Toan tính về đảo chính ở Thái Lan

19:00 | 23/01/2014

3,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc hàng trăm nghìn người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đang chiếm giữ các khu vực rộng lớn của thủ đô Bangkok và hàng loạt vụ tấn công có vũ trang mờ ám nhằm vào các khu lều trại của họ, đang xuất hiện ngày càng nhiều đồn đoán rằng Thái Lan có thể một lần nữa bị đẩy đến bờ vực một cuộc đảo chính quân sự.

Một sự kiện tương tự đã mở đường cho vụ đảo chính quân sự vào tháng 9/2006 lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thái Lan khi đó là ông Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, tình hình hiện nay  lại phức tạp hơn nhiều, gây cản trở viễn cảnh về một cuộc đảo chính chiếm quyền lãnh đạo đất nước khác do quân đội dẫn đầu.

Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA), Tướng Prayuth Chan-ocha sau vài tuần bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Thái Lan, ông này đã nói một cách khó hiểu với các phóng viên rằng ông không thể mở, cũng không thể khép chặt cách cửa dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự trong tương lai.

Bình luận “lập lờ nước đôi” của Tư lệnh Prayuth gần như chắc chắn không có nghĩa là một lời cảnh báo úp mở rằng quân đội Thái Lan đang chuẩn bị can thiệp nếu không đạt được một sự dàn xếp giữa chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) có quan hệ với đảng Dân chủ đối lập. Họ nói rằng nhiều khả năng là Tướng Prayuth đang dựa vào những bình luận mà ông đưa ra trước đó rằng một cuộc đảo chính sẽ không giải quyết được xung đột, trong khi nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của tình trạng phân cực hiện nay.

Mặc dù Tướng Prayuth đã củng cố được sự kiểm soát của mình, nhưng vẫn tồn tại những nghi vấn về sự trung thành cuối cùng của binh lính thuộc quyền. Nhiều người khác tin rằng Tướng Prayuth đã thực hiện một hành động cân bằng khôn khéo bằng cách phục tùng trên danh nghĩa sự lãnh đạo dân sự của Thủ tướng Yingluck trong khi đồng thời gia tăng và bảo vệ những lợi ích của chế độ quân sự.

Lãnh tụ phe Áo Ðỏ Kwanchai Praipana.

Ban lãnh đạo quân đội Thái Lan luôn thận trọng để đảm bảo rằng những sự can thiệp ngoài Hiến pháp của họ nhằm xóa bỏ các chính phủ đang nắm quyền đem lại sự bảo vệ pháp lý có hiệu lực cho những người lãnh đạo các cuộc đảo chính.

Tướng Prayuth đã giữ cho quân đội Thái Lan đứng ngoài cuộc xung đột của những cuộc biểu tình đường phố hiện nay, giữ vị trí của các lực lượng vũ trang là một nhà trung gian hòa giải thay vì là một người kích động. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu như tình hình an ninh xấu đi, đặc biệt là trong bối cảnh một cuộc xung đột quy mô lớn giữa những người ủng hộ UDD và những người ủng hộ PDRC.

Các binh sĩ quân đội Thái Lan ban đầu được bố trí để bảo vệ các tòa nhà chính phủ nhưng quân đội Thái Lan đã để cho cảnh sát, một thành trì ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và là mục tiêu kêu gọi cải cách của PDRC, quản lý các khu vực “tiền tuyến”. Các binh sĩ đã được triển khai ở các khu vực xung quanh các địa điểm biểu tình để bảo vệ người biểu tình từ những cuộc tấn công bí ẩn.

Đặc trưng hoạt động của các sĩ quan quân đội Thái Lan là họ không phải là những sĩ quan hoàn toàn chuyên tâm với nghề nghiệp của mình, và trong một số trường hợp ngoại lệ, các sĩ quan dành nhiều thời gian cho những mối quan tâm về chính trị và kinh doanh của cá nhân.

Hầu hết các tướng hai sao và các sĩ quan cấp cao hơn của quân đội Thái Lan hiện nay đều tốt nghiệp Trường Võ bị quốc gia và Học viện Quân sự Hoàng gia Chulachomklao (West Point của Thái Lan) hoặc một khóa đào tạo tương đương. Trong khi đó, chỉ có 15% trong số toàn bộ các sĩ quan mới mỗi năm là tốt nghiệp từ hệ thống Học viện Võ bị - Quân sự, và khoảng 80% trong số toàn bộ các sĩ quan đã được chọn để thăng cấp lên hai sao hoặc cấp cao hơn đều là sản phẩm của hệ thống này.

Các sĩ quan học được cách biết rằng không bao giờ được phép đưa ra những quyết định quan trọng mà không tham vấn các bạn học cùng khóa của họ.

Các cuộc gặp mặt thường xuyên cũng được tổ chức giữa những người bạn học cùng khóa, đôi khi diễn ra trong nhiều giờ, để thảo luận về tác động tiềm tàng đối với những lợi ích của khóa. Có rất nhiều câu chuyện về các cựu chỉ huy lục quân, những người thường xuyên ăn cùng với những người bạn học cùng khóa để thảo luận về các vấn đề mà họ cùng quan tâm.

Tướng Nipat Thonglek, một sĩ quan có năng lực gần đây được bổ nhiệm làm Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, và có lẽ là sĩ quan cấp cao công khai ủng hộ Thaksin nhiều nhất trong quân đội Thái Lan. Tướng Nipat đã che giấu sự trung thành chính trị của mình trong nhiều năm nhằm tránh việc gây trở ngại cho quá trình thăng tiến của mình, như đã từng xảy ra với các sĩ quan khác cùng tốt nghiệp khóa 10 Học viện Cảnh sát.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu sĩ quan ủng hộ Thaksin trong hàng ngũ sĩ quan bình thường đang “đeo tấm mặt nạ” ủng hộ Hoàng gia Thái Lan. Chắc chắn là đã có chủ nghĩa phe phái bên trong quân đội Thái Lan từ trước, nhưng điều đó thường được xác định là sự phân chia phe phái giữa khóa này với khóa khác. Xu hướng hiện nay đối với những sự phân chia giữa các khóa là mới và khó có thể dự đoán hơn.

Vậy thì khả năng xảy ra một cuộc đảo chính trong bối cảnh này là gì? Các chuyên gia không biết bất kỳ thông tin nào xác định dấu hiệu rằng quân đội đang chuẩn bị tiến hành một cuộc đảo chính, mặc dù theo các chuyên gia quan sát có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi quân đội Thái Lan, cần phải chú ý rằng những sự chuẩn bị như vậy thường không rõ ràng. Hơn nữa, Tướng Prayuth có kế hoạch về hưu vào tháng 9 tới và ông này dường như thực sự miễn cưỡng hủy hoại di sản của mình, trong đó có việc sắp xếp cho việc thăng chức của người em trai và bổ nhiệm ông này vào một trong những vị trí quan trọng nhất của RTA.

Bất chấp tất cả, vẫn có một số hậu quả có thể thúc đẩy Tướng Prayuth từ bỏ vai trò một nhà trung gian hòa giải của mình và trở thành một kẻ đảo chính. Đầu tiên và trên hết, Tướng Prayuth có thể chọn cách can thiệp nếu như tình hình chính trị xấu đi tới mức quân đội Thái Lan nhận thấy một mối đe dọa đối với sự an toàn và an ninh của gia đình Hoàng gia. Mặc dù điều này chưa chắc đã xảy ra trong các cuộc biểu tình của lực lượng PDRC ủng hộ Hoàng gia, nhưng điều đó vẫn luôn là một sự quan ngại của giới lãnh đạo quân đội Thái Lan.

Từ năm 1981, quân đội Thái Lan đã tái cơ cấu nhiệm vụ của hai đơn vị chiến đấu, bảo vệ Hoàng gia là Trung đoàn Bộ binh số 21 và Sư đoàn Bộ binh số 9 (Cảnh vệ Hoàng gia), đóng quân riêng rẽ tại hai tỉnh Chonburi và Kanchanaburi.

Thông thường, một phần của Sư đoàn Bộ binh số 2, Trung đoàn số 21 nằm dưới sự kiểm soát của gia đình Hoàng gia trong trường hợp xảy ra một cuộc đảo chính hoặc một tình huống khẩn cấp quốc gia. Tất cả các sĩ quan và hạ sĩ quan được đưa vào đơn vị này đều phải được kiểm tra lý lịch chặt chẽ bởi gia đình Hoàng gia. Ngoài ra, mặc dù đơn vị này nhận được hạn ngạch thông thường về số binh sĩ nhập ngũ (hai lần một năm và mỗi binh sĩ có thời gian nhập ngũ trong hai năm), nhưng công tác nhân sự này hoàn toàn được xem xét bởi gia đình Hoàng gia.

Sư đoàn Bộ binh số 9 đóng quân tại khu vực cách thủ đô Bangkok khoảng 3 giờ xe ô tô về phía Tây. Đơn vị này là một phần của chương trình bí mật được tổ chức chặt chẽ bởi Tướng Prayuth nhằm thay đổi nó thành một đơn vị kiểu như Trung đoàn Bộ binh số 21, cũng trở về nằm trong sự kiểm soát của gia đình Hoàng gia trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Trong 3 năm qua, chỉ có các sĩ quan và những người có cấp bậc từ binh nhì đến hạ sĩ quan (loại trừ những binh sĩ nhập ngũ theo thời gian nghĩa vụ quân sự), những người trước đó đã phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh số 21 trước khi kế hoạch này được thực hiện, đã được lặng lẽ điều chuyển đến các đơn vị khác.

Tướng Prayuth cũng có thể can thiệp nếu như quân đội Thái Lan tin rằng tình hình biểu tình hiện nay đã xấu đi đến mức sự đoàn kết cơ bản và sự toàn vẹn của Nhà nước Thái Lan bị nguy hiểm. Giống như mối quan ngại của họ về sự an toàn của gia đình Hoàng gia, mối đe dọa về sự chia cắt đất nước Thái Lan cũng luôn xuất hiện trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan. Điều đó giải thích tại sao quân đội Thái Lan là trở ngại chính trong việc chính phủ nước này ban bố một sắc lệnh tự trị địa phương để xoa dịu phong trào nổi dậy đang diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh cực Nam của đất nước này, nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

Một yếu tố cuối cùng đang làm gia tăng quan ngại là tình trạng sức khỏe ốm yếu liên miên của Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan, những người trong nhiều thập kỷ qua luôn có ảnh hưởng quan trọng đối với các lực lượng vũ trang. Các sĩ quan cấp cao đã nói rằng Tướng Prayuth cảm thấy bị cô lập sau khi những yêu cầu liên tiếp về sự chỉ đạo từ Hoàng cung đã không nhận được hồi âm từ cách đây khoảng một năm.

Một số người nghi ngờ sự cô lập này xảy ra là do việc Tướng Prayuth sẵn sàng thương lượng với những đề nghị của cựu Thủ tướng Thaksin. Nếu một quan điểm như vậy ảnh hưởng đến các sĩ quan lãnh đạo cấp cao một cách rộng rãi hơn, nó sẽ tạo ra một nhân tố rất khó dự đoán được đối với những tính toán chính trị của quân đội Thái Lan.
                                            

N. Anh (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc