Trần Lệ Xuân – Giấc mộng chính trường và những cuộc tình trăng gió

07:05 | 26/03/2015

21,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không phải từ ngày “xuất giá theo chồng” về Đà Lạt, Lệ Xuân mới giao du với Bảo Đại thắm thiết mà ngay khi còn ở Huế, Lệ Xuân đã thường xuyên ra vào cung cấm một cách công khai làm gia đình họ Ngô phải muối mặt với họ hàng dòng tộc và bà Từ Cung cũng không khỏi buồn lòng.

Lệ Xuân “giao du” từ vua xuống tướng

Không phải từ ngày “xuất giá theo chồng” về Đà Lạt, Lệ Xuân mới giao du với Bảo Đại thắm thiết mà ngay khi còn ở Huế, Lệ Xuân đã thường xuyên ra vào cung cấm một cách công khai làm gia đình họ Ngô phải muối mặt với họ hàng dòng tộc và bà Từ Cung cũng không khỏi buồn lòng. Bảo Đại vốn là ông vua nổi tiếng ăn chơi, với Lệ Xuân, một cô gái lẳng lơ, lãng mạn mà gặp ông vua đam mê sắc dục thì đời nào không sáp lại với nhau. Mới gặp nhau lần đầu, Bảo Đại đã không tiếc lời ngợi khen Lệ Xuân là tiêu biểu cho gái Hà Thành vừa đẹp vừa khéo léo trong lời ăn tiếng nói. Nhận mấy lời khen tặng đó, người “đoan chính” như Lệ Xuân đã lập tức đáp trả bằng những lời lẽ tâng bốc vị Quốc trưởng lên tận mây xanh, rồi cứ thế, “kẻ tung người hứng” ra chiều vô cùng tâm đầu ý hợp.

Như các cụ quan triều đã kể lại, gia đình họ Ngô khi “rước” cô con dâu Trần Lệ Xuân về cũng là “rước” luôn bao lời đàm tiếu, dị nghị bởi vẻ ngoài lăng lơ, đầy khêu gợi, cô con dâu lãng mạn và hết sức tân thời này còn làm xáo trộn cả nề nếp gia phong bằng lối giao du phóng túng với đủ loại quan Tây, quan ta. Ngô Đình Khôi, người anh cả trong gia đình khi biết chuyện đã phải gọi Lệ Xuân vào quở mắng, cấm Lệ Xuân không được học đòi kiểu cách Tây phương, làm trò “ngoại giao” thái quá. Nhưng Lệ Xuân lập tức chối đây đẩy, lấy cớ là vào cung thăm bà Từ Cung và nhân có nhà vua ở đó nên ngồi nói chuyện vui chứ nào có tình ý gì. Nhưng viện cớ ấy mãi không xong, bị nhà chồng “xiềng” quá, Lệ Xuân phải bảo nhà vua là khi nào cần cứ cho người đến mời Lệ Xuân vào cung để bà Từ Cung gặp, như vậy là Lệ Xuân đã che mắt được mọi người.

Trong thời gian giao du với Bảo Đại, Lệ Xuân chỉ nể mỗi Nguyễn Đệ là đổng lý của Bảo Đại, vì Nguyễn Đệ là anh cô Nghĩa đã hứa hôn với chồng Lệ Xuân trước kia. Nay Nguyễn Đệ thấy Lệ Xuân hàng tuần ra vào nơi ở của Bảo Đại, ông không ngại gì mà nói thẳng ra: “Làm gì có chuyện đàng hoàng giữa một ông vua trẻ tuổi với một cô gái lãng mạn vào phòng đóng kín cửa hàng giờ đồng hồ!”. Có thời gian bà Nam Phương phải sang Pháp với mấy đứa con để chăm chúng ăn học, ở nhà Bảo Đại tha hồ mèo mỡ. Có những tuần lễ Bảo Đại vào Đà Lạt nghỉ thì Lệ Xuân cũng lấy cớ vào Đà Lạt thăm bố mẹ ruột. Nguyễn Đệ là người ghét cay ghét đắng nên đã nói với Đại tá Nguyễn Tuyên, sĩ quan văn phòng nhà vua:

- Lệ Xuân đúng là Bao Tự, người đàn bà làm U Vương nhà Chu mất nước.

Lệ Xuân với Tướng Nguyễn Văn Hinh, Sĩ quan tùy tùng Trần Văn Đôn…

Nguyễn Văn Hinh con của một cựu Thủ tướng có biệt danh “Hùm xám” Cai Lậy, đã tốt nghiệp sĩ quan không quân Pháp. Khi Mỹ đưa Diệm về làm Thủ tướng năm 1954, các quan thầy Pháp biết ngay sẽ bị hất cẳng ở Việt Nam, nên Pháp xúi Hinh làm đảo chính lật Diệm.

