Trải lòng nghề cứu mỏ

21:18 | 07/03/2017

783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Quả thực, nghề cứu mỏ rất đỗi gian nan. Họ đã kinh qua nhiều vất vả trong nghề mỏ. Nước da ai cũng sạm đi và cơ thể như quánh lại vì công việc và luyện tập, dường như chưa công việc nào trong lò mà họ chưa từng làm…  

Hồi ức của người trong nghề

Những chiến sĩ cấp cứu mỏ tôi đã từng gặp như kỹ sư Vũ Hoàng Tùng cũng như Phạm Văn Triển, Đào Văn Yên… đều có một nét chung. Từ một người làm thợ lò nhiều năm, khi chuyển sang “nghề cứu mỏ”, Thạc sĩ Đào Văn Yên - Phó giám đốc Kỹ thuật Trung tâm Cấp cứu mỏ bồi hồi nhớ lại.

Trải qua hơn 20 năm “chiến đấu” trong nghề khai thác mỏ hầm lò, anh cũng không nhớ nổi có bao nhiêu sự cố lớn nhỏ đã xảy ra mà anh được chứng kiến và trực tiếp cứu hộ. Ngày mới học xong kỹ thuật, anh về công tác tại mỏ than Tân Lập. Ngày ấy, mỏ chủ yếu chống lò bằng gỗ nên việc đổ lò, tụt lò là chuyện như cơm bữa. Có những lần xảy ra đổ lò hàng chục mét, anh em công nhân tự khắc phục sự cố. Đổ thì lại đào, lại làm. Và cứ cần mẫn không chịu bó tay trước khó khăn. Tuy nhiên, thời lạc hậu đó cũng nhanh chóng qua đi khi khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đòi hỏi công nghệ chống lò hiện đại hơn. Những vì chống bằng sắt, bằng cột chống thủy lực, rồi giàn chống, giá chống… được thay thế. Sản lượng khai thác cũng vì thế tăng nhanh. Các hệ thống đường lò, các mỏ mới, mỏ mở rộng ngày càng xuống sâu. Bắt đầu xuống mức âm từ những năm 1990, rồi đến -100, -200, -300… là lúc có nhiều sự cố lớn, mang tính thảm họa xuất hiện.

Nếu như, khi còn khai thác tại mức dương thì chỉ có những sự cố tụt lò, đổ lò, còn đến khi khai thác xuống sâu lại xuất hiện những sự cố về bục nước, nổ khí. Chẳng hạn như các vụ nổ khí gây thiệt hại lớn tại mỏ Mạo Khê năm 1999; vụ nổ khí tại mỏ Khe Chàm năm 2008; vụ nổ khí tại mỏ Thống Nhất hay những vụ bục nước tại mỏ Khe Tam, Thành Công, Mông Dương… Trước những vụ sự cố như thế, các chiến sĩ Trung tâm Cấp cứu mỏ là nòng cốt trong công tác cứu hộ cũng như khắc phục sự cố.

Trong những lần cứu hộ cháy, nổ khí, nhiệt độ trong các đường lò lên cao, các anh phải mặc những bộ quần áo chống cháy, đeo máy thở ôxy như những “người ngoài hành tinh” đi vào trung tâm các điểm nóng. Nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Nhưng đó là nhiệm vụ nên các chiến sĩ luôn tự nhủ và nỗ lực vượt qua để hoàn thành. Đó cũng là đức tính luôn được lãnh đạo và các chiến sĩ Trung tâm Cấp cứu mỏ rèn luyện cho mình.

trai long nghe cuu mo
Triển khai diễn tập cứu nạn sự cố hầm lò

Năm 2008, trong khi cứu hộ vụ nổ khí tại Khe Chàm, do điều kiện quá khắc nghiệt, cộng với quá trình làm việc liên tục nhiều giờ liền để cứu đồng đội, chiến sĩ Trần Văn Thản, làm việc tại Trạm Cấp cứu mỏ Cẩm Phả của trung tâm đã anh dũng hy sinh, để lại người vợ trẻ và đứa con trai thơ dại chưa đầy một năm tuổi. Hành động của chiến sĩ Trần Văn Thản đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Hiện nay, toàn trung tâm có 240 cán bộ, chiến sĩ. Hằng ngày, công tác luyện tập với cường độ cao, yêu cầu có mặt khi các mỏ xảy ra sự cố luôn được sẵn sàng 24/24h. Các chiến sĩ cũng thay nhau xuống các mỏ làm thợ lò cho các đơn vị để nắm chắc tình hình, sơ đồ thực tế, thực trạng những khó khăn để có thể tiếp cận nhanh nhất khi làm nhiệm vụ cứu hộ…

Cuộc chiến với tử thần

Cũng có tuổi nghề làm thợ lò rồi làm chiến sĩ cứu hộ hơn hai thập niên, kỹ sư Phạm Văn Triển, Trạm phó Trạm Cấp cứu mỏ Cẩm Phả trầm ngâm tâm sự, người làm “nghề cứu mỏ” trước hết phải là một thợ lò thực thụ. Bởi nếu không làm thợ thì làm sao có thể vào lò cứu hộ. Nhưng hơn thế là vì phải biết tìm ra những nguyên nhân, những hạn chế để xử lý sự cố, khắc phục khó khăn cho đơn vị tiếp tục sản xuất. Đó chính là cái cần thiết và quan trọng hàng đầu của mỗi chiến sĩ.

