Hội nghị Cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo nghị quyết TW 4 khóa XI:

Trách nhiệm nêu gương

08:28 | 17/08/2012

1,318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, là dịp để các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực.

Từ trước tới nay, nói về việc kiểm điểm cán bộ, đảng viên, người ta thường hay có câu “tắm từ vai trở xuống” - Ý rằng, việc kiểm điểm thường là dành cho cấp dưới, cấp thấp. Còn cấp trên, càng cao càng ít phải… chịu trách nhiệm.

Lại còn giai thoại cán bộ phê bình kịch liệt thủ trưởng rằng “anh tham công tiếc việc không chịu giữ gìn sức khỏe. Mà anh là vốn quý của Đảng, của nhân dân…”.

Hẳn vì vậy mà không khỏi không có lăn tăn về việc tự phê bình và phê bình ở cấp cao. Điều này phần nào đã được giải đáp nhân Hội nghị Cán bộ toàn quốc Hướng dẫn việc tiến hành Kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị lần này nhằm phổ biến các công việc, cách làm với mong muốn tăng thêm quyết tâm, tạo niềm tin, cung cấp kinh nghiệm thực tế bước đầu để vận dụng và triển khai thực hiện ở các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương.

Theo báo cáo của Bộ Chính trị, công tác chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được công khai  và nhờ đó cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã biết được việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng như thế nào.

Theo đó, việc chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, khoa học; tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó; bảo đảm kết quả thực chất, không làm lướt, làm hình thức, chiếu lệ; tránh tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm, hạ uy tín người khác với động cơ không trong sáng. Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; từng đồng chí nghiêm túc tự kiểm điểm và cầu thị tiếp thu những ý kiến góp ý đúng đắn, xác đáng của các tổ chức và cá nhân; tự giác, trung thực xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, thấy rõ khuyết điểm và tự sửa chữa; phải thực sự khách quan, chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho các đồng chí khác và cho tập thể. Cá nhân được góp ý kiểm điểm không được thành kiến hoặc trù dập người góp ý.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 4 ngày. Khai mạc cuộc kiểm điểm, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt tự phê bình và phê bình lần này; xác định rõ yêu cầu phải đạt được, trách nhiệm nêu gương của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi đồng chí thành viên.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1 trong năm ngày (từ 21-25/7) kiểm điểm tự phê bình và phê bình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và từng cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con...). Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, là dịp để các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực.

Kết luận phần kiểm điểm cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9/2012) để có kết luận cụ thể.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những điểm mới, nổi bật, phát triển thêm so với các đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình để xây dựng Đảng trước đây. Đó là những nỗ lực, kinh nghiệm và kết quả bước đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, nhằm thực hiện một nội dung, một số nhóm vấn đề về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tập trung lãnh đạo và nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong kiểm điểm phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, đúng mức, cả ưu điểm, khuyết điểm, kết quả và cả hạn chế, thiếu sót; nếu quy trách nhiệm thì trách nhiệm thế nào, mức độ ra sao, cá nhân hay tổ chức, không thể nêu chung chung, đại khái. Đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, kiểm điểm nhưng vẫn bảo đảm công việc thường xuyên, không để ảnh hưởng đến công việc chung, phong trào chung.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đạt kết quả tốt, trước hết phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, từ đó có quyết tâm thật cao, tin vào thắng lợi và có biện pháp tổ chức, chỉ đạo thật chặt chẽ, tỉ mỉ. Nghị quyết Trung ương 4 đã được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, nhất trí rất cao vì đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xây dựng Đảng và mong mỏi chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân đang hy vọng, chờ đợi nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Phê bình, tự phê bình là một giải pháp rất quan trọng trong triển khai Nghị quyết lần này, có ý nghĩa mở đầu. Đặc biệt, lần này làm từ cấp trên làm xuống nên phải rất chặt chẽ và phải làm có kết quả.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Toàn Đảng đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, dân tộc, đối với Đảng, chính vì thế phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm để làm tốt công việc này. Đây là thời điểm phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng, thể hiện cho được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, của người đảng viên cộng sản chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện”.

Những điều đồng chí Tổng Bí thư nói cho thấy, đây là cơ hội, là bước đi có tính đột phá, quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lấy lại niềm tin của đảng viên, của nhân dân mà việc Thành hay Bại, liên quan đến sự tồn vong của Đảng.

Đúng là cần phải gội đầu cho sạch, rồi hãy tắm!

Minh Nghĩa

(Năng lượng Mới số 147, ra thứ Sáu ngày 17/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc