Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 10)

12:30 | 01/03/2019

11,681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sự kiện thực sự bùng nổ ra vào tối ngày 8.6, khi một quả lựu đạn loại công phá bí mật ném vào đám đông Phật tử tụ tập tại đài phát thanh Huế để nghe thuyết pháp, làm chết 8 người. Lúc này, Ngô Đình Cẩn biết là Phật giáo ra mặt chống lại chế độ nhà Ngô rồi. Cẩn than: “Tại sao thầy Trí Quang lại cư xử với mình như vậy?”. Cẩn không biết được rằng CIA đã nhảy vào cuộc và châm ngòi nổ.
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 5)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2)
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1)

Cái sảy nảy cái ung, CIA ngầm ủng hộ phe đối lập

Sau vụ nổ ở Huế 2 ngày, vợ chồng Nhu lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần. Nhưng trước khi Nhu đi, Cao Xuân Vỹ được Trần Kim Tuyến bảo phải trình Nhu vụ Huế xem Nhu có ý kiến để giải quyết cho êm. Nhu trả lời Vỹ: “Quyết định một việc vô chính trị như vậy mà không hỏi ý kiến ai” (ý nói Diệm). Sau 3 ngày ở Đà Lạt về, Nhu lại thay đổi ý kiến, có lẽ do Nhu bị Lệ Xuân tác động không được nhượng bộ Phật giáo cho nên Nhu cứng rắn hơn, nhưng vẫn chưa tỏ rõ thái độ gì. Một đàng, Phủ Tổng thống vẫn cho người ra Huế điều đình dàn xếp cho êm. Nhưng cuộc dàn xếp không đi tới đâu và có mòi còn bùng nổ lớn hơn.

Thấy bên Phật giáo làm găng và đưa ra nhiều điều kiện, Lệ Xuân vội triệu tập Ban chấp hành Phong trào Phụ nữ Liên đới, và bà ta lên tiếng là nếu Phật giáo cứ đòi điều kiện nọ, điều kiện kia thì Phong trào Phụ nữ Liên đới cũng là một hội đoàn như Phật giáo, cũng đưa ra điều kiện để bắt chính phủ phải nghe theo. Lệ Xuân còn dùng những lời lẽ thật gay gắt chỉ trích các tu sĩ Phật giáo là tham sân si, là được voi đòi tiên.

Câu nói kém lịch sự trên của Lệ Xuân như đổ dầu vào lửa, làm cho việc bé xé ra to. Vì, ngay lúc mới xảy ra vụ xô xát giữa Phật tử với cảnh sát, công an trước cửa đài phát thanh Huế, Thượng tọa Trí Quang đã nói với trung tá Trưởng, Giám đốc Nha Công an tư pháp là: “Chuyện đã xảy ra như thế này thì không biết nói sao. Tôi xin chịu hết trách nhiệm”. Câu nói này có Thượng tọa Thiện Minh đứng bên cạnh nghe được và làm chứng. Song, họ cũng biết rằng vụ này có bàn tay ngoại bang nhúng vào, thừa nước đục thả câu, để làm tràn ly nước đã đầy.

Vợ chồng Nhu - Lệ Xuân lúc đầu tưởng vụ nổ này do phía Cộng sản phá hoại, nhưng sau đó thấy các tu sĩ Phật giáo liên lạc với Mỹ thì biết là có CIA nhúng tay vào. Vì vậy, sau đó, Lệ Xuân cứ chửi xa xôi là có mấy anh ký giả Mỹ đổ thêm dầu vào lửa, có mấy tay CIA thọc gậy bánh xe.

Trong những vụ đảo chánh trước kia, thì quả thật Lệ Xuân có góp phần làm đảo ngược thế cờ từ đang bị bao vây sắp đầu hàng chuyển sang thế thắng và dẹp được đảo chánh như các vụ Bình Xuyên, vụ Thi - Đông ngày 11.11.1960, vụ Cử - Quốc ngày 27.2.1962, nhưng tới vụ Phật giáo này thì gia đình nhà Ngô không thể cưỡng lại được ý đồ “thay ngựa giữa dòng” của Mỹ, vì lá bài “chống Cộng” của Diệm - Nhu đã không đáp ứng được ý đồ của Mỹ nữa. Vụ Phật giáo nổ ra là thời cơ thuận lợi để Mỹ nương theo đó hạ Ngô Đình Diệm.

Lệ Xuân tuy cha mẹ gốc Phật giáo, nhưng lại theo chồng nhập đạo Công giáo, vì thế bà ta chẳng tin Phật cũng chẳng nể nang gì các vị tu sĩ Phật giáo. Nay thấy các Thượng tọa xuống đường biểu tình, bà ta lại càng thêm tức giận. Lệ Xuân đã họp báo ngay trong dinh Gia Long và ra một thông cáo với lời lẽ nặng nề chỉ trích Phật giáo, các Thượng tọa. Lệ Xuân đã gọi các vị tu sĩ Phật giáo là “sư hổ mang”, là “thầy chùa” và “nhóm đầu trọc”. Lời lẽ hỗn xược trên khiến cho ai cũng tức giận, kể cả những người không phải là Phật tử.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10
Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật Giáo của Diệm

Các đảng phái đối lập, các tướng tá bị nhà Ngô thất sủng cũng nhảy vào “ăn có” với hy vọng được Mỹ hậu thuẫn lật đổ Diệm - Nhu. Trong khi đó, Diệm - Nhu lại loại Trần Kim Tuyến ra khỏi guồng máy cai trị của chế độ, nên Tuyến đã bàn mưu với đại tá T., và một số cấp tá thuộc các đảng Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt… để đảo chánh, loại trừ vợ chồng Nhu - Lệ Xuân, giữ lại Ngô Đình Diệm làm bình phong. Một nhóm tướng, tá khác thân Pháp nhưng được Mỹ móc nối xúi đảo chánh và phải giết trọn gia đình Diệm - Nhu - Lệ Xuân. Nhóm này gồm Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim (còn Tôn Thất Đính cuối cùng mới nhảy vào).

Nguồn tin sẽ có đảo chánh loan truyền âm ỉ kể từ sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) chỗ cây xăng. Tôi là kẻ may mắn được chứng kiến chiếc xe hơi hiệu Austin màu xanh mang số TBA 599 do Trần Quang Thuận chở Hòa thượng Thích Quảng Đức đến nơi diễn ra sự việc. Trần Quang Thuận (con rể của cụ Tôn Thất Hối) lái xe từ nhà số 165 Công Lý (nhà này là cơ quan của Sở Nội dịch Phủ Tổng thống do Tôn Thất Thiết, con trai của cụ Hối, làm chánh sở), chở Hòa thượng Thích Quảng Đức đến ngã tư trên thì dừng lại, giả vờ hỏng máy xe. Lúc đó, các tăng ni, Phật tử vừa làm lễ cầu siêu ở chùa Phước Hòa cũng đã tề tựu hơn trăm người, trên tay cầm cờ Phật giáo đứng đầy ngã tư.

Từ trong xe, một vị Hòa thượng đã ngoài 73 được hai vị tăng mặc áo cà sa màu vàng, xốc nách dìu ra để vị Hòa thượng ngồi an vị ở giữa ngã tư. Rồi, thật nhanh, một vị tăng mở nắp ca-bô xe hơi, xách ra một can xăng, chạy đến bên Hòa thượng Thích Quảng Đức, tưới xăng lên người Hòa thượng. Một vị tăng khác đứng gần đó đưa hộp quẹt cho Hòa thượng Thích Quảng Đức châm lửa. Ngọn lửa và cột khói đen bốc lên cao. Các tăng, ni, Phật tử đứng xung quanh thành kính tụng kinh. Người đi đường xúm đông chứng kiến sự kiện chưa từng có, một ngọn đuốc sống cháy bừng bừng giữa tiếng la hò, đả đảo Diệm - Nhu vang trời.

Mấy phút sau, ngọn lửa tắt, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã viên tịch. Nhanh như chớp, mấy vị tăng đứng gần đó lấy tấm vải vàng và lá cờ Phật quấn xác Hòa thượng lại, đặt lên xe hơi chạy về An Dưỡng Địa để hỏa táng. Thật kỳ diệu, trái tim của Hòa thượng vẫn còn nguyên vẹn, được đem về thờ tại chùa Xá Lợi, để cho tăng, ni, Phật tử đến chiêm bái.

Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã làm Ngô Đình Diệm - Nhu - Lệ Xuân bàng hoàng. Chỉ nửa tiếng đồng hồ sau cả thế giới đều biết tin ở Sài Gòn có một vị Hòa thượng Phật giáo đã tự thiêu để phản đối chính sách kỳ thị, đàn áp Phật tử. Và, ngày hôm sau, báo chí thế giới đã đăng hình ảnh và loan tin đầy đủ về cái chết của vị Hòa thượng. Các tin tức sở dĩ được công bố nhanh chóng như vậy vì Phật giáo đã báo tin trước cho các ký giả các báo và hãng thông tấn ngoại quốc thường trú tại Sài Gòn: 8 giờ ngày 11.6.1963 sẽ có một biến cố trọng đại tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng.

Giữa lúc tình hình đang căng thẳng, Trần Lệ Xuân tự tay viết một bản thông cáo bằng tiếng Pháp (vì Lệ Xuân rành tiếng Pháp hơn tiếng Việt) với những lời lẽ nặng nề, rồi đưa cho văn phòng dịch sang tiếng Việt. Lệ Xuân đọc lại và bảo văn phòng gởi sang Tổng nha Thông tin, lệnh cho Tổng giám đốc báo chí là Phan Văn Tạo gởi ngay cho báo chí phổ biến bản thông cáo. Tạo trình lại cho Tuyến để xin ý kiến, Tuyến đưa cho Đoàn Thêm, Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống xem. Ý của Tuyến là bản thông cáo lời lẽ nặng nề quá, nếu phổ biến sẽ bất lợi vì giữa lúc Ngô Đình Diệm và Phật giáo đang tiến trình hòa giải. Nhưng Lệ Xuân gọi điện thoại cho Tạo, hỏi sao lại chậm trễ như vậy. Tạo và Tuyến cố tình trì hoãn để Đoàn Thêm trình Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm cũng đồng ý không cho phổ biến.

tran le xuan thang tram quyen tinh ky 10
Các nhà sư phản đối chính sách hà khắc của Diệm năm 1963

Lệ Xuân gặp Ngô Đình Diệm và lý luận rằng: “Tôi không chống lại Phật giáo mà tôi chỉ lên tiếng chống lại những phần tử lợi dụng Phật giáo”. Ngô Đình Diệm vốn cả nể Lệ Xuân, nếu không muốn nói là “bất lực” trước cô em dâu, nên cuối cùng cũng đồng ý cho phổ biến (nhưng dặn chỉ phổ biến nội bộ). Lệ Xuân bèn gọi điện thoại cho Phan Văn Tạo hỏi sao thứ bảy chưa thấy đăng. Tạo lấy lý do báo Việt ngữ nghỉ cuối tuần nên chỉ đăng ở bản tin của Việt Tấn Xã và đăng trên hai tờ Journal dExtrême Orient và Time of Vietnam. Đến sáng thứ hai, các báo Việt ngữ đã trích đăng lại. Khi bản thông cáo trên được tung ra, lời lẽ xúc phạm nặng nề đến Phật giáo, toàn thể tăng ni, Phật tử cũng như các giới đồng bào khác rất phẫn nộ, cùng nhau đứng dậy quyết tranh đầu đến cùng một mất một còn với gia đình họ Ngô.

Bản thông cáo của Phụ nữ Liên đới do Lệ Xuân đưa ra và đã được các báo đăng lại như đổ thêm dầu vào lửa. Lệ Xuân lúc này không còn bình tĩnh nữa, bà ta đã gọi các nhà sư là mấy ông “thầy chùa”, mấy “tên trọc đầu”. Đây không phải là lần đầu tiên Lệ Xuân tỏ thái độ bất kính đối với các nhà tu hành, mà trước đây khi linh mục Hoàng Quỳnh theo Bình Xuyên, bà ta cũng đã gọi là “đại úy Hoàng Quỳnh”, mấy ông “quạ đen” làm loạn. Cho nên, năm 1963, không chỉ có Phật giáo đứng lên chống chế độ nhà Ngô mà cả Thiên Chúa giáo (dù thiểu số), như Linh mục Thanh Lãng (Đinh Xuân Nguyên), chủ tịch Văn Bút cũng đã gởi thư ra ngoại quốc lên án chế độ Ngô Đình Diệm - Nhu - Lệ Xuân, rồi cả sinh viên, học sinh như Nguyễn Mạnh Cường, Triệu Bá Thiệp, Dương Kiền… - những học sinh năm 1955 đã vào dinh Norodom ủng hộ Ngô Đình Diệm, yêu cầu phế truất Bảo Đại; chính họ đã quay lại chống đối nhà Ngô một cách gay gắt.

Nhưng, con người ta khi quyền hành có trong tay và đang say máu thường hay mù quáng, quẫn trí, làm những việc mất lòng dân mà họ không hay. Trường hợp Nhu - Lệ Xuân cũng vậy. Một đàng Ngô Đình Diệm sợ dư luận thế giới sẽ lên án chế độ nên còn nhún nhường và nhượng bộ một vài yêu sách của Phật giáo, nhưng Lệ Xuân thì lại cương quyết một mất một còn với Phật giáo. Vì vậy, ngày 23.7.1963 Nhu gọi trung tá Trần Thanh Chiêu, Tổng giám đốc Dân vệ đoàn vào dinh gặp Nhu và Lệ Xuân để bàn cách đối phó Phật giáo.

Trung tá Chiêu vốn là một sĩ quan Công giáo cuồng tín, coi Ngô Đình Diệm - Nhu như cha đẻ. Chiêu xin tình nguyện đem mấy trăm phế binh tới chùa Xá Lợi để ăn cạ với truyền đơn tung ra đả đảo các sư sãi. Các phế binh còn định đập phá chùa. Sự thực thì chẳng có phế binh nào theo Chiêu làm cái việc bất kính đối với nhà tu, mà Chiêu chỉ lôi kéo được 100 người tật nguyền trong họ hàng nhà Chiêu. Chính em vợ Chiêu đã kể với tôi là hắn đi “ăn vạ” ở chùa Xá Lợi bữa đó, được Chiêu trả công mỗi người 5.000 đồng.

Ngô Đình Diệm nghe báo tin có phê binh kéo tới chùa Xá Lợi “ăn vạ” và định đập phá chùa, thì thấy kinh hỏi: “Đứa nào làm như rứa! Ai biểu chúng nó làm bậy hỉ?”. Lúc đó, Nguyễn Đình Thuần, Tổng trưởng Quốc phòng, đứng dậy thưa: “Làm như thế này con không biết phải trả lời ra sao với Ủy ban Liên phái”. Diệm hầm hầm nét mặt, cầm ba-ton nện xuống sàn quát: “Cách chức nó ngay. Bỏ tù nó”.

Thế là vụ này Chiêu lãnh đủ, dù Chiêu nghe lệnh miệng của Nhu và Lệ Xuân, nhưng Chiêu nào dám trình là do lệnh của “ông Cố”, “bà Cố”! Ngô Đình Diệm ra lệnh phạt Chiêu 40 ngày trọng cấm, cách chức, cho giải ngũ ngay. Sau đó, trung tá Khôi, Tư lệnh lữ đoàn phòng vệ và tướng Tôn Thất Đính có đích thân xin Ngô Đình Diệm tha cho Chiêu. Ngô Đình Diệm ậm ừ định tha, nhưng sau lại nhất quyết bỏ tù và cách chức Chiêu. Vụ này xem ra Chiêu là nạn nhân của một kẻ bầy tôi quá hăng say, trung thành với chế độ, sợ chế độ đổ thì Chiêu cũng ra rìa.

Còn Nhu - Lệ Xuân không dám bênh Chiêu ra mặt, vì lúc đó bên ngoài ai cũng bảo Ngô Đình Diệm phạt Chiêu giả vờ để lấy lòng Phật giáo thôi. Nhưng Nhu - Lệ Xuân thì biết rõ Ngô Đình Diệm giận Chiêu lắm. Nhu nói với Tuyến: “Ông cụ làm như vậy thì từ nay trở đi còn đứa nào dám hăng hái. Chiêu nó có tội gì mà phạt nó như vậy”. Và, Nhu còn bảo: “Ông cụ chỉ làm cho họ (Ủy ban Liên phái) mỗi ngày càng thêm quá khích thôi”.

(Còn tiếp)

Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 9)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 8)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 7)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 6)

Lý Nhân