Do đó, ngoài những giờ luyện tập khắc nghiệt, các anh lại tỏa đi khắp các đơn vị để đo khí, gió, cập nhật thông tin… để có những kiến nghị với đơn vị khắc phục, thủ tiêu những nguy cơ xảy ra sự cố. “Cứu hộ chỉ là nước cuối cùng không mong muốn…” - Kỹ sư Phạm Văn Triển nói. Nhưng không tránh khỏi những lần sự cố xảy ra. Đó là lúc các anh như những con thoi trong các đường lò, vắt kiệt sức mình để chạy đua với thời gian. Anh cho rằng, trong cứu hộ, thời gian còn quý hơn cả vàng, vì nó có thể là máu của anh em đồng đội.

Anh nghẹn lại khi nói đến lần cứu hộ nổ khí năm 2008 tại mỏ Khe Chàm: “Khi đó, chỉ thiếu một chút nữa thôi thì anh Phạm Văn Huyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, vị thủ lĩnh đi đầu của các anh có thể cũng sẽ không thắng được tử thần. Trong điều kiện nhiệt độ quá cao, hàm lượng khí độc quá lớn cùng quá trình làm việc dài với cường độ cao, anh Huyên bị kiệt sức. Chúng tôi lập tức đưa anh ra ngoài cấp cứu. Các bác sĩ bảo: Thật là may vì nồng độ khí độc ngấm vào da thịt anh Huyên, mặc dù quá cao nhưng vẫn còn trong giới hạn cho phép. Chúng tôi thở phào vì nỗ lực của mình đã được đền đáp bằng chính tính mạng vị thủ lĩnh của mình. Không phải những chi tiết nào cũng có thể đủ tâm trạng để nói ra…”.

Kỹ sư Phạm Văn Triển rít một hơi thuốc dài, nhả theo làn khói với một cái nhìn xa xăm…

Phụ trách Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí, kỹ sư Vũ Hoàng Tùng, Phó giám đốc Trung tâm, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí dường như lúc nào cũng tất bật. Khi chúng tôi đến, anh đang giở bản đồ hệ thống các đường lò của các đơn vị trong vùng, gọi anh em các đơn vị lại rồi nói oang oang: “Phương án thủ tiêu sự cố của các anh còn thiếu nhiều lắm. Các anh về làm lại đảm bảo chi tiết cho từng tình huống giả định ở các vị trí. Khi xảy ra sự cố tại vị trí này thì công nhân rút lối nào, thông tin ra sao…?”. Rồi anh quay ra: “Nhà báo thông cảm, dân kỹ thuật nó thế, cứ phải nói “toạc móng heo” ra. Không làm tốt khâu giả định, chuẩn bị cho những tình huống xấu thì sẽ thất bại khi sự cố xảy ra”.

Tôi hiểu, với các chiến sĩ làm “nghề cứu mỏ”, mỗi một sự cố xảy ra đối với các anh như một trận đánh. Và lẽ dĩ nhiên trận đánh nào cũng phải có chiến thuật, biết lượng sức mình để đạt được mục tiêu cao nhất là chiến thắng. Tùng tâm sự, cuộc chiến với sự cố trong khai thác hầm lò thực chất chẳng khác nào chống chọi với thiên nhiên trong khi sức con người là quá nhỏ bé. Điển hình như trận lũ lịch sử năm 2015, Trung tâm Cấp cứu mỏ đã tung hết những loại bơm hiện đại nhất xuống các mỏ kết hợp với nhiều loại bơm hiện có của các đơn vị nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Cứu được các mỏ Quang Hanh, Dương Huy, Khe Chàm, Nam Mẫu… nhưng Mông Dương thì đành bất lực.

Hiện nay, chúng ta đã kiểm soát được khí cháy nổ CH4 tại hầu hết các mỏ hầm lò và nhiều giải pháp an toàn nhất nhưng không ai có thể khẳng định và dám chắc những tai nạn ngoài mong muốn. Và cứ thế, những chiến sĩ cấp cứu mỏ vẫn hằng ngày, hằng giờ túc trực, sẵn sàng lên đường khi nghe đâu đó có những sự cố mỏ xảy ra. Thật đáng trân trọng những con người bản lĩnh, kiên cường, chấp nhận những hy sinh vì tất cả an toàn trong lao động, sản xuất của ngành than.

Hùng Hải

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps