Lạm bàn về tính duy tình của người Việt:

Tội phạm ảo, tội phạm “bóng”

08:55 | 01/08/2012

2,048 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã xảy ra rất nhiều những vụ án lừa đảo, tham nhũng trong những năm gần đây, mà kẻ phạm tội đã tận dụng, khai thác một cách triệt để tính duy tình trong mỗi con người. Vì thế, mới có khái niệm “tội phạm ảo”, “tội phạm bóng” và mới có loại phạm tội lợi dụng ảnh hưởng chức vụ của người khác.

>> Lạm bàn về tính duy tình của người Việt: 'Rằng hay thì thật là hay…'

Mới đây, có một phụ nữ đến Báo Năng lượng Mới trình bày về việc chị là nạn nhân của một vụ lừa đảo khiến chị mất toi hơn 100 tỉ đồng cho một gã tên là L.A.Q, giám đốc một công ty có tên tuổi. Giờ thì hắn trốn ra nước ngoài và có giời mới biết bao giờ công an mới tóm được hắn. Mất tiền dã đành, nhưng chính chị lại cũng bị coi là “người có liên quan”, vì thế, thủ phạm chính thì không tóm được, nên chị trở thành “hình nhân thế mạng”.

Chị kể cho chúng tôi nghe về những lần gặp Q. Lúc thì tại nhà ông Bộ trưởng này, lúc lại nhà ông Phó ban kia… Chỗ nào chị cũng thấy Q được coi như “kẻ ăn người ở trong nhà”. Công ty có trụ sở đàng hoàng, dự án được phê duyệt của cấp có thẩm quyền với dấu son đỏ choét, lại thấy hắn thân thiết với các quan chức như thế, vậy thì còn gì mà không tin, mà không dốc hầu bao vào những dự án… Đùng một cái, hắn biến mất. Và khi chị gặp lại các vị “VIP” kia để hỏi về hắn thì mọi người cũng chỉ “ngơ ngác” mà rằng: “Cứ tưởng chúng bay thân nhau. Chú cũng chỉ biết nó sơ sơ. Thấy nó ngoan, lễ phép, thi thoảng nó lại chơi… Ai biết nó làm ăn kiểu gì”.

Cách đây hơn chục năm, tôi có theo một vụ án tham nhũng lớn. Đối tượng là phụ nữ có biệt tài… nói chuyện. Nhiều cơ quan bộ, ngành sợ bà ta một phép, chỉ vì thấy bà ta ra vào như… đi chợ nhà một quan chức cao cấp. Bà ta được chủ nhân sai khiến lấy rượu, pha trà tiếp khách như sai con cháu trong nhà. Vì thế, khi nhận được văn bản đề nghị vay tiền cho các dự án và có bút phê của lãnh đạo “Gửi lãnh đạo Bộ X xem xét”. Một dòng bút phê vô thưởng, vô phạt, hoàn toàn không có giá trị pháp lý… Và rất đúng nguyên tắc. Nhưng người nhận được bút phê kiểu đó, thì cũng rất “tinh ý” để hiểu rằng “đây chính là ý chỉ của cấp trên”. Và thế là nhanh chóng giải quyết theo yêu cầu trong đơn. Đến khi vụ việc vỡ lở, bà ta bị bắt, thì cuối cùng đành “hòa cả làng”, vì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Dĩ nhiên là cũng có vài cán bộ cấp Phòng, cấp Cục bị kỷ luật, còn cấp trên nữa thì, có ra lệnh đâu mà xử lý. Chỉ đề nghị dưới “xem xét” thôi, còn việc “xem xét”, xử lý thế nào cho đúng luật, đúng quy định… đó là việc của “các anh”.

Đã xảy ra rất nhiều những vụ án lừa đảo, tham nhũng trong những năm gần đây, mà kẻ phạm tội đã tận dụng, khai thác một cách triệt để tính duy tình trong mỗi con người. Vì thế, mới có khái niệm “tội phạm ảo”, “tội phạm bóng” và mới có loại phạm tội lợi dụng ảnh hưởng chức vụ của người khác.

Những kẻ phạm tội kiểu này, thường là “cao thủ”, khéo ăn nói, giỏi chiều chuộng, săn đón, biết rõ ý thích, sở trường, sở đoản của người bề trên. Biết nịnh đúng lúc, đúng chỗ, biết khen hợp lý và biết chê “tế nhị”. Loại tội phạm ảo, tội phạm “bóng” này có đức tính kiên nhẫn hiếm có và rất biết làm “Câu Tiễn”. Kẻ phạm tội chỉ bộc lộ bản chất thật đối với người khác hoặc là khi đã đủ mạnh để khống chế ngược lại người mà hắn từng núp bóng bao năm.

Và đặc biệt, trong thời gian đầu, kẻ đó không nhờ vả, xin xỏ, đòi hỏi gì quá đáng và có quà cáp, biếu xén vào dịp lễ tết, sinh nhật, giỗ chạp gì đó thì cũng rất chi là “khiêm tốn”, nhưng đúng lễ nghi, đúng đạo lý. Chính vì vậy mà trong con mắt của người được kẻ đó “dựa bóng”, thì đó là kẻ “vô hại”, kẻ “thật như đếm”. Cho nên họ hoàn toàn mất cảnh giác với kẻ ấy và vì thế, họ sẵn sàng bảo vệ kẻ đó, nếu như có ai đặt dấu hỏi nghi ngờ. Bên cạnh đó, kẻ phạm tội cũng khéo léo để người khác “lờ mờ” hiểu rằng, hắn là “đệ ruột” của sếp, là người được tin cẩn và đang “bí mật” thực hiện những “công việc giao dịch, làm ăn “tế nhị” của sếp”. Làm sao mà không nể hắn, ngại hắn được, khi mà tới nhà sếp, thấy hắn được sếp sai: “Mày vào tủ, chọn chai rượu nào ngon, mang ra đây cho anh”. Hoặc: “Chủ nhật này, mày xem có chỗ nào nghỉ ngơi tử tế, bố trí cho anh em tao đi nghỉ một hôm”… Vì duy tình, vì thấy kẻ đó được sếp coi như “tay chân”, như “con cháu” nên không một ai dám hỏi: “Thưa anh, cái thằng này… là thằng nào?”. Và khi kẻ đó mang đơn thư, dự án v.v… tới, thì người xử lý phải biết “sau lưng kẻ đó là ai”. Hay nói một cách “dân gian” thì phải biết “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”.

Cách đây hơn 10 năm, một vụ án tham nhũng nổi tiếng, làm chấn động cả vùng Tây Bắc, ấy là vụ án Mường Tè, mà thủ phạm chính là Trần Hùng Sơn, hay còn gọi là Sơn “xồm”. Vốn chỉ là kẻ bán thịt lợn ở chợ Điện Biên Phủ, văn hóa hết lớp 5, từng đi đào mả người chết bị sét đánh, lấy xương đem bán. Con đường làm quan của hắn khởi đầu chỉ là việc được một quan chức của tỉnh nhờ… sửa nhà. Vậy mà cuối cùng gã trở thành con nuôi, được bố nuôi giao cho đi về Hà Nội biếu gạo, biếu thịt cho một vị lãnh đạo. Rồi thế quái nào mà hắn nhảy lên làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Miền núi Hoa Ban – một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Khi hắn bị bắt, có vị lãnh đạo cấp cao đã chỉ mặt ông Đậu Quang Chín, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ) mà rằng: “Không xử được nó thì cậu ngồi thay vào đấy”.

Cái xấu trong tính duy tình của người Việt còn thể hiện rõ trong “quan điểm làm ăn trong thời buổi này, ấy là phải biết mấy cái vần “ệ”, đó là: Thứ nhất là, phải có… quan hệ. Thứ nhì là, phải có… tiền tệ. Thứ ba là, phải người… bảo vệ. Và cuối cùng là mới cần có… trí tuệ.

Bốn cái “ệ” này được xếp theo thứ tự trên và nếu thiếu một cái “ệ” thì coi như sợi dây xích đã bị “đứt một mắt”.

Thời bao cấp, cũng đã có câu nói lên sự quan trọng của tính duy tình ấy là: “Nhất thân, nhì thế, tam quyền, thứ tư mới đến… chế độ”. Nếu không có sự thân quen, không có tình cảm với nhau thì việc bé xé ra to, việc nhỏ thành việc lớn, chuyện đơn giản thành phức tạp… hoặc nói theo ngạn ngữ là “Không ưa thì dưa có dòi”, hoặc: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Do duy tình mà yếu tố thượng tôn pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Việc xét xử của tòa án, việc xử phạt của các cơ quan chức năng cũng nhiều khi bị tính duy tình xen vào, từ đó, luật pháp sẽ chỉ còn là được hiểu, được chấp hành theo ý riêng của người “cầm cân nảy mực”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Như Thổ

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc