TP HCM 'đau đầu' với bài toán dẹp chợ tự phát!

07:10 | 30/04/2016

910 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sở Y tế TP HCM vừa đề xuất chính quyền thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập thí điểm cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP HCM, trong đó đề xuất giải tỏa 100% chợ tự phát trên địa bàn.  

Cùng với thực hiện chương trình “Chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2016-2020, Sở Y tế đề xuất Chính phủ cho phép TP HCM xây dựng các tiêu chí hành chính về an toàn thực phẩm, mục đích là để kiểm soát chặt các loại thực phẩm không an toàn ngay từ đầu nguồn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ truyền thống và tổ chức giải tỏa 100% chợ tự phát.

Đề xuất giải tỏa 100% chợ tự phát của Sở Y tế được đông đảo người dân thành phố ủng hộ vì cho rằng đây là một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan. Không những vậy, việc dẹp chợ tự phát còn giảm bớt kẹt xe, nâng cao an ninh khu vực, đồng thời cải thiện mỹ quan đô thị.

Vòng luẩn quẩn “chợ tự phát”

Việc dẹp tình trạng họp chợ tự phát là chuyện không mới vì trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền thành phố đã tốn nhiều công sức và tiền của để thực thi việc này nhưng thực tế đã cho thấy là hiệu quả chẳng được bao nhiêu!

Ví dụ như trong năm 2014, UBND thành phố đã ra Chỉ thị 26/2014/CT-UBND yêu cầu đến hết năm 2015 phải giải tỏa hết các chợ tự phát. Thế nhưng, đến nay tình hình hầu như không có gì thay đổi. Tiến độ giải tỏa gần như "dậm chân tại chỗ" vì dẹp được vài ba chợ chỗ này thì lại mọc lên bốn, năm chợ chỗ khác.

tp hcm dau dau voi bai toan dep cho tu phat
Một góc khu chợ tự phát nằm trong hẻm đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP HCM

Theo thống kê chưa đầy đủ từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, toàn TP HCM có gần 200 chợ tự phát. Mỗi điểm họp chợ có từ 50-100 người tham gia buôn bán và hàng nghìn xe đẩy bán hàng rong, tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven.

Tuy nhiều khu chợ tự phát bốc mùi hôi thối, rác bừa bãi, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng mỹ quan đô thị nhưng đa phần người dân do thói quen vẫn chuộng mua bán tại những địa điểm này.

Nhiều người có thói quen đi làm về ghé luôn vào chợ vỉa hè mua đồ để đỡ mất công gửi xe, bởi những chợ này có vị trí thuận tiện, gần khu vực dân cư, giá thành cũng rẻ hơn so với thực phẩm ở siêu thị hay chợ chính thống. Do vậy những khu vực có chợ tự phát cũng là nơi đông đúc người dân đậu xe bên đường để mua bán, gây nên tình trạng ách tắc giao thông.

Chợ tự phát trên địa bàn thành phố liên tục nở rộ do loại hình buôn bán này đơn giản, không cần nhiều vốn, người buôn bán không phải chi các khoản thuế như tiểu thương ở chợ truyền thống hay buôn bán ở các cửa hàng. Dân buôn bán đa phần là người nhập cư nghèo nên bị dẹp chỗ này họ lại tìm đến chỗ khác tiếp tục kế sinh nhai. Dẹp chợ tự phát cũng có nghĩa là phải giải bài toán công ăn việc làm cho những lao động này.

Ngoài ra, do các chợ tự phát mọc khắp mọi nơi, mọi chỗ mà hầu như không có một cơ quan nào quản lý, lại được người mua ưa chuộng, cạnh tranh gay gắt với các tiểu thương ở chợ truyền thống. Do đó, đã xuất hiện tình trạng nhiều sạp chợ bỏ không, tiểu thương cũng lao ra ngoài kinh doanh, buôn bán ở lòng lề đường... càng củng cố thêm cho chợ tự phát phát triển.

Cần một giải pháp đồng bộ

Theo giới kinh doanh thương mại, kế hoạch dẹp chợ tự phát trên địa bàn TP HCM là chủ trương đúng và cần thiết. Tuy nhiên, dẹp chợ tự phát không chỉ liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là việc giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân.

Dù với giải pháp nào đi nữa, công tác thực thi phải có quy củ, đồng bộ và có sự đồng thuận cao của người dân, không thể thực hiện theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như lâu nay đã làm, mà cần một quy trình gồm nhiều bước, trong đó có việc xây dựng, quy hoạch khu chợ mới tạo điều kiện cho người dân buôn bán.

Nếu quy hoạch những điểm bán hàng tập trung văn minh, hiện đại cần tính toán xem nên tổ chức ở điểm nào, những ai được vào kinh doanh, nếu người không đủ điều kiện thì buôn bán ở đâu để kiếm sống là bài toán cần phải tính trước khi dẹp hoàn toàn chợ tự phát. 

Thực tế, việc dẹp chợ tự phát không phải hoàn toàn bất khả thi. Năm 2014, xã Bình Hưng của huyện Bình Chánh đã dẹp được chợ tự phát hoạt động hơn 10 năm ở hẻm C9, ấp 4A với hàng trăm tiểu thương buôn bán. Xã Bình Hưng đã xây chợ tạm ở gần đó để bố trí cho tiểu thương vào chợ buôn bán.

Chỉ trong vòng một tháng, việc di dời các tiểu thương vào chợ tạm đã hoàn thành, trả lại sự thông thoáng cho lòng, lề đường của tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Phạm Hùng. Dĩ nhiên là thời gian đầu xã phải thực hiện song song hai việc. Vừa bố trí các tiểu thương vào chợ tạm, vừa phải bố trí lực lượng chốt chặn theo dõi thường xuyên và xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm để không xảy ra tình trạng tái chiếm.

Như vậy, dẹp chợ tự phát khó, nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là chính quyền sở tại có cách làm phù hợp. Vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, vừa tạo điều kiện để bà con buôn bán sắp xếp chỗ làm ăn của mình trước khi chính quyền tiến hành giải tỏa chợ, thiết lập lại trật tự. Việc này đòi hỏi phải nhiều cơ quan, ban ngành cùng tham gia giải quyết đồng bộ trong một thời gian dài để người mua, kẻ bán đồng tình quên hẳn nơi họp chợ cũ.

Nguyên Phương