Tôn vinh người lao động tiêu biểu ở BSR

13:34 | 01/06/2016

641 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổ chức Lễ tôn vinh người lao động tiêu biểu năm 2016. 19 người được bình chọn từ hơn 1.500 lao động, thực sự là những bông hoa đẹp về tinh thần trách nhiệm, về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, về sự lao động sáng tạo…làm cho “vườn hoa” Bình Sơn lung linh sắc thắm và ngát hương thơm.

Họ là những người bình dị và thầm lặng, mỗi người một vị trí, một công việc khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung, đấy là những lao động giỏi, nụ cười và những cái lắc đầu thay cho những câu trả lời khi được hỏi về mình.

ton vinh nguoi lao dong tieu bieu o bsr
 Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên phát biểu tại Lễ tôn vinh người lao động tiêu biểu năm 2016.

Kỹ sư khai thác máy tàu thủy Nguyễn Anh Quốc, chuyên viên Phòng quản lý cảng biển, 5 năm liền (2010-2015) là CSTĐ cơ sở, được phân công là đội phó đội Jetty và PFSO, chịu trách nhiệm giám sát an toàn, an ninh tại cảng xuất sản phẩm. Đồng thời tổ chức đưa đón tầu cập cảng và rời bến.

Mấy dòng sơ lược trên đây về Nguyễn Anh Quốc mà người viết bài này có được cũng là nhờ Chủ tịch Công đoàn bộ phận Bùi Thanh Bình cung cấp. Đăng ký để gặp Quốc cũng rất khó vì đặc thù công việc, hơn nữa, nói như một số anh chị em Tổ truyền thông BSR, có gặp Quốc cũng không nói gì về mình đâu.

Nguyễn Đức Chính nguyên là phóng viên Báo Năng Lượng Mới, giờ là người của Bình Sơn thì nói với tôi rằng: anh Quốc là người của công việc, chẳng bao giờ kể về công việc mình đã làm. Là người cùng “một nhà” vậy mà Chính cũng chỉ nắm được những nét chính về con người này. Chính kể với tôi rằng: với cương vị của mình, đến tháng 12/2015, Nguyễn Anh Quốc đã đã thực hiện đánh giá Vetting 170 lượt tàu được chấp nhận vào cảng an toàn (Vetting Inspection là một loại kiểm tra thực hiện theo Chương trình SIRS của Diễn đàn Hàng hải Quốc tế các Công ty dầu mỏ OCIMF trên các tàu dầu theo các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và bảo vệ môi trường để các tàu ấy có thể được các công ty dầu chấp nhận khai thác tại các cảng đầu mối).

ton vinh nguoi lao dong tieu bieu o bsr

Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên và Chủ tịch Công đoàn BSR Khuất Thị Lê trao bằng tôn vinh cho các cá nhân.

Ngoài ra anh còn hỗ trợ hoa tiêu cho thuyền trưởng đưa 1296 lượt chuyến tàu cập cảng và rời bến an toàn, không để xẩy ra bất kỳ một sự cố nào. Đặc biệt anh còn là tác giả của sáng kiến cải tiến lắp tấm lưới bảo vệ màn hình theo dõi tốc độ tàu cập cầu. Nếu như trước đây mỗi lần tàu cập cầu, thuyền viên ở trên tàu ném dây mồi, thường xuyên gây nguy hiểm cho màn hình, thì nay dù dây mồi có ném trúng màn hình, nhờ tấm lưới bảo vệ màn hình vẫn an toàn tuyệt đối. Sáng kiến này đã được công nhận mã số sáng kiến BSR-KZ-2015-002.

Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng nếu không có tư duy, không trăn trở, không đào sâu suy nghĩ, đặc biệt không coi công việc của công ty như chính việc nhà mình, thì “hơi sức đâu” đi làm những việc chẳng thuộc về trách nhiệm của mình. Anh chị em ở BSR gọi Quốc là “người của công việc” quả chẳng sai chút nào.

Là phận gái nhưng Kỹ sư Trương Thị Thu Hà không hề “kém cạnh” các đồng nghiệp nam, nếu không muốn nói chị là một “cây sáng kiến”. Ngay từ năm 2013 chị đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật-Sáng kiến BSR trao giải thưởng sáng kiến, sáng tạo trong năm với hai sáng kiến. Đó là: Dùng phương pháp khối lượng để phân tích hàm lượng dầu trong nước, áp dụng cho những mẫu có hàm lượng dầu cặn từ phân xưởng công nghệ của nhà máy. Và: Phương pháp xác định NH3 trong nước thải, nước nhiễm mặn, nước chua từ các phân xưởng công nghệ bằng phương pháp chưng cất và chạy trên máy sác ký ion thay thế phương pháp tráo quang sao màu.

Hai sáng kiến của nữ kỹ sư này không chỉ tiết kiệm cho nhà máy một khối lượng lớn dung môi hóa chất. Mà cái được ghi nhận lớn hơn là đã làm giảm đáng kể  mức độ độc hại cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong thời gian phân tích mẫu tại nhà máy.

Không dừng lại ở đó, “cây sáng kiến” Trương Thị Thu Hà tiếp tục cho ra đời Sáng kiến phối trộn xăng E5 trong nhà máy từ xăng gốc, tức là nghiên cứu tối ưu của phương pháp sản xuất xăng sinh học. Rồi tiếp tục với đề tài: Xác định hàm lượng kim loại trong dầu thô bằng phương pháp trực tiếp trên thiết bị phát xạ nguyên tử.

Thân gái mảnh mai, lại gánh hai vai vừa việc nhà, việc của công ty, vậy mà việc nào cũng xuất sắc. Sự thầm lặng cống hiến, thầm lặng thai nghén những ý tưởng, rồi cho ra đời những sáng kiến hết sức thiết thực. Trương Thị Thu Hà đúng là bông hoa dịu ngọt sắc hương của Phòng Quản lý Chất lượng BSR.

“Bác sĩ đa khoa”, đấy là “biệt danh” mà cán bộ, công nhân ở BSR gọi Kỹ sư Huỳnh Ngọc Tuấn – chuyên viên giám sát kho, đóng gói của Phân xưởng Polypropylene. Dưới con mắt phát hiện của anh, nhiều bộ phận trong phân xưởng đã được “chữa bệnh”. Ví như, dây chuyền đóng gói của phân xưởng với yêu cầu độ chính xác cao. Tuy nhiên, qua thời gian dài hoạt động, độ chính xác không còn ổn định như trước. Một số chi tiết như máy đóng gói thường bị thay đổi tốc độ, ảnh hưởng đến chất lượng bao đóng gói, robot chất hàng không còn ngay ngắn trên pallet gây ngã đổ….

Tuấn và đồng nghiệp đã họp với các phòng liên quan đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục như: yêu cầu nhà cung cấp kiểm tra và nâng cao chất lượng pallet. Đồng thời đưa ra ý tưởng lắp thêm trục dẫn trên truyền để giảm thiểu sự cố pallet gãy, thuận tiện trong công việc thay pallet mới. Hay như “tự mổ” robot B, khi phát hiện tình trạng bị rung mạnh khi vận hành. Nếu cứ để nguyên trạng sẽ khiến robot hỏng nặng. Tuấn đã đề xuất cho dừng hoạt động robot B và yêu cầu kiểm tra kỹ thuật. Kết quả cho thấy sức chịu của khớp truyền động chính đã hỏng, cần phải thay mới. Hệ thống robot có nhiều thiết bị công nghệ kỹ thuật. Các lần bảo dưỡng trước đây đều được thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn chặt chẽ từ chuyên gia nhà sản xuất Okura (Nhật Bản).

Nếu chờ chuyên gia thì sẽ mất thời gian khá lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vòng tuần hoàn sản xuất. Huỳnh Ngọc Tuấn đề xuất anh em kỹ sư cùng nhau tự sửa chữa. Bằng các kinh nghiệm đã tích lũy và được học từ các chuyên gia Okura. Chỉ trong 2 ngày, 1 đêm làm việc liên tục, nhóm kỹ sư đã “chữa bệnh” và mang lại “cơ thể” khỏe mạnh cho robot B. Số tiền tiết kiệm được cho quá trình sửa chữa này khoảng 190 triệu đồng do không cần phải thuê chuyên gia từ nhà cung cấp  Okura

Hay như thay đổi một quy trình như nâng 60 bao hạt nhựa trên 1 pallet (12 lớp/pallet) thay cho trước đây 55 bao/pallet (11 lớp/pallet) đã  tiết kiệm cho Công ty khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Giải pháp này cũng tạo điều kiện tốt cho khách hàng khi vận chuyển bằng container với việc tăng trọng tải, giảm chi phí.

Hoặc chủ động tự tổ chức thực hiện các hạng mục thay thế chất hấp thụ tách loại COS cho dòng Propylene và dòng Hydro, bao gồm các cột tách T-721, PK-701-T1, PK-701-T2. Trong điều kiện thiếu nhân lực để hỗ trợ thực hiện, Tuấn và đồng nghiệp đã tận dụng phương án nhân sự tại chỗ, tận dụng thiết bị nạp xúc tác sẵn có, phân xưởng đã thực hiện xả bỏ, làm sạch bên trong thiết bị, nạp thành công chất hấp thị cho các cột tách nêu trên, tổng khối lượng xả bỏ và nạp vào là hơn 80 thùng chất hấp thụ và bi sứ, tương đương hơn 16 tấn. Bằng cách tận dụng nguồn lực sẵn có, Tuấn và đồng nghiệp đã tiết kiệm hơn 20 nghìn USD nếu so sánh đơn giá cho thiết bị tương tự như D-1405, R-1201).

Thành công của những sáng kiến do Huỳnh Ngọc Tuấn và cộng sự mang lại, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn mang ý nghĩa lớn hơn, không thể tính bằng tiền, đấy là sự tự tin làm chủ khoa học kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư của nhà máy.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương lao động sáng tạo của BSR song không thể viết hết ra đây được. Chúng tôi xin mượn câu nói của Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên trong Lễ tôn vinh người lao động tiêu biểu của Công ty để kết thúc bài viết này “ Sự lớn mạnh và phát triển của doanh nghiệp bắt nguồn từ sức sống của phong trào công nhân, mà cốt lõi là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của tập thể người lao động”.

Lâm Quý

DMCA.com Protection Status