Trang bị máy tính cho oai?

07:00 | 07/03/2014

1,951 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy năm nay, việc trang bị máy tính cho cán bộ công chức Nhà nước được nhiều ban, ngành và địa phương áp dụng. Mục tiêu “xóa mù vi tính” là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên hiệu quả của việc trang bị này lại là chuyện đáng bàn.

Năng lượng Mới số 302

Trong báo cáo công tác năm 2013 của Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có một chi tiết đáng chú ý: Qua mạng Internet, văn phòng đã phát hành gần 30.000 công văn hành chính tới các đầu mối trực thuộc trong thành phố, tiết kiệm được hơn 1 tỉ đồng chi phí về giấy, mực in và cước bưu chính so với việc phát hành công văn giấy trước đây. Như vậy, nếu tính các khoản tiết kiệm xăng xe, hội họp, thời gian giải quyết công việc của cán bộ và thời gian đi lại, chờ đợi của người dân qua thực hành mô hình “văn phòng điện tử”, “chính quyền điện tử”… thì lợi ích rất lớn! Tỉnh Bình Dương cũng trang bị hơn 2.000 máy tính cho cán bộ cấp tỉnh và huyện. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin có tác dụng quan trọng trong điều hành, quản lý. Đó là điều đáng khích lệ.

Mấy năm nay, việc trang bị máy tính cho cán bộ công chức Nhà nước được nhiều ban, ngành và địa phương áp dụng. Mục tiêu “xóa mù vi tính” là yêu cầu cấp thiết. Đã trang bị máy vi tính thì phải biết sử dụng, các cơ quan phải chi tiếp một khoản kinh phí để mở các lớp hướng dẫn.

Tuy nhiên hiệu quả của việc trang bị này lại là chuyện đáng bàn. Học xong thì mỗi lớp chỉ có vài ba người biết điều khiển con chuột, biết gõ bàn phím theo kiểu “mổ cò”... còn đa số thì vẫn ở trong tình trạng “mù” máy vi tính, nghĩa là không biết sử dụng. Thế là cái máy vi tính (bộ óc điện tử thông minh) với muôn vàn tính năng khi vào tay mấy vị quan chức lại chỉ còn mỗi một tính năng duy nhất là vật trang trí cho oai.

Có vị cán bộ kể rằng: Cơ quan ông vừa được đầu tư một loạt máy tính khá hiện đại; riêng ban lãnh đạo thì mỗi người được cấp một chiếc laptop trị giá 20 triệu đồng. Nhưng ông cũng thú nhận là học mãi mà chỉ biết vào mạng đọc một số trang web do anh em trẻ cài sẵn. Cho nên ở cơ quan, những gì liên quan đến máy tính - tin học thì đã có anh em cấp dưới giúp; còn về nhà thì chiếc laptop ấy chỉ để cho đứa cháu nội chơi game là chính.

Gần đây, các quan chức còn xài sang hơn nhiều, chiếc laptop lập tức lên ngôi. Đi công tác xa, các quan chức chỉ việc nhét nó vào trong cặp. Mọi thông tin đã được lưu giữ ở trong đó, khi nào cần đến thì lôi nó ra sử dụng. Có tỉnh, tất cả đại biểu HĐND đều được trang bị laptop để “giúp các đại biểu HĐND tiếp nhận thông tin một cách thuận lợi, có thời gian đọc và tham khảo tài liệu trước ở nhà, tiết kiệm chi phí trong việc in ấn, sao chụp tài liệu. Nhưng đến kỳ họp HĐND, các đại biểu vẫn yêu cầu photo tài liệu phát cho họ. Lý do là có ít đại biểu biết dùng laptop, còn đa số đã biến chiếc laptop thành vật trang trí để khoe mẽ với thiên hạ.

Thế rồi chiếc laptop lại nhanh chóng lỗi thời. Các quan chức thích dùng iPad vì nó xịn hơn, sang hơn, nhiều tính năng hơn và nhẹ hơn. Hiện đã có không ít cơ quan Trung ương và địa phương mạnh tay đầu tư ngân sách để trang bị đồng bộ iPad cho các quan chức. Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ có các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố lớn, mà các tỉnh, thành miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng mạnh tay trích ngân sách Nhà nước để chi cho việc này. Một số địa phương còn trang bị iPad cho cả cán bộ lãnh đạo cấp quận, huyện.

Khoản tiền ngân sách khá lớn bỏ ra mua sắm iPad cho các quan chức trong cả nước chưa thể thống kê nổi. Song, cũng giống như chiếc máy tính để bàn và laptop, chiếc iPad bây giờ cũng chung số phận bởi vì có nhiều quan chức không biết dùng.

Có địa phương đáng được biểu dương khi dùng máy tính cá nhân cho việc công, tiêu biểu là xã biên giới Gary. Đây là xã rất nghèo của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. 46 cán bộ của xã, có 7 người trình độ đại học, chủ yếu là cử tuyển và tại chức; số còn lại là trung cấp, sơ cấp với hơn 75% là cán bộ trẻ. Từ năm 2010, lãnh đạo và cán bộ xã bảo nhau bớt nhậu nhẹt, rượu bia để dành tiền mua máy tính. Sau 3 năm, 32 chiếc máy tính được trang bị cho cán bộ xã sử dụng vào công việc và nâng cao trình độ hiểu biết. Họ thao tác máy tính thành thục, nhiều người gõ văn bản bằng cả 10 ngón tay. Đối với cán bộ vùng cao, vùng biên giới, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đây thực sự là một cuộc cách mạng.

Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì việc trang bị cho quan chức những phương tiện làm việc hiện đại như điện thoại di động, máy tính để bàn, laptop, iPad... là rất cần thiết và nên làm. Nhưng vấn đề là những phương tiện đó phải được dùng đúng việc chứ không thể biến thành vật trang trí cho quan chức. Và nếu làm được như xã Gary (Quảng Nam), cán bộ tự bỏ tiền sắm máy tính làm việc công chứ không dùng đến ngân sách Nhà nước thì đó là việc làm càng được trân trọng!

Đức Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc