Giỗ Tổ Hùng Vương:

Tôn vinh lòng tự hào và văn hóa dân tộc

20:32 | 05/04/2017

2,971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời đại Hùng Vương vẫn lung linh trong huyền sử. Vua Hùng là biểu tượng của cội nguồn dân tộc. Đây còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước, của lòng tự hào dân tộc sâu xa.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba

Xưa đã vậy và nay vẫn vậy, mỗi người dân trên dải đất hình chữ S nhiều bão dông lịch sử đều tin tưởng chân thành rằng, mình là con cháu Vua Hùng, được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Trong đời sống tâm linh của người Việt, thời đại Hùng Vương và các Vua Hùng có vị trí đặc biệt. Trong số bốn vị Tứ bất tử trong tâm linh người Việt: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh thì ba vị đầu tiên thuộc thời Hùng Vương. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh; chuyện Lang Liêu hiếu thảo với bánh chưng, bánh dày; chuyện Thánh Gióng; chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung là những huyền thoại đẹp, sinh động và hấp dẫn của nền văn hiến Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc.

ton vinh long tu hao va van hoa dan toc

Thời xa xưa của các Vua Hùng tuy không để lại những di sản thành văn, nhưng nhân dân Việt Nam luôn nhắc nhở nhau và tự hào về những phẩm chất cao đẹp của dân tộc mình. Điều đó thể hiện qua nhiều huyền thoại: Sự gắn bó về huyết thống, về tình nghĩa đồng bào qua truyền thuyết bọc trăm trứng; ý chí chống thiên tai ở Sơn Tinh, tinh thần chống xâm lược ở Thánh Gióng; lao động sáng tạo được tôn vinh qua truyền thuyết quả dưa đỏ của Mai An Tiêm; tình yêu trong sáng giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử v.v... Đi tìm những chứng cứ cụ thể, xác định những niên đại để vẽ nên một bức tranh bằng phương pháp khoa học về thời bình minh dựng nước của dân tộc là công việc của các nhà khảo cổ học, các nhà sử học.

Vua Hùng là biểu tượng thiêng liêng mà gần gũi, chẳng cần luận giải có thực hay không. Vua Hùng ở cõi “siêu trần” nhưng không siêu nhân, siêu nhiên đến mức xa cách. Nhân dân vẫn gọi vua Hùng là Đức Tổ, thờ phụng thành kính cũng như thờ tổ tiên ở nhà, chỉ có điều ở tầng cấp cao hơn mà thôi. Rất nhiều nơi, từ nhiều đời, nhân dân thờ Hùng Vương và các bộ tướng của ngài - những người có công giúp nước, cứu dân. Tín ngưỡng này không mang màu sắc tôn giáo mà mang đậm tính đạo lý. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, cố kết cộng đồng.

Khu Di tích Ðền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất cổ Phong Châu (nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Vùng đất này không thuần bằng phẳng như miền đồng bằng dưới xuôi mà là vùng đất bán sơn địa, chuyển tiếp giữa miền núi trung du và đồng bằng. Nơi đây cảnh quan đẹp và đa dạng, phong phú và hấp dẫn, vừa có rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ. Nghĩa Lĩnh là nơi có đền thờ Vua Hùng, dân gian vẫn nôm na gọi là núi Cả, “núi Hùng”, tương truyền là nơi Vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng thường làm lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc cường, dân thịnh. Đây là ngọn núi cao nhất trong vùng, nhưng độ cao cũng chỉ 175m so với mực nước biển, chẳng thể sánh với những thái sơn vạn trượng. Nhưng “Núi không cần cao, tiên giáng ắt thiêng/ Vực không cần sâu, rồng ẩn tất linh”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà “núi Hùng” được đặt “tên chữ” là Nghĩa Lĩnh - núi Nghĩa chứ không phải Thái Sơn, Hồng Lĩnh - núi lớn. Tên núi cũng hàm ý rằng đây là nơi tụ nghĩa chứ không phải là nơi thể hiện sự to lớn về hình thức, quy mô. Từ xa nhìn lại, Nghĩa Lĩnh như đầu một con rồng lớn đang uốn lượn trong mây. Những đồi núi xung quanh như đàn voi đang cùng chầu về đất Tổ. Nơi đây hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi muôn cây, vạn vật đều chầu về và lòng người thuận theo. Câu đối ở cổng chính của đền ghi: “Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối/ Lên cao nhìn rộng, núi đồi trùng điệp tựa cháu con” để diễn tả ý đó. Có lẽ cũng vì vậy nên bao đời nay, cảnh sắc thiên nhiên Ðền Hùng vừa rạng rỡ vừa huyền ảo như tranh.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là biểu hiện đẹp của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ở đó tình cảm như đã trở thành giáo lý. Trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng tín ngưỡng này không bị mai một mà ngược lại, còn mang sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người Việt. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Trong lễ Giỗ Tổ có tiếng trống đồng âm vang hùng tráng. Lễ Giỗ Tổ còn là hội của các trò vui dân gian, của những cây đu, những cuộc tung còn, của các phường xoan. Cũng qua việc thực hiện tín ngưỡng thờ các Vua Hùng mà văn hóa dân gian quanh vùng Nghĩa Lĩnh có không gian, môi trường nuôi dưỡng lưu truyền, trường tồn và mở rộng. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời đại Hùng Vương là biểu tượng của sự khẳng định từ sớm chủ quyền trên một lãnh thổ có sự riêng biệt của cõi bờ sông núi, của phong tục tập quán, của một nền văn hóa đã định hình. Lịch sử không ghi lại những điều cụ thể về thời đại ấy, nhưng niềm tự hào về các Vua Hùng đã ăn sâu trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt từ đời này qua đời khác. “Nghiệp xưa họ Hùng” chính là sự nghiệp dựng nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trước đền Vua Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ nước, xây dựng đất nước ta vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là con đường lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu.

Thiên An