Trận chiến mở màn trên Vịnh Bắc Bộ

16:52 | 05/08/2016

15,900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày đầu ra quân, bộ đội hải quân đã cùng quân và dân vùng Đông bắc chiến đầu dũng cảm, bắn rơi 8 máy bay và bắn bị thương một số chiếc khác. Trận đầu đánh thắng ấy cũng là trận mở màn cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ của Quân chúng hải quân nói riêng, quân và dân miền Bắc nói chung.

Như trứng chọi đá

Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 Hải quân, Phân đội trưởng Phân đội 3 thuộc Tiểu đoàn 135, người trực tiếp chỉ huy 3 tàu phóng lôi đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc trong trận chiến đấu ngày 2-8-1964 nhớ lại: Đêm 31-7, rạng sáng 1-8-1964, Mỹ cho tàu khu trục Ma-đốc tiến vào vùng biển thuộc tỉnh Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo, đồng thời khiêu khích lực lượng Hải quân của ta.

Khi đó, phân đội tàu phóng lôi đang luyện tập ở vùng biển Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì nhận được lệnh lắp ngư lôi, hành quân gấp vào vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa) đón đánh tàu khu trục Ma-đốc. Phân đội có 3 tàu gồm 333, 336, 339. Xét về mức tương quan lực lượng giữa hai bên lúc ấy thì có thể ví như “trứng chọi đá”, vì tàu khu trục Ma-đốc thuộc loại hiện đại, tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ lúc đó. Ra-đa của tàu Ma-đốc có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự ly 10-14 hải lý. Các giàn phóng bom trên tàu khu trục Ma-đốc vừa dùng để đánh tàu ngầm, vừa có thể phá các quả ngư lôi của đối phương khi phóng vào tàu. Trong khi đó, mỗi tàu phóng lôi của ta chỉ vẻn vẹn 2 quả ngư lôi, 1 khẩu pháo 14,5mm.

Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, thông thường phải cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi mới có thể đánh trúng được 1 quả ngư lôi vào tàu khu trục Ma-đốc. Nhưng với tinh thần "quyết chiến, quyết thắng", 3 tàu phóng lôi đã dũng cảm đương đầu với tàu Ma – đốc Mỹ, đánh đuổi nó ra khỏi vùng biển miền Bắc. Vì đã được cấp trên bảo đảm tốt về mặt trang bị, kỹ thuật và cho phép bắn tập từ trước để làm quen với vũ khí nên đây là lần đầu tiên Hải quân của chúng ta dùng ngư lôi đánh tàu địch.

tran chien mo man tren vinh bac bo

Tàu hải quân bắn máy bay Mỹ trên vùng biển Đông Bắc

Trưa ngày 2-8-1964, các tàu thuộc Phân đội 3 đã đánh đuổi được tàu khu trục Ma-đốc, bắn rơi một máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Mặc dù xâm phạm vùng biển Việt Nam và bị đánh đuổi nhưng phía Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc bộ” để mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bắt đầu từ Quảng Ninh. Ngày 5-8-1964, không quân Mỹ cho hàng chục tốp máy bay xâm phạm vùng trời tỉnh Quảng Ninh và trút bom đạn với mật độ dày đặc. Các tàu của Quân chủng Hải quân đã phối hợp với các lực lượng phòng không, dân quân tự vệ và nhân dân kiên cường, dũng cảm đánh trả các đợt không kích của máy bay địch. Tổng cộng, quân và dân ta đã bắn rơi 8 máy bay phản lực hiện đại của Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, làm nên chiến công oanh liệt đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

tran chien mo man tren vinh bac bo

Chiến đấu tại vùng biển Lạch Trường, Thanh Hóa

Những con tàu thô sơ, lạc hậu

Chiến đấu với một cường quốc với vũ khí, phương tiện hiện đại gấp nhiều lần nhưng Hải quân ta lúc đó sở hữu vũ khí như thế nào?

Thời kỳ ấy, hải quân chỉ có các tàu tuần tiễu K210-A 79 tấn, rất thô sơ và lạc hậu so với lực lượng hải quân thế giới. Dự đoán trước thế nào Mỹ cũng mở cuộc tấn công từ hướng biển và trên không vào miền Bắc nên bộ đội hải quân đã khẩn trương cải tạo những con tàu tuần tiễu thành tàu phóng lôi.

Khoang đạn, bom chìm, giá nâng đạn, hệ thống làm mát nòng pháo trên các tàu được cải tạo; thay thế pháo 40mm, 20mm một nòng đã cũ bằng pháo 37mm hai nòng và súng máy 14,5mm hai nòng có tốc độ bắn nhanh và chính xác hơn; lắp pháo bắn thẳng DKZ-82 ở phía sau đài chỉ huy để bắn địch ở cự ly gần, lắp thêm giá bom chìm cùng cơ cấu điều khiển thả bom chìm. Cũng thời gian đó, ngành kỹ thuật Hải quân đã tiến hành bảo đảm kỹ thuật cho các tàu phóng lôi 123K, thuộc biên chế của Tiểu đoàn 135 tại căn cứ chính ở đảo Vạn Hoa. Để bảo đảm kỹ thuật cho ngư lôi chiến đấu, trạm sửa chữa và lắp đặt ngư lôi đã tiến hành bảo quản, bảo dưỡng, kiểm định bảo đảm vật tư, khí nén bổ sung cho ngư lôi và tổ chức bắn thử. Việc bắn thử thành công đã góp phần giúp cho cán bộ, chiến sĩ trên các tàu làm chủ được tính năng kỹ chiến thuật của các loại vũ khí mới được nâng cấp, trang bị và có thêm kinh nghiệm khi chiến đấu.

Cuối tháng 6-1964, Bộ tư lệnh Hải quân đã ra lệnh tiến hành lắp ngư lôi cho 3 tàu của Phân đội 3, Tiểu đoàn 135. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến đầu tháng 7-1964, hai phần ba số tàu tuần tiễu của Quân chủng Hải quân đã được thay thế, lắp vũ khí, trang bị hoàn chỉnh. Sau đó cho tàu vào Lạch Trường, Thanh Hóa chuẩn bị cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đánh đuổi tàu Mỹ-ngụy xâm nhập vào vùng biển miền Bắc.

Nhớ lại 18g chiều ngày 5-8-1964, qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, quân và dân cả nước nức lòng khi nghe tin về trận thắng oanh liệt này. Và từ đó cả miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đến hết năm 1972.

Chiến công đầu trong hai ngày mồng 2 và 5-8-1964 đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội hải quân Việt Nam. Chiến công đó cũng khẳng định một chân lý: Vũ khí không phải là yếu tố quyết định thắng lợi mà còn nhờ tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm và sáng tạo của bộ đội ta.

Đức Toàn