Trả lời những câu hỏi xuất phát từ số 528 (Kỳ 2)

07:00 | 22/06/2016

|
Bạn đọc: Vẫn đang mong lời giải đáp của ông An Chi về Hoa và Bông? (Tiểu Vũ).

Học giả An Chi: Người Bắc nói “hoa”, người Nam nói “bông”. Nhưng đây chỉ là hiện trạng chứ thực ra thì người Nam đã đem “bông” từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong theo chân của những người lưu dân từ mấy trăm năm về trước. Nguyễn Du có phải người Đàng Trong đâu, nhưng trong “Truyện Kiều” ông vẫn dùng “bông” mà viết:

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (câu 42)

Gió iu hiu thổi một và bông lau (câu 98)

Nách tường bông liễu bay sang láng giềng (câu 240)

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm (đơm) bông (câu 1.308).

Nếu nghĩ rằng Nguyễn Du dùng “bông” ở đây là để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng và mẹ vua Thiệu Trị, thì ta sẽ phạm một sai lầm ấu trĩ vì, theo thống kê của Đào Duy Anh, tác giả “Truyện Kiều” đã dùng “hoa” đến 107 lần trong kiệt tác của mình, còn “bông” chỉ có 4 lần (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Cứ như trên thì hiển nhiên “bông” không phải là đặc sản của miền Nam. Nhưng chính miền Nam đã dùng “bông” thay cho “hoa” theo lệnh kiêng húy mà nhà Nguyễn đã ban ra để tránh tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh mạng và mẹ vua Thiệu Trị. Sự kiêng tên này chứng tỏ rằng, trước đó, người miền Nam cũng dùng “hoa” như người miền Bắc mà một trong những vết sẹo còn lại là tên của Cầu Bông, cây cầu hiện nay nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, nối liền quận 1 với quận Bình Thạnh của TP HCM. Cầu Bông vốn là Cầu Hoa, bị đổi tên theo lệnh kiêng húy đã nói.

Bạn đọc: Xin hỏi: Chén có phải là do trản (盞) mà ra hay không? (Quy La).

Học giả An Chi: “Chén” đúng là điệp thức của “trản” [盞].

Về quan hệ giữa hai phụ âm đầu CH ↔ TR, ta còn có:

- “chìm” ↔ “trầm” [沈];

- “chếch” ↔ “trắc” [仄],

[側];

- “chắn/chặn” ↔ “trấn”

[鎮];br />

- “chật” ↔ “trất” [窒], tắc nghẽn, bị bít, bị lấp;

- “(ê) chề ↔ “trệ” [滯], ngưng đọng, không tiến triển được;

- “chầy” ↔ “trì” [遅], chậm chạp, lâu lắc;

- “chạy” (tính ra là bao nhiêu tiền) ↔ “trị” [値] trong “trị giá”;

- “chầu” ↔ “triều” [朝], bái yết vua;

- “chiều” trong “chiều hướng” ↔ triều/trào [] trong “phong trào”; v.v…

Còn về vần thì ta cũng có EN ↔ AN:

- “hẹn” trong “hẹn hò” ↔ “hạn” [限] trong “hạn chế”;

- “men”, đi lần theo ↔ “man” [蔓], cũng đọc “mạn”, là bò lan ra;

- “phèn” ↔ “phàn” [礬], là… phèn;

- “quen” trong “quen biết” ↔ “quán” [慣] là … quen;

- “quén” trong “vun quén” ↔ “quán” [灌] là tưới nước;

- “then” trong “sơn then” (then = đen bóng) ↔ “thán” [炭], là than, mà nghĩa bóng là đen;

- “trẻn” trong “trơ trẻn” ↔ “trán” [綻], là rách, hở;

- “vén” trong “vén màn”, “vén tóc” ↔ “vãn” [挽] là kéo;

- “xén” trong “xén giấy” ↔ “san” [刊], [删] là gọt đẽo cho đẹp.

Cứ như trên thì “chén” ↔ “trản” [盞] hiển nhiên là một hiện tượng hoàn toàn bình thường.

A.C

Năng lượng Mới số 533