Trảm quân - Trảm tướng

07:06 | 23/02/2016

8,895 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là “viên tướng” nhỏ cuối cùng bị trảm theo yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng. 

Nhưng ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN, “tướng” lớn nhất lại thoát hiểm về những sai phạm trong kế hoạch mua 164 toa tàu đồng nát của Trung Quốc ở tập đoàn này.

tram quan tram tuong
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN không thể vô can trong vụ định mua 164 toa tàu cũ từ Trung Quốc

Vụ việc vỡ lở, ông chủ tịch chối tội ráo hoảnh rằng, ông không biết, không được báo cáo, nhưng ông chỉ đạo thực hiện việc kỷ luật cấp dưới với tốc độ kỷ lục nhanh chưa từng có trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam. Ai cũng nghĩ ông né tội ngoạn mục.

Ngay sau đó, các nhà báo khui ra nhiều tài liệu văn bản cho thấy, kế hoạch mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc đã được chính ông Thành bút phê “nhất trí thực hiện nhanh... đề nghị tổ chức triển khai”. Bằng chứng là trong Văn bản số 399 ngày 15-10-2014 của Ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng Công ty ĐSVN gửi Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành và Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng có nội dung thể hiện chủ trương mua toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc, chính là để thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc tổng công ty ngày 3-9-2014 tại bút phê Văn bản số 229/ĐS-QTCN ngày 29-8-2014.

Chủ trương đầu tư toa tàu cũ được đề xuất theo 2 phương án: Phương án 1 - Tổng Công ty ĐSVN là chủ đầu tư, khi đó các ban của tổng công ty sẽ tham mưu lập dự án đầu tư và thực hiện đầu tư. Phương án 2 - Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội làm chủ đầu tư. Ban này còn đề xuất, do các toa xe này chỉ đủ khả năng khai thác từ Vinh ra phía bắc và từ năm 2015, các công ty vận tải sẽ trở thành đơn vị hạch toán độc lập nên giao cho Công ty TNHH Vận tải đường sắt Hà Nội làm chủ đầu tư. Nguồn vốn của dự án là vốn khấu hao tài sản cố định khối vận tải và vốn vay ngân hàng; kêu gọi hợp tác đầu tư.

Vấn đề quan trọng nhất trong văn bản bác bỏ sự né tránh thoái thác trách nhiệm của ông Trần Ngọc Thành chính là bút phê của ông, người lãnh đạo cao nhất Tổng Công ty ĐSVN. Cụ thể: Trên đầu văn bản ông đã ghi rõ: “K/c TGĐ, VT&ĐHTX. Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”.

Trước đó, ngày 8-5-2014, Phó tổng giám đốc ĐSVN ông Ngô Cao Vân cũng có Văn bản số 148/TB-ĐS với nội dung thông báo giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chuyến công tác của Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc từ ngày 25 đến 27-5-2014. Văn bản 148 nêu rõ nội dung thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh về hợp tác giữa 2 bên, tìm hiểu hoạt động của Cục Đường sắt Côn Minh sau tái cơ cấu đường sắt Trung Quốc. Khảo sát thực tế và thảo luận việc mua toa xe hàng khổ đường 1.000mm đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh.

Hóa ra, việc chào bán toa xe đồng nát đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh diễn ra từ năm 2013 và Tổng Công ty ĐSVN đã có những cuộc họp, kết luận về vấn đề này, đồng thời yêu cầu các công ty con báo cáo về nhu cầu số lượng, chủng loại toa xe sẽ mua.

Thế nhưng, sau khi vụ việc mua tàu cũ bị phanh phui, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành đã khẳng định: “Tôi là người quyết định cao nhất của tổng công ty và phải có ý kiến của tôi thì mới được mua tàu, nhưng tôi hoàn toàn chưa được báo cáo về việc mua tàu của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội”. Ông Thành còn nhấn mạnh quan điểm: “Tàu sử dụng 1 năm cũng không đồng ý cho mua chứ đừng nói là đã qua sử dụng 20 năm”.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN không dám chịu trách nhiệm nên luôn khẳng định không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng.  Không những thế, việc chấp thuận giá cả của lô tàu cũng đã được Tổng Công ty ĐSVN khẳng định bằng văn bản, đơn giá này thậm chí vẫn được tính bằng tiền nhân dân tệ (NDT) của “đối tác” chứ chưa quy đổi ra tiền Việt.

Và người chịu trận đầu tiên trong việc này đương nhiên là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp. Ông Hiệp không đề xuất việc mua toa tàu cũ đã bị miễn nhiệm chỉ vì ký công văn xin ý kiến vượt cấp. Ơn giời, ông Tổng giám đốc Hiệp chỉ bị giáng chức về làm phó ở một ban của tổng công ty nhưng tâm không phục mà khẩu cũng không phục.

Dư luận rất băn khoăn về vai trò nào của Tổng Công ty ĐSVN? Trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN trong vụ việc này là như thế nào?

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, người được Thủ tướng giao điều hành Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là xử lý nghiêm, không có chuyện lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN vô can!

Có lẽ đây không chỉ là chuyện trách nhiệm cá nhân mà còn là vấn đề tư cách cán bộ lãnh đạo của ông Trần Ngọc Thành khi cố ý đổ tội cho cấp dưới!

Bảo Văn

Năng lượng Mới 499

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc