Toàn cảnh vụ tin tặc tấn công 150 quốc gia trên thế giới

16:39 | 15/05/2017

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hàng triệu máy tính ở 150 quốc gia trên toàn thế giới đã bị tấn công hôm 12/5. Đây là vụ tin tặc lớn nhất từ trước đến nay, làm ảnh hưởng tới nhiều tổ chức và công ty trên khắp hành tinh.  
toan canh vu tin tac tan cong 150 quoc gia tren the gioi

Điều gì đã diễn ra?

Từ Nga đến Tây Ban Nha và từ Mexico cho đến Việt Nam, hàng triệu máy tính, chủ yếu ở châu Âu, đã bị nhiễm một loại mã độc được phát tán thông qua các tài liệu bị đánh cắp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Mã độc có tên gọi “Wannacry” một khi xâm nhập vào máy tính lập tức khóa các files dữ liệu và yêu cầu người sử dụng phải trả tiền chuộc dưới dạng tiền ảo thì chúng mới nhả ra cho họ. Các tin tặc đòi nạn nhân phải trả tối thiểu là 300 USD để có thể dùng được các files dữ liệu, hình ảnh, cùng các tài liệu khác lưu trữ trong máy tính của họ.

Bao nhiêu nước bị ảnh hưởng?

Theo Europol, vụ tấn công tin tặc trên khiến hơn 200.000 người bị hại tại ít nhất 150 quốc gia. “Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến một vụ tin tặc lớn như vậy” - Rob Wainwright, Giám đốc Europol nói với kênh ITV của Anh. Ông Wainwright nói thêm rằng, số người bị ảnh hưởng bởi vụ tin tặc này vẫn chưa dừng lại bởi nhiều người sẽ mở máy lên trong ngày làm việc đầu tuần hôm nay.

Hãng an ninh mạng Kaspersky Lab cho biết, châu Âu và Nga bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngoài những mục tiêu chính là các bệnh viện ở Anh, vụ tin tặc này còn nhắm đến công ty truyền thông Telefonica của Tây Ban Nha, công ty sản xuất ô tô của Pháp Renault, công ty dịch vụ chuyển phát nhanh Fedex của Mỹ, Bộ Nội vụ Nga hay công ty đường sắt Deutsche Bahn của Đức.

Mã độc lan truyền như thế nào?

Theo các chuyên gia tin học, mã độc hoạt động trong 10 ngôn ngữ khác nhau. Điều này chứng tỏ tin tặc muốn tấn công các mạng máy tính trên toàn cầu.

Công ty Kaspersky cho biết mã độc được nhóm tin tặc có tên Shadow Brokers công bố hồi tháng 4/2017 sau khi lấy cắp được những tài liệu của NSA.

Mikko Hypponen, Giám đốc Công ty an ninh mạng F-Secure cho biết, Nga và Ấn Độ là hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đa phần hệ thống mạng và máy tính ở đây vẫn còn dùng hệ điều hành Windows XP.

Ai là thủ phạm?

Hiện tại, thủ phạm của vụ tấn công tin tặc này vẫn chưa được xác định. “Rất khó tìm được những kẻ đứng sau vụ tấn công này. Chúng ta đang đối mặt với một nhóm tội phạm mạng ngày càng tinh vi, chúng sử dụng các phần mềm mã hóa để che giấu hoạt động. Nguy cơ tin tặc đối với thế giới ngày càng cao” - Giám đốc Europol, Rob Wainwright nhấn mạnh.

Làm sao để bảo vệ máy tính?

Sau vụ tấn công trên, hãng Microsoft quyết định cập nhật bất thường một số hệ điều hành vừa bị tấn công để ngăn những vụ tương tự. Mã độc chủ yếu tấn công hệ điều hành Windows XP. Hệ điều hành mới nhất Windows 10 của Microsoft không bị tấn công.

Kaspersky cho biết, họ sẽ phát triển phần mềm bảo vệ máy tính chống lại loại mã độc trên ngay khi có thể.

Tin tặc đòi gì?

Các nạn nhân bị đòi phải trả 300 USD trong 3 ngày, nếu không khoản tiền chuộc sẽ tăng gấp đôi. Mặc dù từng khoản tiền chuộc không lớn nhưng tính trên quy mô toàn cầu thì tổng số tiền mà bọn tin tặc đòi là rất lớn.

Các chuyên gia và giới chức chính quyền khuyên người dùng máy tính không nên trả cho bọn tin tặc vì chưa chắc trả rồi mà các files dữ liệu bị khóa có thể lấy lại được.

Mặc dù vậy, theo Công ty an ninh mạng Symantec, 81 người sử dụng đã chuyển tiền cho tin tặc trong ngày 13/5, với tổng số tiền 28.600 USD.

Nh.Thạch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc