Họ chỉ đóng vai trò hỗ trợ nhà đấu giá và được trả thù lao nhỏ. Trong khi nước ta chưa có hành lang pháp lý bảo vệ những người thẩm định thì họ yêu cầu như vậy cũng là điều dễ hiểu”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Các sàn đấu giá được thành lập và có tư cách pháp nhân. Sự xuất hiện các sàn đấu giá là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, phải làm sạch thị trường, thay máu hoàn toàn thì mới hết nạn tranh giả được. Không ai có thể bảo vệ được họa sĩ bằng chính họ. Họ đang sống trong một không gian sáng tạo thiếu an toàn. Tác phẩm vừa đưa lên mạng xã hội là bị ăn cắp ngay và thành tài sản của người khác. Hà Nội có cả một con phố bán công khai tranh chép. Nhiều gallery tuồn tranh giả đi cửa sau. Là một hội nghề nghiệp, chúng tôi chỉ lên tiếng chứ không trực tiếp đi giải quyết vụ việc được. Chúng tôi chỉ thực sự vào cuộc khi họa sĩ kêu cứu.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn:

Tôi muốn góp phần xây dựng một thị trường mỹ thuật ở Việt Nam. Tôi không sợ rằng người ta nhìn nhận về mình không đúng. Tôi chỉ sợ mình làm sai cái tâm của mình. Có thể thấy người mua là những người thông minh và họ phải cân nhắc kỹ khi bỏ ra hàng chục nghìn USD. Họ quan tâm tới thương hiệu nhà đấu giá và tin tưởng vào đó. Nhà đấu giá chính là một sự khẳng định, đảm bảo.

Ngân Phương