Trách nhiệm và minh bạch

07:00 | 04/10/2014

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Bám sát và đi thẳng vào vấn đề cho thấy Thống đốc đã rất nghiêm túc và có rất nhiều nỗ lực” - đó là lời nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về phiên trả lời chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Năng lượng Mới số 362

Ngân hàng đang đi đúng hướng

Điểm nóng những ngày gần đây là vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu.

Từ giữa năm 2013, NHNN đã chủ động cùng các bộ, ngành và địa phương nhằm triển khai quyết liệt Quyết định 843 của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đồng bộ và có hiệu quả. Một mặt, triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, siết chặt hoạt động của các TCTD, mặt khác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các biện pháp xử lý nợ xấu cũng được thực hiện cụ thể: Cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ, tiết giảm chi phí, hạn chế lương thưởng, thù lao, chia cổ tức để tập trung trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC)…

Trách nhiệm và minh bạch

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến tháng 7/2014, tổng nợ xấu tại các TCTD là khoảng 162 ngàn tỉ đồng, chiếm hơn 4% tổng dư nợ. Con số này có phần nhích lên so với 3,61% năm 2013 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, hoạt động của các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Một lý giải khác là do hiệu lực của Thông tư 09 về trích lập và phân loại nợ khiến các TCTD phải “áp” chuẩn mới để phân loại nợ xấu. Đây cũng là việc cần thiết nhằm phản ánh chính xác hơn sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện tại.

Cần nói thêm rằng, tháng 7/2014 là tháng có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất từ đầu năm đến nay, chỉ 0,79% so với tháng trước đó, cho thấy chất lượng tín dụng đã và đang được cải thiện. Theo báo cáo, các TCTD hiện nay cũng đang tích cực chủ động trong công tác xử lý nợ: trong 7 tháng đầu năm đã xử lý được 41 ngàn tỉ đồng thông qua bán phát mại tài sản, bán nợ và xử lý bằng dự phòng rủi ro…

Trách nhiệm và minh bạch

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa)

Công cụ trong giải quyết nợ xấu ở Việt Nam hiện nay là VAMC cũng đang được quan tâm đặc biệt.

Tính đến hết tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ với tổng dư nợ đạt 56 ngàn tỉ đồng, giá mua hơn 46 ngàn tỉ. Hiện tại VAMC đã thu hồi được 1.462 tỉ đồng nợ xấu, thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dự nợ được điều chỉnh là 226 tỉ đồng…

Về VAMC, Thống đốc NHNN tái khẳng định những kết quả đáng khích lệ của định chế mới thành lập này. Trong bối cảnh nguồn tiền ngân sách còn nhiều hạn chế, VAMC đã tạo ra được một cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các TCTD và doanh nghiệp, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định để các TCTD có “khoảng không” nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, từ bài học của nhiều quốc gia khác, việc xử lý nợ xấu một cách “tận gốc” sẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi tình hình tài chính chưa có những bước cải thiện đáng kể. Một số nước đã phải sử dụng 10-30% GDP nhằm giải quyết nợ, riêng với Việt Nam cho tới thời điểm này chưa sử dụng một đồng nào từ ngân sách. Đây cũng là lúc cần phải có một sự thay đổi căn bản về pháp lý và cách thức hoạt động của VAMC nhằm giúp công ty này xử lý nợ có hiệu quả hơn. Chính vì lý do đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã đề xuất nâng năng lực tài chính của VAMC từ 500 tỉ lên 2.000 tỉ đồng - tuy nhiên cũng rất chênh lệch so với con số 200.000 tỉ đồng nợ xấu mà dự kiến VAMC sẽ mua cho đến cuối 2014.

Trách nhiệm và minh bạch

Về hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, tất cả các ngân hàng đều đã xây dựng đề án tái cấu trúc của mình để NHNN thẩm định và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái này. Tuy nhiên, cho tới nay, việc cổ phần hóa một số ngân hàng quốc doanh đã đạt kết quả đáng khích lệ, thể hiện tiềm năng phát triển lớn của những “trụ cột” trong nền kinh tế.

Cũng theo Thống đốc NHNN, dù đạt được những kết quả khả quan nhưng việc tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trước hết, việc tái cơ cấu các TCTD có nhiều vướng mắc do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, bên cạnh những thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư còn mất nhiều thời gian. Cũng phải kể đến những khuôn khổ pháp lý về các mặt như dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính - ngân hàng còn chưa được đồng bộ và rõ ràng. Điều này dẫn đến việc giải quyết có nơi thì chồng chéo gây mất thời gian, có nơi lại chưa minh bạch. Đặc biệt việc hình sự hóa các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng tài chính cũng khiến khả năng thu hồi vốn giảm, khó có thể lấy lại tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời khiến chi phí cơ cấu vốn gia tăng.

Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch

Một nội dung quan trọng khác cũng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Thông tin từ người đứng đầu ngành ngân hàng cho thấy, hết tháng 9/2014, tăng trưởng của hệ thống đã đạt xấp xỉ 7%, cao hơn mức 6,87% của tháng 9/2013. Trong 3 năm qua, mục tiêu lớn nhất Quốc hội đặt ra cho nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô qua các năm dần đi vào ổn định và chiều hướng ngày càng vững chắc hơn; lạm phát được kiểm soát chặt chẽ và bài bản. Điều này được thể hiện qua các chỉ số ở các năm gần đây. Đặc biệt, tính đến hết tháng 9/2014, hoàn toàn có cơ sở khẳng định chỉ số lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức quanh 5%.

Về thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, Thống đốc cho biết, đang “ổn định và theo chiều hướng vững chắc hơn. Từ chỗ hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản nghiêm trọng, mặt bằng lãi suất dâng cao, nay đã đảm bảo được thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế, tạo ra các nguồn vốn để tiếp tục phát triển kinh tế đất nước. “Mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh, đến nay đã giảm về mức của năm 2006 trở về trước và còn đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh. Nếu so với mục tiêu ban đầu đặt ra trong năm nay là lãi suất tiếp tục giảm 1-2%, đến tháng 9, mục tiêu này đã đạt được”, Thống đốc nêu rõ.

Về tỉ giá, Thống đốc cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường tiền tệ ổn định. Tỉ giá luôn nằm trong định hướng chỉ đạo của NHNN và luôn biến động trong phạm vi cho phép. Thực tế, “chúng ta đã không phải can thiệp thị trường tỉ giá trong suốt thời gian qua. Nếu có can thiệp, chỉ là những biện pháp chủ động của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng xuất khẩu của đất nước” - ông Bình nhấn mạnh. Đến năm 2014 này, vừa qua NHNN đã có chủ động điều chỉnh 1%, đến nay diễn biến tỉ giá rất ổn định.

Từ kết quả trên, theo ông Bình, có cơ sở để khẳng định, nếu về chủ động của nhà nước, năm nay không cần dùng đến 2%, thị trường vẫn tiếp tục ổn định. Nếu có điều chỉnh chỉ 1-1,43%, trong biên độ của NHNN. Trong 3 năm qua, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng hơn 5 lần so với 2011. Năm 2011 dữ trữ khoảng 7 tỉ USD, đến nay đã trên 35 tỉ USD.

Về tín dụng ngân hàng, trước cầu của nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt trên 10%. Từ đó, góp phần tăng trưởng kinh tế đạt trên 5%. Hết tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã xấp xỉ đạt 7%, cao hơn mức 6,87% của tháng 9/2013. Do đó, “khả năng đạt mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch năm 2014 từ 12-14% là hoàn toàn có thể đạt được” - ông Bình khẳng định.

Đối với tổng dư nợ của bất động sản trên toàn hệ thống ngân hàng, con số đã tăng từ 9,82% trong tháng 7/2014 lên mức 12% trong tháng 9. Trả lời về tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ, Thống đốc tiếp tục đưa ra thông tin, tính đến ngày 20/9/2014 tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn 7.823, trong đó có 26 doanh nghiệp. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỉ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỉ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỉ đồng.

Thống đốc cũng cho biết thêm, cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nghị định 61 đã tăng thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn tối đa là 15 năm, thay vì 10 năm khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn. Cùng với đó, nghị định cũng cho phép mở rộng thêm một số đối tượng được vay gói 30.000 tỉ khi mua, thuê hoặc sửa chữa nhà ở. Với những quy định mới này, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ sẽ tăng tốc hơn nữa.

“Hiện nay, NHNN và các bộ liên quan đang khẩn trường hoàn thiện thông tư để hướng dẫn triển khai những vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị định 61”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết. Trong phiên chất vấn, ông Bình đã có những đánh giá tích cực về thị trường bất động sản trong 9 tháng vừa qua khi dần ấm lên, lượng giao dịch cũng tăng lên đáng kể. Điều này thể hiện ở tổng dư nợ của bất động sản trên toàn hệ thống ngân hàng đã tăng từ 9,82% trong tháng 7/2014 lên mức 12% trong tháng 9.

Thống đốc chịu trách nhiệm

Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Dù sai phạm ở đâu, khi nào, dù lúc đó tôi là thống đốc hay không, hay hiện giờ tôi là thống đốc, tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm”.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, NHNN đã triển khai chặt chẽ việc thanh tra giám sát nhưng với phương châm không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà chỉ phát hiện và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Nếu không khắc phục được, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Thống đốc, nhờ các hoạt động thanh tra giám sát tại chỗ rất sát sao trong thời gian vừa qua mà các sai phạm cực lớn như vụ Huyền Như, “bầu” Kiên, ACLII, Lifepro… đã được phát hiện. Các vụ việc đó đều xảy ra trước năm 2011 nên đã được báo cáo trong các bản kiểm điểm, phê bình và tự phê bình hồi cuối năm.

“Trách nhiệm thuộc về chúng tôi. Nhưng chính nhờ hoạt động thanh tra giám sát tại chỗ mà chúng tôi phát hiện và khắc phục được hậu quả. Thực tiễn cũng không gây ra xáo trộn gì trong hoạt động của hệ thống ngân hàng” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ quan điểm.

Tùng Sơn