Tội phạm buôn người hoành hành tại Mỹ

13:57 | 20/04/2011

473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người dân Mỹ cảm thấy choáng váng sau khi các công tố viên liên bang buộc tội những chủ nhân của một nhà trọ ở Oacoma, (bang South Dakota) đang giam giữ một số phụ nữ Philippines làm nô lệ theo đúng nghĩa của nó.

Bà Meena Khatum, một nạn nhân của tội phạm buôn người.

Theo biên bản vụ án năm 2007, những phụ nữ nô lệ này bị kiểm soát chặt chẽ mọi mặt trong cuộc sống của họ: ăn thức gì, sống ở đâu, mặc quần áo gì và nói chuyện với ai. Vào tháng 11/2010, công tố viên liên bang một lần nữa tấn công vào bang South Dakota, chống lại một cặp vợ chồng ở Tea, thành phố nhỏ với 4.600 dân. Họ bị buộc tội đe dọa và cưỡng bức những cô gái vị thành niên, một số chỉ mới 15 tuổi, làm gái mại dâm. Bọn tội phạm buôn người kiếm được hàng tỉ đôla bất chính mỗi năm, khai thác hàng triệu người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Ngày nay, nạn buôn người không còn giới hạn trong những thị trấn vùng biên heo hút hay những thành phố lớn trên thế giới nữa. Những phụ nữ bị lừa gạt, đe dọa, cưỡng bức làm gái mại dâm trải dài ở nhiều thành phố như Denton bang Texas, St. Paul bang Minnesota, Norcross bang Georgia, Memphis bang Tennessee, Fremont bang California, Harrisburg bang Pensylvania và nhiều thành phố lớn khác như là New York City, Los Angeles, Honolulu, Woodbridge v.v…

Trong tuần qua, một người đàn ông 36 tuổi quốc tịch Mexico bị thẩm phán liên bang ở Georgia tuyên án 40 năm tù vì tội lừa gạt những cô gái trẻ rời bỏ gia đình ở Mexico và cưỡng bức họ làm gái mại dâm ở Atlanta (thủ phủ bang Georgia). Người đàn ông đã gạ gẫm những cô gái trẻ với viễn cảnh làm việc trong các nhà hàng ở Mỹ. Trong vụ án còn có 5 kẻ tòng phạm bị xét xử. Ở thành phố Columbus, bang Ohio, hàng chục dân nhập cư trái phép từ Nga, Estonia, Belarus và Ukraina bị ép buộc làm việc khổ sai trong gia đình sau khi hộ chiếu của họ bị tịch thu. Ở thành phố Buford, bang Georgia, những phụ nữ Nigeria bị ép buộc làm người giữ trẻ và giữ nhà sau khi bị đe dọa và xâm hại tình dục.

Tháng 3 vừa qua, Leticia Van de Putte, nữ thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thành phố San Antonio, bang Texas, đã đề nghị củng cố những điều luật chống buôn người. Bà nói: “25% những người bị buôn vào đất Mỹ đã đi qua bang Texas. Chúng ta đang cố gắng bắt giữ những kẻ trục lợi từ buôn bán trẻ em. Không ai muốn nghĩ rằng có nạn nô lệ xảy ra trong những vùng lân cận với chúng ta”.

Trong hội nghị về buôn người ở thành phố Arlington tổ chức năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric H. Holder Jr. nói, vấn nạn này phải được xem là "mối sỉ nhục cho nhân phẩm” đồng thời cảnh báo hiện tượng đang phát triển mạnh ở Mỹ trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Holder phát biểu: "Buôn người đang trở thành ngành kinh doanh béo bở, thu về hàng tỉ USD mỗi năm thông qua lừa gạt và khai thác hàng triệu nạn nhân. Những người khốn cùng và nhẹ dạ đã bị tước mất nhân phẩm, sự an toàn và cơ hội trong cuộc sống”.

Thứ trưởng Tư pháp Thomas E. Perez, lãnh đạo Cục quyền công dân của Bộ Tư pháp Mỹ, so sánh nạn buôn người với buôn lậu ma túy và súng thường liên quan đến những băng nhóm tội phạm có tổ chức phức tạp. Ông Thomas cho biết, con số những vụ án được truy tố liên quan đến buôn người đã tăng từ 4 vụ năm 2001 đến hơn 50 vụ năm 2010. Ông nói: "Chúng ta không chỉ xử lý nhiều vụ án hơn mà còn thụ lý những trường hợp có tầm quy mô và tác động lớn hơn, liên quan đến các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế. Nhưng vấn đề ở đây không phải là số lượng và chất lượng những vụ án được xử lý như thế nào, mà là cuộc sống con người được trả lại tự do và nhân phẩm như thế nào”.

Nathan Wilson – người thành lập Project Meridian Foundation, dự án tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan thừa hành luật pháp để nhận dạng bọn buôn người và các nạn nhân của chúng nói: "Buôn nô lệ tình dục đã lan rộng đến mức không một quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, tầng lớp và trẻ con nào được miễn trừ”. Ông cũng cho biết, 1,6 triệu trẻ em dưới 18 tuổi – sinh tại Mỹ hay ở nước ngoài – đã bị lừa đưa vào mạng lưới tội phạm khai thác tình dục ở Mỹ. Nhưng đó chỉ là con số tượng trưng vì khó biết được quy mô của loại tội phạm này đến mức nào.

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tư pháp Eric H. Holder Jr. trong cuộc họp tháng 2/2011 về tội phạm buôn người.

Theo đánh giá của Polaris Project ở Washington – dự án củng cố những điều luật bang và liên bang đối với loại tội phạm buôn người với thu nhập hàng năm ước tính 32 tỉ USD, buôn người liên kết chặt chẽ với buôn lậu vũ khí – ngành kinh doanh phạm pháp lớn hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau buôn lậu ma túy. Cơ quan Hải quan và Nhập cư Hoa kỳ (ICE) – cơ quan đứng đầu trong điều tra và phá vỡ những tổ chức buôn người – đánh giá có khoảng 800.000 người bị buôn vào thị trường kinh doanh tình dục và cưỡng bức lao động trên khắp thế giới mỗi năm. Phó Giám đốc ICE James C. Spero mô tả tội phạm buôn người là "vấn đề kinh tế toàn cầu… được kích thích bởi lợi nhuận”.

Trong báo cáo năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố mỗi năm có 800.000 nạn nhân rơi vào tay bọn buôn người. Các báo cáo trước đó ước tính 80% số nạn nhân là phụ nữ và một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Cũng theo báo cáo này, mỗi năm nước Mỹ "đón nhận” 17.500 nạn nhân. Đây là lần đầu tiên, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, nước Mỹ được coi là "quốc gia cung cấp, trung chuyển và tiếp nhận” nạn nhân của bọn buôn người.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS) năm 2010, "buôn tiền, vũ khí và buôn người được các băng nhóm tội phạm địa phương và mafia thực hiện với quy mô lớn”. CRS gọi buôn người là "cách sinh lợi nhất” cho các nhóm tội phạm có tổ chức để tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp khác. Báo cáo nói: "Ở Mỹ Latinh, các tập đoàn ma túy Mexico ngày càng dấn sâu vào hoạt động buôn người cũng như ma túy”.

Giới quan chức Mỹ cũng lo ngại trước khả năng lợi nhuận có được từ hoạt động buôn người có thể được dùng để tài trợ cho bọn khủng bố quốc tế. Mặc dù hiện nay ICE chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy bọn khủng bố đang hưởng tài trợ từ tội phạm buôn người, nhưng người ta biết rằng bất cứ tội phạm tài chính nào cũng tiềm ẩn khả năng bị bọn khủng bố khai thác.

Theo báo cáo năm 2010 của Bộ Ngoại giao Mỹ, các tập đoàn tội phạm toàn cầu dính dáng đến những dịch vụ mátxa châu Á ở Massachusetts; mạng lưới tội phạm Ukraina khai thác người làm công ở Pennsylvania; và tội phạm Uzbek khai thác người lao động nhập cư gốc Philippines, Cộng hòa Dominican và Jamaica ở 14 bang nước Mỹ.

Cũng theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, tội phạm buôn người không có giới hạn hay đường biên giới. Bọn chúng khai thác nam giới, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi quốc tịch trên thế giới và kiếm tiền từ việc đẩy nạn nhân vào những đồn điền, nhà xưởng, câu lạc bộ múa thoát y, nhà nghỉ ngoại ô, nhà thổ và quán bar. Nạn nhân của bọn buôn người thường là những người nghèo khổ, thất nghiệp hay lương không đủ sống.

Trường hợp mới đây nhất là vụ băng nhóm người Somali đã cưỡng ép một số cô gái chưa đến 14 tuổi làm gái mại dâm ở 3 bang Minnesota, Tennessee và Ohio nước Mỹ. Luật sư Jerry E. Martin – người đang hoàn tất hồ sơ truy tố chống bọn tội phạm Somali – cho biết, tệ nạn này lan rộng và không dễ truy tố bọn chúng. Trong khi đó nạn nhân lại "không muốn tố cáo bọn chúng với cảnh sát”.

Theo ANTG