TP HCM đốc thúc dự án chống ngập

07:00 | 11/06/2017

903 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng trên địa bàn TP HCM có nguy cơ bị chậm trễ mà nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa có mặt bằng để thi công. 

Diện mạo công trình chống ngập

Những ngày cuối tháng 5, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đi thị sát các công trình chống ngập trên địa bàn thành phố. Đây được xem là một trong những công trình trọng điểm, giải quyết an sinh xã hội cho người dân. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đến những điểm người dân phải sống chung với cảnh ngập úng trong những ngày con “nước lớn, nước ròng” và trong những ngày trời mưa.

Thế nhưng, trước đó ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group chia sẻ với các cơ quan truyền thông trong buổi họp báo, nhà đầu tư đang gặp khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng để thi công bờ kè. Diện tích đất của 335 hộ dân, 20 tổ chức và doanh nghiệp chưa được giao cho nhà đầu tư. Ông Tiến yêu cầu tổ công tác giám sát, hỗ trợ cho dự án trực thuộc UBND TP HCM phải đẩy nhanh các biện pháp để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

UBND TP thanh toán chi phí cho chủ đầu tư 84% giá trị tiền mặt và 16% mặt bằng quỹ đất. Chủ đầu tư đang được cơ quan chức năng tiến hành thẩm định giá trị một số khu đất để chỉ định, hoặc chủ đầu tư có thể lựa chọn tương ứng với số vốn bỏ ra để làm dự án. Tháng 6-2016, dự án được khởi công với các hạng mục công trình, gồm: 8 cống kiểm soát triều cường, 7,8km đê kè và nhiều hạng mục phụ trợ, điều hành…

Hiện tại, hơn 5,6 triệu người dân sinh sống thuộc nhiều quận, huyện đang phải chịu cảnh triều cường và ngập nước khi trời đổ mưa. Công trình hoàn thành sẽ đóng vai trò điều tiết nguồn nước giúp giảm ngập trong nội đô thành phố với diện tích 570ha.

tp hcm doc thuc du an chong ngap
Người dân TP HCM vẫn phải sống trong cảnh ngập nước khi trời mưa, triều cường

Dự án đang được thực hiện với 1.850 cán bộ, kỹ sư, công nhân và 12 chuyên gia nước ngoài cùng 950 thiết bị máy móc, 67.000 tấn thép tại công trường để đẩy nhanh tiến độ. Nói về độ bền, ông Tiến khẳng định, công trình được sử dụng bằng thép của Nhật Bản và khoan sâu, nằm 20m dưới lòng sông nên chống khả năng bị xé bởi dòng nước.

Trong suốt quá trình thi công, Trung Nam Group được lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy phân luồng tàu bè qua lại nhằm tránh gây ùn tắc. Công trình nằm ở cửa sông nên số bùn được nạo vét có mức độ nguy hại rất thấp. Số bùn này được tập kết về bãi tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) và không phải qua công tác xử lý.

Dự án chống ngập còn tính toán đến ảnh hưởng của triều cường do biến đổi của khí hậu. Giai đoạn 1 của dự án, chủ đầu tư thi công 6 cống ngăn triều cường lớn gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định với quy mô bề rộng cống 40-160m.

Một trạm bơm tại cống Bến Nghé có công suất 12m3/s, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24m3/s và 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18m3/s sẽ bơm xả nước chống ngập. Đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến Sông Kinh (giai đoạn 1) có chiều dài 7,8km và 25 cống nhỏ có khẩu độ 1-10m từ sông Vàm Thuật đến Mương Chuối có chức năng ngăn triều cường.

PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Quốc gia TP HCM phân tích, hệ thống cống Mương Chuối vận hành theo nguyên tắc vào mùa mưa, mực nước thượng lưu sẽ lớn hơn hạ lưu, cửa tiêu nước sẽ được mở.

Ngược lại, vào mùa khô, cống sẽ mở tiêu nước khi mực nước thượng lưu lớn hơn hạ lưu. Dự án chống ngập được người dân kỳ vọng, có tính khả thi và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn TP HCM.

Khi nào hết lo mưa lớn và triều cường?

PGS.TS Hồ Long Phi đánh giá, câu chuyện chậm tiến độ đối với công trình không phải là mới và không có chương trình chống ngập nào mà không bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do giá giải tỏa đền bù cho người dân quá thấp nên người dân không chịu di dời, giải tỏa. Công trình Hàng Bàng cũng đã chậm, kênh Lò Gốm cũng chậm gần 5 năm…

Muốn đẩy nhanh tiến độ công trình thì phải hoàn thành sớm công tác giải tỏa đền bù. Thực tế, giá đất đền bù theo quy định hiện hành của Nhà nước thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường. Chẳng hạn, khu vực huyện Nhà Bè, giá bồi thường chỉ 5 triệu đồng/m2, nhưng giá đất trên thị trường lên tới 15 thậm chí 20 triệu đồng/m2. PGS.TS Phi nhấn mạnh, người dân không chịu giải tỏa là điều đương nhiên.

Các dự án chống ngập đã được ký kết với đơn vị thi công và thỏa thuận xong cũng như giá đền bù được quy định cụ thể. Hiện nay, giá đất được “thổi” lên và nếu không có phương án giải quyết thì việc trễ hẹn lại tiếp tục tiếp diễn. Nhiều dự án chống ngập, dự án xây dựng khác trễ hẹn lên đến 10 năm và cũng liên quan đến công tác đền bù giải tỏa không thỏa đáng.

Bài toán thực hiện việc chống ngập tại TP HCM vẫn luôn làm trăn trở các nhà quản lý. Dự án chống ngập 10.000 tỉ mà dư luận đề cập đến trong thời gian qua chỉ là một dự án nhỏ trong tổng thể dự án chống ngập của toàn thành phố. Nếu dự án thực hiện đúng tiến độ, người dân ở các quận nội thành được hưởng lợi và hạn chế được tình trạng ngập do triều cường. Dự án đưa ra đang được thực hiện và đã đi đúng hướng, có tính khoa học rất cao.

PGS.TS Phi khẳng định, để thực hiện nhanh và đúng tiến độ dự án thì cần quan tâm những hộ dân thuộc diện giải tỏa để họ đồng ý giao đất cho chủ đầu tư.

Công trình chống ngập thành phố có nhiều bước đi. Bước đầu tiên, đảm bảo mức đầu tư như hiện nay. Bước kế tiếp, ứng phó với những biến cố ngập nước. Ở bất kỳ các nước tiên tiến trên thế giới, giải pháp chống ngập đều phải qua 2 bước như trên. Tình trạng ngập ở Việt Nam chưa thể đặt vấn đề để đầu tư những công trình tương lai cho hàng trăm năm sau.

Hiện tại, giải pháp trước mắt sẽ đầu tư từng bước nhỏ trước rồi nâng cấp dần. Trước mắt, cần giải quyết ngay việc đầu tư xây dựng cống thoát nước và đê ngăn triều cường. Trong dài hạn, thành phố cần các hồ điều tiết nước để giảm ngập trên diện rộng.

Khó khăn lớn nhất cần phải giải quyết cơ chế tài chính. Nguồn vốn vay để đầu tư vào các công trình chỉ có giới hạn và số tiền cần cho dự án lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng là không thể. Công trình chống ngập chỉ đầu tư vào một “vùng lõm” ngay khu vực trung tâm TP HCM. Các khu vực vùng ven vẫn chưa được đầu tư một cách tương xứng với tình hình ngập, triều cường.

Một loạt các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… chưa có kinh phí để thực hiện. PGS.TS Phi nói, công trình chống ngập là công trình bao cấp, không có thu và chỉ thực hiện hoàn toàn bằng nguồn ngân sách của Nhà nước là vậy.

Với tình hình hiện tại, 50 năm nữa, TP HCM vẫn không thể hết ngập. PGS.TS Phi đưa ra cảnh báo: “Hãy nhìn vào quận Thủ Đức, nếu đô thị hóa lên thì sẽ ngập rất dữ dội và thực tế là cứ mỗi khi trời đổ mưa, nước ở các tuyến đường chảy như thác lũ, càng lúc càng nặng về vùng thấp”.

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc