Tổn thất điện năng làm tăng giá điện

07:00 | 06/08/2016

545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm qua, công tác giảm tổn thất điện năng luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra là tiêu chí hàng đầu đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh. Giảm tổn thất điện năng để giảm chi phí đầu tư phát triển hệ thống điện và cũng là giải pháp tăng hiệu quả sản xuất. Theo Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam thì đây không chỉ là vấn đề của ngành điện mà là vấn đề chung của toàn xã hội.  

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, GS.VS Trần Đình Long phân tích: Dưới góc độ quản lý Nhà nước, tổn thất điện năng có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổn thất cao thì có nghĩa hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Và điều này sẽ dẫn đến một thực tế, để đảm bảo nguồn năng lượng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện sẽ phải đầu tư sản xuất ra nhiều điện hơn. Xa hơn nữa, tổn thất điện năng cao sẽ đặt ra vấn đề đầu tư phát triển mở rộng hệ thống điện và sẽ gây áp lực rất lớn lên nhu cầu vốn đầu tư...

ton that dien nang lam tang gia dien
Thay công tơ điện tử ở Điện lực Tiên Du (Bắc Ninh)

Tổn thất điện năng là vấn đề cấp bách, nan giải đối với ngành điện không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tổn thất điện năng sẽ tác động trực tiếp lên giá bán điện bình quân của các điện lực. Một cách hiểu nôm na, cùng sản lượng điện làm ra nhưng trong quá trình truyền tải, tỷ lệ tổn thất quá cao thì lượng điện thương phẩm đến với các phụ tải sẽ thấp. Hiệu quả kinh doanh của các đơn vị vì thế sẽ thấp, giá điện bình quân sẽ tăng.

“Anh làm ra 100kWh nhưng truyền tải đến tay người tiêu dùng chỉ còn 80kWh, thất thoát 20kWh, trong khi giá điện không được tăng thì rõ ràng, số tiền anh thu về sẽ thấp” - GS.VS Trần Đình Long đưa ví dụ.

Nhưng một hệ quả lớn hơn, tỷ lệ tổn thất điện năng cao sẽ tạo áp lực tăng giá bán lẻ điện và điều này sẽ làm giảm sự đồng thuận của xã hội với ngành điện. Đồng thời, điều này cũng đặt áp lực lên nhu cầu đầu tư, các giải pháp quản lý, vận hành...

Dưới góc độ khách hàng, tổn thất điện năng càng cao thì sẽ phải trả tiền nhiều hơn. Đáng lý ra, 100kWh điện thất thoát chỉ 10kWh, khách hàng sẽ phải chi trả dựa trên những tính toán chi phí của 90kWh thì nay, nó chỉ còn 80kWh, khách hàng sẽ phải chịu 1 phần trong cái thất thoát 10kWh đó.

“Việc này sẽ dẫn đến một thực tế là cứ mỗi lần tăng giá điện, không chỉ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông mà cả cơ quan quản lý cũng đặt vấn đề: EVN đã làm gì để giảm tổn thất điện năng? Việc tăng giá điện có phải là để bù đắp khoản tổn thất này hay không?...” - GS.VS Trần Đình Long nói.

Mặc dù đặt vấn đề như vậy những GS.VS Trần Đình Long cũng thông tin, trong quản lý vận hành hệ thống điện, vấn đề tổn thất điện năng là bài toán hết sức phức tạp. Đó là việc giải quyết quan hệ đầu tư với tổn thất. Anh muốn giảm tổn thất thì phải có vốn đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống điện như hệ thống đường dây, trạm biến áp... rồi cả việc tăng đầu tư nguồn để bù thiếu hụt điện thương phẩm.

Thứ nữa, mức tổn thất điện năng ở ngưỡng nào, đâu là ngưỡng tối ưu thì nó còn phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi nước. Qua nghiên cứu tỷ lệ tổn thất điện năng ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, với những nước giàu thì tỷ lệ tổn thất của họ thấp, còn nước nghèo thì lại cao.

Đề cập cụ thể đến câu chuyện giảm tổn thất điện năng, GS.VS Trần Đình Long đưa quan điểm, đây là bài toán rất khó. Hệ thống lưới điện hiện vẫn đang phải chạy theo phụ tải, đặc biệt là những phụ tải ở khu vực phía Nam. Mà để giải quyết câu chuyện này thì ngành điện cần đồng thời phải giải quyết 2 bài toán là đầu tư phát triển hệ thống đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng và hiện đại hóa hệ thống...

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, EVN đã tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về công tác giảm tổn thất điện năng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tổng công ty trực thuộc, các phòng, ban, chuyên môn của Tập đoàn, của các tổng công ty… Tại hội nghị, rất nhiều các vấn đề xung quanh câu chuyện về giảm tổn thất điện năng đã được đặt ra. Theo đó, các ý kiến đều khẳng định giảm tổn thất điện năng luôn được đặt ra là nhiệm vụ, là ưu tiên số 1 mà EVN đặt ra cho các đơn vị và các đơn vị cũng coi đây là chỉ tiêu số 1 để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh. Và với những nỗ lực như vậy, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN tính chung đến năm 2015 chỉ còn 7,94%, trong khi chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 là 8%.

Tuy đạt kết quả rất đáng khích lệ như vậy nhưng theo ý kiến chung của các đơn vị thì nhiệm vụ giảm tổn thất trong giai đoạn 2016-2020 là rất lớn. Nhiều khu vực lưới điện hiện sức nghèo nàn, lạc hậu, tỉ suất đầu tư lớn. Cùng với đó là áp lực gia tăng sản lượng điện thương phẩm đáp ứng các nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế. Rồi đó là câu chuyện truyền tải điện Bắc - Nam còn ở mức cao bởi các nguồn điện lớn đều tập trung ở phía Bắc, còn miền Nam chỉ có các nhà máy điện chạy khí, dầu diesel với chi phí rất lớn...

Năng lượng Mới số 546