TP HCM thay đổi như thế nào sau 40 năm?

14:30 | 29/04/2015

3,763 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 40 năm xây dựng và phát triển từ sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay (1975 - 2015), TP HCM hiện đã có những đổi thay, những thành tựu sáng chói về mọi mặt của đời sống. Bên cạnh đó, TP cũng đang đối diện với những cơ hộ và những thách thức không nhỏ trong thời hội nhập. Tiến sỹ (TS) Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM chia sẻ với phóng viên xung quanh những vấn đề của thành phố sau 40 năm giải phóng.

TP HCM có tốc độ tăng trưởng cao

PV: Thưa TS, ông đánh giá như thế nào về thành tựu nổi bật nhất của nền kinh tế TP HCM sau 40 năm giải phóng (1975-2015)?

TS Trần Anh Tuấn: Sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nói một cách khái quát về kinh tế - xã hội, TP HCM đã chuyển đổi khá toàn diện. Về mô hình phát triển kinh tế, TP HCM đã chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là sự đổi mới rất căn bản của nền kinh tế.

Cụ thể hơn, từ sau đổi mới (1986) sự phát triển kinh tế của TP HCM đã có bứt phá lớn, đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Nền kinh tế của TP đã có sự chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp. Trong quá trình đó, từng ngành cũng có sự chuyển dịch.

Ví dụ như trong ngành công nghiệp, đã có sự chuyển dịch sang các ngành khoa học công nghệ lớn, giá trị gia tăng cao - hay còn được biết tới như là những ngành công nghiệp trọng yếu của TP, bao gồm: Cơ khí chế tạo, chế biến lương thực, thực phẩm, hóa dược, cao su, điện - điện tử - tin học…

Trong ngành dịch vụ, có sự chuyển dịch sang các ngành dịch vụ cao cấp như: Ngân hàng, tài chính, dịch vụ logistic, du lịch, tư vấn… Còn nông nghiệp thì chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành nông nghiệp kỹ thuật cao.

Ông Trần Anh Tuấn.

Cụ thể, theo số liệu thống của Viện thì năm 2014, tỷ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo trong cơ cấu xuất khẩu của TP chiếm khoảng 69,6%, nhóm hàng nông - lâm - thủy - hải sản chỉ chiếm 22,5%.

Đó là những thành tựu chung trong sự phát triển kinh tế của TP HCM từ ngày giải phóng đến nay. Thành tựu này đã tạo sức bật và sự chuyển biến mới trong phát triển, mang lại sự phát triển bền vững và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng của TP HCM cao hơn 1,6 lần so với tăng trưởng chung của cả nước, mức thu nhập bình quân đầu người cao.

Dự báo trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP sẽ tăng từ 9,6% trở lên. Năm 2014, GDP bình quân của TP HCM đạt 5.100 USD/người. Dự kiến cuối năm 2015, GDP bình quân của TP HCM sẽ đạt trên 5.300 USD/người.

PV: Còn trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa… TP HCM đã có những bước phát triển thế nào trong 40 năm qua, thưa TS?

TS Trần Anh Tuấn: Về y tế, TP HCM đã có những quyết sách quan trọng trong việc tập trung phát triển mạng lưới y tế kỹ thuật cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân TP, mà còn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân từ các địa phương khác.

Về giáo dục, TP HCM đã đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Từ sau Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã trở thành 1 trong 6 chương trình đột phá của TP. TP HCM đã có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho hệ thống chính trị mà kể cả các doanh nghiệp, đào tạo tay nghề cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp mới…

Trong những năm qua, đặc biệt từ sau đổi mới, chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố đặc biệt quan trọng đóng góp cho chất lượng tăng trưởng của TP. Có thể nói, nguồn nhân lực của TP HCM đã đáp ứng được nhu cầu của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng.

TP HCM ngày nay. (Ảnh Flickr)

Về văn hóa - đời sống tinh thần, TP HCM đã xây dựng nhiều trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí ở khu vực ở cả nội thành và ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân nói chung trong toàn TP… Khả năng tiếp cận các hoạt động giải trí, văn hóa tinh thần, các hoạt động thể dục thể thao, phim ảnh của người dân ở ngoại thành và nội thành gần như ngang bằng nhau.

Lãnh đạo TP đã phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng cho giáo dục, y tế, phát triển các dịch vụ cao cấp và các ngành trọng yếu, các sản phẩm mang tính cạnh tranh, phát huy thế mạnh, vị trí, vai trò của TP HCM đối với vùng, cả nước và trong khu vực,.

Có thể nói, tất cả những thành tựu nói trên là kết quả của quá trình năng động, sáng tạo tiếp thu và cụ thể hóa những chỉ đạo từ TƯ của các cấp lãnh đạo TP HCM, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị và người dân TP.

PV: Thưa TS, bên cạnh những thành tựu kể trên thì trong 40 năm xây dựng và phát triển vừa qua, TP HCM tồn tại những gì cần đổi mới, khắc phục trong giai đoạn phát triển kế tiếp?

TS Trần Anh Tuấn: So với một số TP lớn của quốc gia khác trong khu vực, chất lượng tăng trưởng, phát triển của TP HCM vẫn còn thấp. Những chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng như TFP (Năng suất các yếu tố tổng hợp), năng suất lao động của TP HCM còn thấp hơn các TP lớn trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)… Do đó, cần có sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng lòng, nhất trí cao hơn nữa của người dân để cùng đưa TP HCM phát triển ngày càng nhanh hơn.

Cụ thể là về khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp. Mặc dù chúng ta đã tập trung phát triển và có những tiến bộ rõ rệt, nhưng sức cạnh tranh của những mặt hàng này vẫn chưa cao so với các nước trong khu vực, cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Có một thực tế là chúng ta chưa có sức cạnh tranh lớn trong những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, mà chỉ có khả năng cạnh tranh tốt trong các ngành sơ chế với các sản phẩm thô.

Khoảng cách giàu - nghèo được duy trì ổn định!

PV: Có một vấn đề nổi cợm và đáng được lưu tâm ở các thành phố lớn, có tốc độ phát triển mạnh, đó là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Đối với TP HCM thì hiện tại, sự phân hóa giàu nghèo này đang trong tình trạng như thế nào, thưa TS?

TS Trần Anh Tuấn: Sự phân hóa giàu nghèo là kết quả tất yếu và khách quan của quá trình phát triển ở bất kỳ đâu. Với bất kỳ quốc gia, bất kỳ thành phố phát triển và đang phát triển nào, có một lý thuyết chung là rất khó kéo gần khoảng cách giàu - nghèo. Trong những năm qua, mặc dù TP HCM đang phát triển và chuyển biến rất mạnh mẽ, nhưng khoảng cách giàu - nghèo vẫn được duy trì tốt. Khoảng cách giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất qua các năm vẫn được duy trì khá ổn định, không bị kéo giãn ra nhiều.

Trong những năm qua, song song với quá trình chuyển dịch và phát triển, việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân TP HCM đã được thực hiện rất tốt.

Chợ Bến Thành

PV: TP HCM có 5 huyện ngoại thành TP, vậy phía Viện cũng như lãnh đạo TP có những chiến lược nào để kéo gần khoảng cách phát triển của các huyện này so với trung tâm TP, thưa TS?

TS Trần Anh Tuấn: Có một điểm rất đặc biệt ở TP HCM đó là sự chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa khu vực nội thành và ngoại thành trên địa bàn TP ngày càng được thu hẹp.

Trong thời gian vừa qua, chương trình Nông thôn mới đã được triển khai rất toàn diện trên địa bàn TP HCM. Trong năm nay, TP HCM sẽ hoàn thành chương trình Nông thôn mới tại tất cả các xã thuộc các huyện ngoại thành. Cùng với đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nhờ vậy sự phát triển kinh tế của khu vực ngoại thành đang có sức bật lớn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nội thành và ngoại thành ngày càng nâng lên và gần nhau hơn. Có thể coi đó là một thành công lớn của TP HCM trong quá trình phát triển.

Cần nhạy bén hơn trong thời hội nhập!

PV: Theo đánh giá của TS thì trong giai đoạn phát triển sắp tới đây, TP HCM sẽ đối diện với những cơ hội cũng như thách thức gì?

TS Trần Anh Tuấn: Việt Nam đang chuẩn bị tham gia những hiệp định thương mại lớn, từ quá trình hội nhập đó, cơ hội đối với TP HCM có rất nhiều như thị trường mở rộng, việc tiếp cận thị trường khu vực và thế giới nhanh chóng, dễ dàng hơn, sâu và rộng hơn. Bên cạnh đó, một cơ hội rất lớn khác đối với TP HCM là thu hút đầu tư.

Hiện nay, chính quyền TP đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách thủ tục, tiết kiệm thời gian cấp phép, hướng các nhà đầu tư tiếp cận những nguồn lực về đất đai, vốn để gia tăng đầu tư sản xuất. Kết quả bước đầu là sự cải thiện lớn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thành (PCI), cụ thể là trong 63 tỉnh thành trong cả nước, TP HCM đang xếp thứ 4. Việc cải thiện tốt môi trường đầu tư sẽ giúp cho TP HCM ngày càng có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, từ những cơ hội đó là đi kèm với các thách thức. Khi hội nhập, chúng ta sẽ phải thực hiện đúng những cam kết với những ưu đãi, chuẩn mực về thuế… Do đó, nếu năng lực sản xuất chưa đủ mạnh, khả năng cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trong nước thấp thì trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của hội nhập, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn ngay ở sân nhà. Đó là một thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Một thách thức không nhỏ nữa là khả năng ứng phó kịp thời với sự thay đổi lớn của quá trình hội nhập và sự xâm nhập mạnh của hàng hóa từ nước ngoài. Thách thức này đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược, các nhà quản lý doanh nghiệp và cả đội ngũ lao động trong các nhà máy, xí nghiệp phải có sự chuẩn bị để thích ứng với những đòi hỏi ngày càng cao. Nếu không nhạy bén để thích ứng thì nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà thờ Đức Bà.

PV: Đóng vai trò là một  cơ quan khoa học chuyên nghiên cứu về sự phát triển của TP thì Viện nghiên cứu phát triển TPHCM có những nghiên cứu, đóng góp gì cho TP trong giai đoạn phát triển mới, thưa TS?

TS Trần Anh Tuấn: Đối với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chúng tôi đã và đang có những công trình nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo TP, cũng như các doanh nghiệp trong quá trình phát triển và chuẩn bị cho hội nhập. Một trong những tham mưu lớn của chúng tôi là trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu sẽ tập trung vào những ngành nào, những sản phẩm nào để phát huy được những tiềm năng vốn có và tạo sức bật, sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế TP.

Từ những vấn đề thực tiễn và những chủ trương chung của lãnh đạo TP, chúng tôi đang nghiên cứu để hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế của TP không chỉ trong trung hạn (5 năm), mà còn có tính tầm nhìn chiến lược (trên 10 năm) theo hướng bền vững hơn theo mô hình "phát triển xanh". Tức là sự phát triển chung vẫn đảm bảo đạt tốc độ cao và ổn định, đồng thời thân thiện với môi trường, đảm bảo ít ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Không chỉ vận dụng những kiến thức sẵn có, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM còn hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để tập trung nghiên cứu, đưa ra mô hình phát triển tạo ra sức bật cho nền kinh tế TP HCM trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn TS!

Lê Trúc - Hương Thu (Thực hiện)