Tướng Hunh điều động quân đến bao vây dinh Norodom, nơi ăn ở và làm việc của anh em Diệm - Nhu. Trong lúc anh em Diệm - Nhu đang vò đầu bứt tai nghĩ cách giải giáp đám quân tướng đằng đằng sát khí đang lăm le tràn vào dinh thì Lệ Xuân đã hiên ngang nói với chồng:

- Để em đi gặp Tướng Hinh, bảo hắn rút quân và buông súng ngay!

Nói xong, Lệ Xuân tự lái xe tới Bộ Tổng tham mưu gặp Hinh. Tướng Hinh còn trẻ, tràn đầy sinh lực, vừa thấy Xuân lả lơi, anh ta đã “hồn phiêu phách lạc”. Với vẻ sắc sảo và lạnh lùng, Lệ Xuân đã bảo Hinh: “Anh không thể phản loạn được!”. Nhưng Hinh đã trả lời:

Anh có thể bắt giữ em làm con tin ngay bây giờ và em sẽ là của riêng anh!

Lệ Xuân hai mắt long lên, đáp lại không chút ngại ngần:

- Trước khi anh bắt em, em sẽ bóp cổ anh chết đã!

Thần sắc và khẩu khí của Lệ Xuân đã hoàn toàn chinh phục Hinh, Hinh chỉ còn biết quỳ sụp xuống chân Lệ Xuân hứa sẽ ra lệnh cho đám loạn quân rút khỏi dinh Norodom và còn cầu xin Lệ Xuân “ban ơn mưa móc”.

Theo lời kể của viên tướng ngụy, sau lần “tương ngộ” đó, Bộ Tổng tham mưu thường xuyên xuất hiện “bóng hồng” của Lệ Xuân. Thậm chí, vào những kỳ nghỉ cuối tuần cả hai còn lên Đà Lạt “dung dăng dung dẻ”.

Trong một lần tâm sự với viên tướng ấy, Hinh thổ lộ:

- Moa thấy “em” duyên dáng và dễ thương, nhạy cảm, có ma lực thu hút pháo nam, ngồi nói chuyện, moa thấy chân cẳng “em” thay đổi hoài, đàn bà như vậy ghê lắm! Mấy con đầm cũng vậy, thằng chồng mà thiếu bản lĩnh thế nào cũng bị nó cho mọc sừng.

Tuấn lại hỏi đùa:

- Theo toa, như vậy, chồng “em” đã bị mọc sừng chưa?

Hinh chỉ cười mà không trả lời.

Tướng Nguyễn Văn Hinh có một sĩ quan tùy tùng còn phong độ và đẹp trai hơn cả Hinh, đó là Đại tá Trần Văn Đôn. Gần gũi với Hinh, chẳng bao lâu sau, giữa Xuân và Đôn lại “nảy nở” một mối thâm tình. Không hiểu Lệ Xuân tỉ tê thế nào mà sau đó Đôn chỉ thị ngay cho Trung tá Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch dẹp loạn Bình Xuyên mang tên Hoàng Diệu. Quân tướng Bình Xuyên tan rã khiến cho các nhóm Hòa Hảo, Cao Đài cũng kinh động, chẳng ai bảo ai, quân tướng hè nhau đào ngũ.

Việc Lệ Xuân giao du với Tướng Hinh, với Đại tá Đôn đã được binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa thời đó loan truyền rỉ tai nhau. Các bà vợ của Hinh, Đôn đã hè nhau rình và quyết tâm sẽ cho Lệ Xuân một bài học. Nhưng vợ tướng Hinh là dân Tây nên coi đó là việc bình thường, còn vợ Đôn với máu “sư tử Hà Đông” đã có lần bà ta cầm súng rượt Lệ Xuân chạy bán sống bán chết. Sau lần đó, Lệ Xuân tự nhủ mình phải biết kiềm chế những lần hò hẹn với Đôn.

…Và với trùm CIA ở Đông Dương

Có thể nói, đóng vai trò đạo diễn cho màn kịch chính trị công diễn từ những ngày đầu Diệm mới chân ướt chân ráo về Việt Nam là Tướng Lansdale, một trùm CIA ở Đông Dương. Suốt ngày Lansdale lui tới dinh Norodom để bàn mưu dẹp các nhóm vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo… và dĩ nhiên thường xuyên chạm mặt Lệ Xuân. Cứ nhác thấy bóng là Lệ Xuân là bộ râu con kiến của Lansdale mấp máy liên tục. Lệ Xuân thừa biết nhưng vẫn cứ giả vờ “treo cao giá ngọc”. Bị kích động vì vẻ ỡm ờ của Lệ Xuân, Lansdale đã nghĩ ra cách mời Diệm và vợ chồng Nhu đi Long Hải nghỉ cuối tuần, tắm biển cho thư giãn tinh thần sau vụ dẹp nhóm phản loạn.

Ngô Đình Nhu không đi lấy cớ công việc bề bộn, phải lo trấn giữ dinh kẻo “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”. Thế là Lansdale được dịp đưa Diệm cùng Lệ Xuân ra Long Hải vào chiều thứ bảy và chủ nhật. Diệm vốn là người nhát và hay e thẹn nên xuống biển không dám mặc quần tắm như mọi người, ả cứ vận nguyên quần dài ta rồi túm hau ống lại bằng dây thun.

Còn Lệ Xuân thì chẳng việc gì phải e ấp, thẹn thùng. Trong bộ đồ tắm hai mảnh hớ hênh, Lệ Xuân thỏa sức chạy nhảy và nô giỡn với Lansdale. Tắm biển xong, bỏ mặc Diệm nằm nghỉ trưa, Xuân và Lansdale rủ nhau đi đánh chén rồi cùng kéo vào phòng… nghỉ.

Trong lúc đầu gối tay ấp, Lansdale đã hứa là với bất cứ giá nào nước Mỹ cũng bảo vệ gia đình họ Ngô nắm quyền cai trị miền Nam, và trước sau gì Lệ Xuân cũng trở thành Đệ nhất phu nhân của nền “Đệ nhất cộng hòa”. Lệ Xuân là một phụ nữ ham danh vọng không kém tình dục nên đã ghì lấy Lansdale và nói:

- Anh phải hứa chắc, chứ bọn phản loạn nó đang hè nhau phá chế độ nhà em đấy!

Lansdale giơ tay thề: “Nước Mỹ không bao giờ thay ngựa giữa dòng. Miền Nam là “thành trì chống Cộng”. Nước Mỹ sẽ không sa lầy ở Việt Nam và không bao giờ thua trận!”.

Giữa đám quần thần vô liêm sỉ

Phải nói, chế độ họ Ngô nhanh chóng rệu rã và đổ sụp chỉ vì có nhiều tên “đánh võ lưỡi” giỏi quá, không chút liêm sỉ đã tâng bốc “Cụ Ngô”, bà “Cố vấn”… lên tận mây xanh. Như tờ Bông Lúa đã đưa chân dung Lệ Xuân lên ngay trang bìa. Trông Lệ Xuân mơn mởn rực lửa với con mắt đa tình, ai cũng tưởng là hình một gái nhảy hay ca sĩ phòng trà.

Thời đó, từ các tổng giám đốc đến các chủ báo người nào cũng khúm núm, lễ phép khoanh tay trước mặt Lệ Xuân trong các dịp lễ lạt mà Lệ Xuân đến chủ tọa. Như ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng năm 1960 hay 1961 gì đó, các tay ký giả đã không khỏi xấu hổ khi thấy một ông chủ nhiệm lùn tịt, da đen cháy đang khúm núm xưng con trước mặt Lệ Xuân ngọt xớt khi Lệ Xuân cùng Diệm tới chủ tọa buổi lễ. Tuy nhiên, ông này cũng còn là hạng khá nếu so với một tay bộ trưởng đã được dư luận chính giới đặt cho một biệt danh mà khi xướng lên cũng đủ biết “thủ đoạn” dọn đường công danh sự nghiệp của hắn ti tiện đến mức nào: “Hoàng Liếm”. Tên này cũng là dân Tây học. Về nước nhờ có chút vốn lận lưng, nhờ gặp thời và nhờ “đánh võ mồm” mà phất lên như diều. Chẳng mấy khó khăn, hắn těm cách “diện kiến” bŕ Cố vấn… Thi sĩ H.C quen thân với gia đình họ Ngô, một hôm nọ vào dinh tình cờ thấy cặp gian phu dâm phụ đóng một màn kịch rất khôn khéo, một bên giả vờ đánh rơi dép, một bên vội vàng cúi lượm đưa vào phòng, rồi cửa phòng đóng kín, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Do đó, ông này khi ra về đã làm một bài thơ mỉa mai gia đình họ Ngô với những câu sau:

Kiến nghiệp sao đành dơ khí tiết,

Ham danh nên nổi hoại tâm hồn

Trách thầy địa lý phân kim lệch,

Mả táng long hầu hóa khuyển non.

Sở dĩ hai câu kết hơi lạ lùng là vì tay bộ trưởng này đi đến đâu cũng khoe mả tổ nhà hắn táng hàm rồng, lẽ ra phát to lắm. Nhưng chắc vì thầy địa lý phân kim định hướng sai lệch nên mới… phát ra cái sự nhục nhã quá mức đê hèn khốn khổ ấy.

Những việc làm đồi bại của Lệ Xuân với mấy tay tổng bộ trưởng hay tướng lĩnh lâu ngày cũng đến tai Diệm - Nhu. Bằng cớ là có kẻ thu băng chụp hình việc gian dâm của Lệ Xuân rồi đem ra miền Trung trình cho Cẩn. Cẩn đem vào Sài Gòn đưa cho Diệm. Diệm xem mà đỏ mặt tía tai, vứt cho Nhu và quát chú em phải làm sao ngăn cản vợ không thì bại hoại cả gia phong.

Nhu tức giận, la rầy Lệ Xuân một trận, Lệ Xuân không hối cải mà còn ngoác mồm ra nói:

- Anh chỉ nghe bọn khốn nạn bịa đặt, nếu anh tin thì anh và tôi ra tòa ly dị ngay. Còn tôi thì phải giao du và đem cái “lá chắn” ra đỡ đạn cho chế độ nhà anh. Không có con này thì cả nhà anh đã bị thằng Hinh làm cho vong mạng lâu rồi.

Nghe Lệ Xuân và em mình to tiếng, Diệm chỉ biết lựa lời can gián, đừng để người ngoài biết được thì nào chỉ “xấu thiếp, hổ chàng”… Thật ra, Lệ Xuân đã không ít lần đòi ly dị vì cảm thấy “nhân phẩm” bị xúc phạm. Như lần Nhu đi Pháp công cán cho Diệm về việc điều đình với Pháp trong việc bang giao, thì ở nhà Lệ Xuân “trổ nòi”, lên tận Đà Lạt giao du với một nhạc sĩ tài hoa đẹp trai, cao ráo, là Giám đốc Nhạc viện Sài Gòn.

Khi Nhu về Sài Gòn, có kẻ tâu trình là “Bà Cố” đi Đà Lạt đổi gió với nhạc sĩ họ Hoàng. Nhu nghe được, gọi Lệ Xuân vào la rầy. Lệ Xuân tức mình trả lời:

- Anh không cho tôi tự do đi giao du thì anh bỏ tôi đi. Nếu không, tôi tự tử để mấy anh em nhà anh vùng vẫy.

Nhu nghe vợ dọa như vậy đành ngậm bồ hòn, lại chúi mũi vào đống hồ sơ dày cộm do các nịnh thần đang vẽ vời đề án nọ, kế hoạch kia chống đảo chính.

Theo một cận thần nhà Ngô kể thì sau bàn làm việc của Nhu ở trong dinh, Lệ Xuân đã treo một bức ảnh chụp Lệ Xuân ăn vận quần áo “Thanh nữ Cộng hòa” tay chĩa khẩu súng lục về phía trước. Bức ảnh này ngụ ý là tên nào trở mặt chống chế độ anh em họ Ngô thì mụ sẽ “xuống tay” ngay.

Sĩ quan cận vệ kể lại, có lần “Tổng Diệm” đang ngồi trong phòng làm việc một mình, thì không biết có việc cấp bách gì đó nên Lệ Xuân từ phòng ngủ của mụ mở cửa chạy sang phòng “Tổng Diệm”, trên người chỉ khoác chiếc áo ngủ mỏng như sương. Thấy Lệ Xuân bất ngờ xuất hiẹn trước mặt mình trong bộ cánh quá sức khiêu gợi, Diệm vội bấm chuông lia lịa gọi sĩ quan tùy viên vào và đổ lên đầu anh ta một tràng chửi bới vô cớ. Lệ Xuân thấy vậy quay gót trở về phòng.

Diệm thấy Lệ Xuân đi khỏi, gọi viên sĩ quan tùy viên và nhỏ nhẹ nói:

- Kể từ lúc này trở đi, bất cứ ai vào phòng tui, chú phải trình trước hỉ!

Thì ra Diệm sợ việc Lệ Xuân mặc áo ngủ tự do vào phòng Diệm sẽ bị đàm tiếu.

Rồi có lần vợ chồng Nhu vào phòng Diệm, Lệ Xuân thấy Diệm mặc cái áo sơ mi đã cũ, cổ áo nhàu nhúm, Lệ Xuân đứng đằng sau đưa tay lên sờ cổ áo Diệm và nói:

- Cổ áo

- Cổ áo anh cũ thế này mà không thay đi. Tội nghiệp anh quá, làm việc nước quên cả việc mình. Để em bảo tùy viên nó lấy áo thay cho anh.

Cử chỉ tự nhiên của Lệ Xuân khiến Diệm bối rối, ngượng đỏ mặt với em mình.

(Xem tiếp kỳ sau)

V.H

(Theo ANTG)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps