Nhà thiết kế Vincent Đoàn

Trải nghiệm & Thăng hoa

07:00 | 23/06/2018

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít ai biết rằng, Vincent Đoàn - người được ưu ái với danh xưng “Nhà thiết kế hoa hậu”, 4 năm trước, khi quyết định về nước khởi nghiệp, đã vấp phải không ít sự phản đối từ gia đình và bạn bè. Nhưng cũng chính nhờ tình yêu mãnh liệt với thời trang đã giúp nhà thiết kế 8X gặt hái được những “quả ngọt”.

Hẹn Vincent Đoàn tại showroom trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) dự định tâm sự khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng câu chuyện cứ kéo dài mãi. Đúng 12 giờ trưa, Vincent nhìn đồng hồ và nói: “Ôi, chúng ta tâm sự hơn 2 tiếng rồi. Lâu lắm rồi em mới có cuộc tâm sự dài đến vậy”. Tiếp xúc với Vincent rồi mới hiểu, nếu như trong công việc rất chỉn chu, chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất của trang phục, luôn vươn đến sự hoàn hảo, thì cuộc sống riêng của nhà thiết kế (NTK) 8X rất giản dị, mộc mạc, khiêm tốn.

trai nghiem thang hoa
NTK Vincent Đoàn tại Tuần lễ thời trang VIFW Spring Summer 2018 (ảnh: Edi Lương)

Trải nghiệm với văn hóa Việt

Sinh sống, học tập rồi thành công ở Mỹ - một trong những kinh đô thời trang của thế giới - nhưng cách đây 4 năm, Vincent Đoàn quyết định quay về nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Khi hỏi về lý do trở về quê hương, Vincent chân thành chia sẻ: “Thú thật, để thành công ở thị trường thời trang quốc tế vô cùng khó khăn vì sự cạnh tranh rất lớn. Vincent sớm nhận ra tiềm năng lớn của thị trường trong nước nên quyết định quay về nhưng vấp phải sự phản đối của bạn bè và người thân vì cho rằng Vincent quá mạo hiểm”.

Đúng là nam NTK quá mạo hiểm, bởi muốn khởi nghiệp thành công ở Việt Nam thì phải có nhiều nhân tố khác bên cạnh sự nỗ lực bản thân. Trong khi Vincent khởi nghiệp ở lĩnh vực thiết kế thời trang vốn có sự cạnh tranh rất lớn.

Vincent Đoàn thừa nhận, thời điểm về Việt Nam, anh còn thiếu nhiều yếu tố như: Không gia đình (cả gia đình đều sinh sống và làm việc ở Mỹ), tiềm lực tài chính có hạn, mối quan hệ xã hội gần như không có… cộng với sự phản đối của người thân và bạn bè, kể cả một người chị đang phụ trách tạp chí thời trang ở Việt Nam cũng gửi thư khuyên anh đừng về, bởi khả năng thất bại rất cao.

Điểm nhấn đặc biệt của bộ sưu tập “Bold Fun Forever” là Vincent Đoàn đưa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, hướng đến những phụ nữ thanh lịch, sang trọng nhưng rất phóng khoáng trong tính cách và có chút… nổi loạn.

Thế nhưng Vincent không nản lòng, vẫn quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Có lẽ chính niềm tin vào bản thân cộng với khả năng sống tự lập từ nhỏ nên anh tin rằng dù khó thế nào cũng vượt qua được, chỉ cần bản thân có năng lực và thực sự cố gắng.

Dù tự tin và đầy bản lĩnh, nhưng Vincent Đoàn đã gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ cú sốc này đến cú sốc khác, mà sốc nhất là con người và văn hóa. Nếu như ở Mỹ, lĩnh vực thời trang đã đi vào quy củ, chuyên nghiệp và con người ứng xử dựa trên hai nguyên tắc cơ bản đồng ý hoặc không đồng ý, thì ở Việt Nam không phải vậy. Chưa kể, thời điểm mới về nước, vốn tiếng Việt của NTK trẻ rất khiêm tốn, có lúc nói mà người khác không hiểu, có lúc lại không hiểu người ta nói gì…

Vì thế, Vincent Đoàn quan tâm tìm hiểu văn hóa và lối sống của người Việt. 2 năm trước, Vincent đã đọc cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của nhà văn hóa Hữu Ngọc. Cuốn sách được đánh giá như một quyển nhật ký về văn hóa dân tộc, trong đó có những bức tranh đa diện về đất nước, con người Việt Nam. Với lối văn mộc không cầu kỳ, kiểu cách, văn hóa Việt Nam được nhà văn hóa Hữu Ngọc phác họa một cách sắc nét qua những dòng ký sự đặc biệt lôi cuốn người đọc. Vincent cho biết, anh bị cuốn hút bởi giọng văn của nhà văn hóa Hữu Ngọc và yêu thương nền văn hóa Việt tự lúc nào không biết.

Tuy nhiên, trong văn hóa ứng xử người Việt có nhiều điều Vincent Đoàn chưa thể thích nghi được trong một sớm một chiều. Sau một thời gian làm việc ở Việt Nam, có nhiều bạn bè cứ thắc mắc vì sao anh không khéo léo hơn để được việc? Vì sao phải giữ bản sắc, phải giữ cái tôi để vất vả như vậy? Vincent quả quyết cho rằng: Mỗi người chỉ sống một lần trong đời nên phải giữ bản sắc, không thể vì điều này điều kia, vì người này người kia mà mình thay đổi, mình khác đi. Sau những lần bầm dập te tua và thậm chí bị phản bội thì cũng có lúc tự ngẫm sao mình “khùng điên” đến vậy. Có thời điểm Vincent trượt dài trong thất vọng, chán nản và muốn quay về Mỹ.

Rồi gia đình, bạn bè cũng thúc giục Vincent Đoàn quay về Mỹ, cứ xem về Việt Nam trong 2 năm là một cuộc lãng du, nhưng có lẽ do bản tính không dễ dàng chịu đầu hàng nên anh không bỏ cuộc.

Năm 2015, NTK Vincent Đoàn về Mỹ thăm gia đình trong khoảng nửa năm và cũng là thời gian nhìn lại chính mình, những gì va vấp, những trải nghiệm sau thời gian về Việt Nam khởi nghiệp. Rồi anh thấy nhớ Việt Nam nhiều lắm. Vincent bảo: “À, hóa ra không phải do mình ương bướng, mà do mình lỡ yêu mảnh đất này rồi”.

Sau 6 tháng nghỉ ngơi và chiêm nghiệm, Vincent quay trở lại Việt Nam và trình làng bộ sưu tập “San hô đỏ” tạo tiếng vang lớn trong làng thời trang. Kể từ đó, giới thời trang trong nước biết đến NTK trẻ Vincent Đoàn. Tên tuổi Vincent Đoàn lan rất nhanh và có nhiều fan từ các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

“Thành công, vinh quang, khen tặng với Vincent trong thời gian đầu rất có ý nghĩa và là nguồn động viên tinh thần rất lớn. Vincent nhận ra rằng phải biết trân trọng lúc mình thăng hoa cũng như chấp nhận lúc thất bại. Phải biết cân bằng để tránh rơi vào cảm xúc tiêu cực” - đó là tâm sự rất thật của Vincent khi nói về ánh hào quang trong nghề cũng như những bĩ cực trong nghề.

trai nghiem thang hoa
Bộ sưu tập “Bold Fun Forever” tại Tuần lễ thời trang VIFW Spring Summer 2018

Có thể nói, cú nổ đầu tiên của Vincent Đoàn khá thành công, tuy nhiên phải gần 2 năm sau “San hô đỏ”, Vincent Đoàn mới xuất hiện lại tại Tuần lễ thời trang Vietnam International Fashion Week (VIFW) Spring - Summer 2018 với bộ sưu tập “Bold Fun Forever” lấy cảm hứng từ vương hậu Marie Antoinette - một phụ nữ với lối sống xa hoa và có phần phóng đãng của giới quý tộc châu Âu.

Với bộ sưu tập “Bold Fun Forever”, anh tập trung vào vẻ đối lập màu sắc cùng sự hòa trộn của 3 gam màu cổ điển trắng - đen và đỏ, điểm xuyết thêm những họa tiết hoa baroque màu pastel. Đối lập với những chi tiết cổ điển là phom dáng hiện đại nhờ kỹ thuật cắt ấn tượng những trang phục mang tính ứng dụng cao.

Điểm nhấn đặc biệt của bộ sưu tập là anh đưa vào hơi thở của cuộc sống đương đại, hướng đến những phụ nữ thanh lịch, sang trọng nhưng rất phóng khoáng trong tính cách và có chút… nổi loạn. Vincent cho biết, anh thực sự cảm động trước sự cố gắng của tất cả mọi người, đặc biệt siêu mẫu Lan Khuê đã thể hiện rất xuất sắc linh hồn vương hậu Marie Antoinette. Có thể nói, bộ sưu tập này tiếp tục khẳng định tên tuổi NTK Vincent Đoàn trong làng thời trang Việt Nam.

Không hạ thấp “đứa con tinh thần”

Nhận định về thị trường thời trang Việt Nam hiện nay, NTK Vincent Đoàn cho rằng, thị trường thời trang Việt Nam rất lớn và doanh số tăng trưởng hằng năm rất ấn tượng. Các bạn trẻ kinh doanh thời trang ở Việt Nam hiện nay rất giỏi, nhanh nhạy, rất thành công. Tuy nhiên, NTK thời trang là một câu chuyện khác. NTK thời trang thường không giỏi về kinh doanh mà chỉ giỏi làm chuyên môn. Minh chứng là trên thế giới rất nhiều nhà kinh doanh thời trang trở thành những tỉ phú như Amancio Ortega - nhà sáng lập Zara, nhưng NTK thời trang thì khó lọt vào top giàu có. Thế mới nói, người làm nghệ thuật giỏi chưa hẳn là người kinh doanh giỏi.

Bản thân Vincent Đoàn không thích làm kinh doanh mà chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Anh nhấn mạnh, hiện nay nhiều tín đồ thời trang quan tâm thị trường thời trang Việt Nam, lựa chọn những bộ cánh của các NTK trong nước. Tuy nhiên, Vincent cũng thấy lo lắng khi nhiều bạn kinh doanh thời trang chuyên đi copy mẫu mã của các NTK rồi nhân ra sản phẩm hàng loạt để bán, cạnh tranh không lành mạnh, góp phần “giết chết” những NTK thời trang chân chính.

Vincent Đoàn là người rất cầu toàn và luôn vươn đến sự hoàn hảo, rất yêu thương và chăm chút đứa con tinh thần của mình. Anh cho rằng, một bộ trang phục đẹp, văn minh sẽ xuất hiện hoàn hảo trên người một người đẹp và văn minh đi đến những nơi đẹp, văn minh. Vincent từng gặp những khách hàng là “đại gia tiền tỉ” đến đặt vấn đề thiết kế bộ trang phục riêng, nhưng qua trao đổi, thấy họ không phải là người yêu quý thời trang mà chỉ muốn khoác lên mình bộ cánh để khỏe mẽ và chứng tỏ bản thân, hay những người đẹp chỉ muốn diện đồ để PR, anh nhất quyết từ chối. Đúng là NTK cần nguồn cảm hứng để sáng tạo nhưng với những “nguồn cảm hứng” như vậy thì thời trang chắc chắn sẽ không có hồn.

trai nghiem thang hoa
Người mẫu Lan Khuê hóa thân thành Vương hậu Marie Antoinette qua thiết kế của Vincent Đoàn

Vincent Đoàn luôn giữ quan điểm kinh doanh là hướng đến khách hàng thanh lịch, văn minh và nếu không đạt “mức sàn” này thì dù cho khách hàng trả thật nhiều tiền anh cũng nhất quyết từ chối.

“NTK bán sản phẩm thời trang do mình dày công sáng tạo nhưng không có nghĩa là bán bằng mọi giá. Vincent không quá kén khách hàng nhưng có nguyên tắc kinh doanh của mình” - NTK trẻ nói về nguyên tắc kinh doanh thời trang của mình.

Để biến giấc mơ thành hiện thực…

Thị trường thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển. Hiện có nhiều bạn trẻ đang muốn dấn thân vào con đường thiết kế thời trang và kinh doanh thời trang. Nhưng đây là môi trường có sự cạnh tranh rất khốc liệt và đào thải rất nhanh. Nếu ai không cố gắng mỗi ngày thì khó trụ được với nghề. Vincent cho biết, khi tham gia chấm thi tốt nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam, anh rất ấn tượng với công sức và ý tưởng của các bạn trẻ khi thực hiện bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, điều cần suy ngẫm là rất nhiều sinh viên ngành thiết kế thời trang lựa chọn định vị thương hiệu của mình là cao cấp, được bán với giá từ mấy trăm USD đến vài ngàn USD như tại thị trường xa xỉ châu Âu và châu Mỹ. Không có gì sai khi các bạn xây dựng một dự án, một thương hiệu “trong mơ” như thế. Tuy nhiên, các bạn đã sẵn sàng về tài chính lẫn tâm lý để đối đầu với nhiều cam go phía trước để biến giấc mơ thời trang thành hiện thực chưa?

Dĩ nhiên, ngày nay, ai cũng có thể “làm thời trang” và rất có thể sẽ có một bộ sưu tập tốt. Thế nhưng, để NTK có phong cách riêng và được công chúng nhớ đến mới là điều quan trọng. Rồi làm như thế nào để khán giả nhận ra phong cách riêng của NTK cũng là một hành trình nỗ lực không ngừng.

Điều cần suy ngẫm là rất nhiều sinh viên ngành thiết kế thời trang lựa chọn định vị thương hiệu của mình là cao cấp, được bán với giá từ mấy trăm USD đến vài ngàn USD như tại thị trường xa xỉ châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, các bạn đã sẵn sàng về tài chính lẫn tâm lý để đối đầu với nhiều cam go phía trước để biến giấc mơ thời trang thành hiện thực chưa?

Theo NTK Vincent Đoàn, chính sự nhận diện đó sẽ giúp NTK trẻ thành công. Còn NTK chỉ chạy theo những con số doanh thu, có thể thành công ban đầu nhưng về lâu dài không thể trụ vững được.

Vincent nói về cảm xúc sau mỗi lần thành công: “Cứ sau mỗi bộ sưu tập thành công, sau ánh đèn sàn catwalk, Vincent lại khóc trong hạnh phúc và cho chính mình. Khóc vì mình đã vượt qua tất cả những vất vả, khó khăn, áp lực...”. Anh cũng cho rằng, mình may mắn vì bên cạnh những mẫu thiết kế, những bộ trang phục, những bộ sưu tập, những đồng nghiệp và bạn thân thì gia đình vẫn quan trọng nhất. Bên cạnh anh luôn có mẹ và em trai song hành. Chính gia đình luôn bên cạnh khi anh vinh quang cũng như kéo anh đứng dậy khi vấp ngã, mất cân bằng trong cuộc sống.

Vincent Đoàn bảo, người nghệ sĩ thường đa cảm và rất cô đơn, nên chỗ dựa tinh thần gia đình luôn là liều thuốc rất quan trọng giúp cho anh cân bằng cuộc sống và tiếp tục hành trình sáng tạo.

Thiên Thanh