Tội phạm lừa đảo bằng thẻ tín dụng rởm xuất hiện trở lại

09:20 | 25/06/2011

1,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau một thời gian tạm lắng, tội phạm lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lại bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội. Cuối tháng 5 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bắt giữ một đối tượng người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán sau khi mua máy tính xách tay và điện thoại di động với tổng trị giá 80 triệu đồng.

Đã thành quy luật, cứ hễ trên thế giới xuất hiện loại tội phạm gì thì chỉ sau một thời gian tại Việt Nam cũng xuất hiện loại tội phạm đó. Tội phạm sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa đảo cũng vậy.

Tại Việt Nam, cách đây hàng chục năm khi hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng còn mới mẻ, lạ lẫm với đa số người dân thì tội phạm lừa đảo bằng thẻ tín dụng đã bị Cơ quan Công an phát hiện. Thủ phạm của các vụ án này hầu hết là người nước ngoài hoặc Việt kiều.

Tháng 5-1999, Lê Đồng Nam, một Việt kiều từ Canada về Việt Nam thăm người thân. Khoảng một tháng sau, có hai người là Trần Gia và Len Then cũng từ Canada về tìm gặp Nam, nhờ dùng các thẻ tín dụng (loại visacard) và hộ chiếu do Gia, Then đưa để rút tiền mặt tại các ngân hàng của Việt Nam. Nam không trực tiếp làm mà nhờ một số người quen đứng ra giao dịch và thỏa thuận chi cho họ 40% số tiền rút được, trong số này có ông Mạc Văn Ngọ (trú tại phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội cán bộ Công ty Ponaga), bà Nguyễn Thị Mai Anh (trú tại phường 26, Bình Thạnh, TP HCM, Phó giám đốc Công ty TNHH Văn Lang). Ông Ngọ đã nhờ người làm thủ tục rút tiền tại điểm thanh toán ở Khách sạn Kim Đức (87 phố Huế, Hà Nội) số tiền 312USD. Bà Mai Anh sau khi nhận 7 thẻ tín dụng và một hộ chiếu mang tên Man Y Wong (nữ) cũng đã tiến hành rút tiền mặt nhiều lần, trong đó có lần rút ra trót lọt gần 11.500USD tại chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng thương mại. Lần thứ 3, khi bà Mai Anh đang làm thủ tục rút 4.000USD tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu thì bị phát hiện, bắt giữ.

Theo xác minh của Ngân hàng Ngoại thương và văn phòng Interpol Việt Nam, 21 thẻ visa do Trần Gia và Len Then giao cho Lê Đồng Nam được làm giả tinh vi bằng cách lấy cắp dữ liệu mật ở thẻ thật, sau đó đưa vào thẻ giả mang tên theo các hộ chiếu (là hộ chiếu thật, nhưng đã thông báo mất) để xuất trình khi làm thủ tục thanh toán.

Cũng tại Hà Nội, từ khi các hệ thống nhà hàng, siêu thị lớn chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng thì Cơ quan Công an cũng đã phát hiện ra hàng loạt các nhóm tội phạm người nước ngoài khi chúng tiến hành lừa đảo bằng thẻ tín dụng rởm tại đây. Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã từng xử tù một nhóm người Malaysia chuyên dùng thẻ tín dụng giả để mua hàng hiệu tại các cửa hàng bán đồ của các thương hiệu lớn tại Hà Nội như: hệ thống cửa hàng của Hãng Louis Vuitton trên phố Ngô Quyền hoặc tại Trung tâm Mua sắm cao cấp Tràng Tiền Plaza. Theo khai nhận của nhóm người này thì họ đã sang Việt Nam và thuê phòng tại một trong những khách sạn lớn nhất Hà Nội và chỉ trong một ngày, họ dùng thẻ giả để thanh toán gần 6.000USD tiền mua đồ hiệu, trả hàng nghìn USD cho việc thuê phòng cũng như sắm đồ đắt tiền tại Tràng Tiền Plaza.

Năm 2002, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Công an đã phát hiện ra cả một đường dây lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả từ Mỹ về Việt Nam mà người tổ chức, cầm đầu là một Việt kiều Mỹ mang tên Nguyễn Công Hiền.

Định cư tại bang Califonia, tháng 7-2002, Hiền trở về Việt Nam không phải chỉ để thăm người thân mà còn để phạm tội. Với chiếc thẻ tín dụng giả và một bằng lái xe giả mang tên Guy Abramo, Hiềân đến quầy thu đổi ngoại tệ số 84 Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh rút 1.600USD. Thấy ngon ăn, 3 ngày sau, Hiền lại mò tới đây tiếp tục dùng các loại giấy tờ giả trên rút thêm 1.684USD nữa. Hiền khai rằng, tất cả cái đống bảo bối phục vụ cho trò lừa đảo này Hiền đều mua tại Mỹ trước khi về Việt Nam 1 tháng. Thẻ tín dụng rởm Hiền mua của một người đàn ông tên là Bolsa với giá chỉ có… 500USD. Còn bằng lái xe rởm mang tên Guy Abramo thì mua với giá 1.000USD. Sau khi rút được 3.284USD từ thẻ tín dụng rởm đó, Hiền trở về Mỹ và một tháng sau Hiền được một người bạn cùng định cư tại tiểu bang California giao cho 4 thẻ tín dụng rởm và 4 chi phiếu ma mang tên Trịnh Ngọc Linh. Hai bên thỏa thuận nếu về Việt Nam lừa đảo trót lọt thì Hiền phải mang về Mỹ trả cho Linh 2/3 còn Hiền chỉ được hưởng 1/3. Sau đó, Hiền đã thuê một người nước ngoài tên là Tom làm hộ chiếu giả mang tên Trịnh Ngọc Linh với giá 1.000USD. Một tháng sau, Hiền trở về Việt Nam bằng hộ chiếu giả mang tên Trịnh Ngọc Linh và với 4 thẻ tín dụng giả đó Hiền đã đến cửa hàng Xuân Hưng (số 17 Lê Thánh Tôn) mua nhẫn, dây chuyền, 6 viên kim cương trị giá 27 nghìn USD. Hiền khai rằng, số tiền này Hiền đã đem về Mỹ và sau khi chia cho Trịnh Ngọc Linh, phần còn lại Hiền đã tiêu xài hết.

Thấy việc lừa đảo bằng thẻ tín dụng quá dễ, ngay sau khi trở về Mỹ, Nguyễn Công Hiền lại tiếp tục đi lùng mua thẻ tín dụng… rởm. Và, Hiền lại tìm đến mối cũ là Bolsa mua 2 thẻ – một mang tên Ron Takasaki với giá 500USD và một thẻ mang tên Sunny Huynh với giá 1.000USD. Người làm hộ chiếu giả cho Hiền lần này cũng vẫn lại là Tom với giá mỗi hộ chiếu 1.000USD. Một hôm, Hiền đến quán cà phê Ngộ tại California thì tình cờ gặp một người quen cũ là Phan Mạch Long và rủ Long cùng mang hộ chiếu giả về Việt Nam lừa. Theo đó, Hiền sẽ về trước còn Long sẽ về sau. Lần về nước này, Hiền và Long dùng thẻ tín dụng giả để mua cả thảy 4 viên kim cương trị giá gần chục nghìn USD ở nhiều cửa hàng khác nhau. Kết quả điều tra cho thấy, tổng cộng trong tất cả các lần phạm tội Hiền đã dùng 12 thẻ tín dụng rởm để thực hiện 14 lần giao dịch chiếm đoạt tổng số tiền 42 nghìn USD.

Tại Nghệ An, hồi năm ngoái, Cơ quan Công an đã phát hiện được một đường dây gồm 2 người Trung Quốc và một người Việt Nam. Theo khai nhận của nhóm người này thì trong một lần lên mạng chat chúng đã gặp một người Trung Quốc tên là Cường. Cường gạ gẫm rằng, đang có trong tay phôi thẻ từ, một máy đọc, ghi dữ liệu thẻ từ MSR 505C cùng một đĩa mềm quản lý, sử dụng thiết bị ghi thẻ và thông tin cá nhân, tài khoản của một số người nước ngoài được mở tại ngân hàng Mỹ. Cường sẽ gửi tất cả thiết bị này sang Việt Nam cho nhóm người này để làm giả thẻ tín dụng quốc tế với điều kiện, sau mỗi phi vụ rút tiền thành công thì phải gửi về Trung Quốc cho Cường 70% tiền rút được.

Sau khi có thiết bị, bọn chúng đã cài đặt phần mềm vào máy tính xách tay rồi tiến hành làm giả thẻ tín dụng. Sau đó, đối tượng người Việt đã “xi-nhan” cho chúng đến điểm POS ở Nhà hàng Minh Hằng là nơi kín đáo nhất để thuận lợi cho các phi vụ rút tiền. Những ngày sau đó, chúng thường kéo nhau đến nhà hàng này ăn uống, nhưng thực chất với mục đích là rút tiền. Sau mỗi lần rút được tiền thành công, chúng trích 70% gửi về cho Cường như thỏa thuận, số còn lại chúng chia nhau tiêu xài.

Minh Thu

Theo Năng lượng Mới