TP HCM: Nắng nóng gay gắt, bệnh nhi nhập viện tăng cao

13:47 | 05/05/2016

567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/5, theo ghi nhận của PV, các bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10), Nhi đồng 2 (quận 1), Chợ Rẫy (quận 10), Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh)... tiếp tục đối diện với tình trạng quá tải. Trẻ em đổ bệnh tăng cao, diễn biến phức tạp. 

Tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi thăm khám rất đông. Vào thời điểm gần trưa, người nhà bệnh nhi nằm la liệt bên hành lang của các phòng bệnh tại bệnh viện.

Chị Cúc (Bạc Liêu) vừa dỗ dành con, vừa cho biết: “Bé bị ho và sốt, chữa ở bệnh viện dưới quê không hết nên tôi phải đưa lên Nhi đồng 1. Nhưng vì bệnh nhi đông, nên cháu phải ra nằm ngoài hành lang”.

Cũng đưa con trai gần 2 tuổi đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Thu Nga (quận Thủ Đức, TP HCM) lo lắng chia sẻ: “Nhà có 2 chị em đều bị sốt virus. Riêng cháu nhỏ, dù gia đình đã dùng thuốc hạ sốt, liên tục hạ nhiệt bằng cách lau nước ấm nhưng cháu vẫn sốt cao nên tôi phải đưa cháu vào viện khám cấp cứu”. 

tp hcm nang nong benh nhi nhap vien tang cao
Bệnh nhi ngồi truyền nước tại hành lang bệnh viện Nhi đồng 1

Cảnh tượng đông đúc bệnh nhi và người nhà bệnh nhi khiến bất cứ ai đến đây cũng phải lắc đầu ngao ngán, mặc dù khung cảnh này không phải hiếm gặp. Có thời điểm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trên 300 ca bệnh nhi nằm điều trị nội trú do viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, trung bình mỗi ngày tại đây cũng có 5.000 - 6.000 trẻ tới khám và điều trị, trong đó chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, sốt virus, tiêu hóa.

Trao đổi với PV, bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “So với thời điểm này năm ngoái, năm nay nắng nóng gay gắt hơn, vì thế số bệnh nhi cũng tăng cao hơn. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6.500 đến 7.000 lượt bệnh nhi đến khám, điều trị về các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. So với thời điểm này năm ngoái, số bệnh nhi tăng lên hơn 1.000 lượt. Bệnh liên quan đến hô hấp có khoảng 250 trẻ/ngày, sốt xuất huyết khoảng 130 trẻ/ngày, tay chân miệng khoảng 148 trẻ/ngày...”.  

Theo bác sỹ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi đồng 1: “Thời điểm này chưa phải là mùa của bệnh hô hấp, tiêu hóa, nhưng bệnh nhi lại tăng mạnh ở hai loại bệnh này, là do thời tiết nắng nóng. Đa số các bé đều có sức đề kháng yếu hơn người trưởng thành do vậy khi chuyển biến thời tiết khiến các bé không thích ứng kịp dẫn đến sức đề kháng giảm và nguy cơ bệnh tật tăng”. Bên cạnh đó, việc nhiều người có cách tránh nóng không đúng phương pháp cũng là nguyên do khiến bệnh tật gia tăng.

tp hcm nang nong benh nhi nhap vien tang cao
Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải giường bệnh 

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ bị nhiễm lạnh, mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do virút, viêm da do tụ cầu, bệnh đường tiêu hóa… Nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất dễ gây ra bệnh tiêu chảy cấp.

Một trong số các sai lầm thường gặp của các gia đình là dùng các biện pháp dân gian không phù hợp khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ càng trở nên trầm trọng. Việc tự ý sử dụng kháng sinh cũng có thể làm rối loạn vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, làm tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ hấp thu càng kém và lâu bình phục. Hơn nữa, vẫn còn phổ biến tình trạng gia đình cho trẻ tiêu chảy nhịn ăn hoặc thực hiện chế độ ăn nghèo nàn, kiêng khem quá mức. Khi cơ thể trẻ không được nạp đủ chất dinh dưỡng thì quá trình hồi phục chậm, trẻ càng tiêu chảy nhiều hơn.

tp hcm nang nong benh nhi nhap vien tang cao
Khu vực chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý, để phòng chống cho trẻ không bị bệnh, phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ kỹ lưỡng hơn trong giai đoạn nắng nóng hiện nay: Giữ trẻ ăn, chơi, học tập ở nơi có bóng mát trong nhà hoặc cây xanh, tránh ánh nắng chiếu vào; cho trẻ uống nhiều nước, ăn trái cây như dưa hấu, thơm, cà chua, chuối… để bổ sung nước và chất dinh dưỡng trong mùa nắng.

Ngoài ra cần tập cho trẻ rửa tay, chân với xà phòng trước và sau khi ăn cơm để tránh bị bệnh tay, chân, miệng; tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn đã để lâu trong ngày bởi dễ bị bệnh về đường tiêu hóa; tránh cho trẻ ra ngoài vào khung giờ từ 10 giờ trưa đến 2 giờ chiều bởi nắng rất mạnh dễ bị bệnh; đặc biệt, trẻ ra nắng trở về nhà không cho vào ngồi máy lạnh ngay bởi thay đổi đột ngột về nhiệt độ dễ khiến trẻ bị bệnh cảm cúm; máy lạnh cũng chỉ nên mở từ 28 đến 30 độ C...

Nguyên Phương