Tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử: Cần thiết đưa vào luật

07:26 | 20/11/2017

1,074 lượt xem
|
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Theo đó, có rất nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất nên mở rộng hình thức tố cáo qua email và điện thoại.   

Mở rộng hình thức tố cáo?

Cụ thể, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) trong phiên họp Quốc hội ngày 8-11-2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Luật Tố cáo không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định.

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái còn nói thêm, việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay, quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

to cao qua dien thoai fax thu dien tu can thiet dua vao luat

Ở vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Pháp luật không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành. Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết. Cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tạo thuận lợi cho công dân

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: “Đây là một định hướng tích cực, đảm bảo quyền lợi của người dân và cũng phù hợp với thế giới. Chúng ta có thể giải quyết hàng loạt các vấn đề thông qua email, điện thoại, ngay cả giải quyết các thủ tục hành chính chúng ta còn thông qua hình thức điện tử được thì tại sao thủ tục tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại không thể thông qua hình thức này”.

Hiện nay, quy định pháp luật vẫn chỉ chấp nhận việc tố cáo trực tiếp, tố cáo bằng văn bản có tên tuổi rõ ràng. Vậy thì với hình thức tố cáo qua email, điện thoại cũng vậy, thậm chí việc tiếp nhận tố cáo bằng hình thức email còn dễ dàng xác định danh tính hơn là các hình thức văn bản. “Tại sao chúng ta lại thu mình trong cái vỏ ốc cũ trong khi thời đại công nghệ thông tin đã mở ra biết bao nhiêu cơ hội khác để cải cách?” - Luật sư Trương Anh Tú nói.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, nếu chấp thuận hình thức tố cáo bằng email hoặc điện thoại thì sẽ có thêm nhiều kênh đưa tiếng nói của người dân đến với cơ quan Nhà nước, góp phần giải quyết những tồn tại trong xã hội, để các cơ quan Nhà nước gần dân hơn, thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của người dân. Còn về mặt khó khăn, có lẽ có hai khó khăn lớn nhất mà mọi người đều lo lắng, đó là: Việc quá tải đối với các cơ quan quản lý khi tiếp nhận những thông tin tố cáo và việc khó khăn trong xác minh thông tin người gửi cũng như thông tin trong nội dung đơn tố cáo. Như báo cáo của cơ quan thanh tra: Trong những năm qua các cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh; trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

Ngoài ra, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều chấp nhận hình thức tố cáo qua email, điện thoại và điều này họ đã đưa vào áp dụng từ rất nhiều năm. Nếu chúng ta không mạnh dạn cải cách mà lo sợ việc quá tải thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể đưa hình thức này vào thực tiễn.

“Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hiện nay, chậm một ngày sẽ thụt lùi một quãng rất xa, việc thụt lùi này sẽ để lại những hệ quả rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Mặt khác, hiện nay tất cả các ngành nghề đang từng bước chuyển mình để theo kịp với công nghệ thông tin thì không lẽ nào ngành thanh tra lại nằm ngoài cuộc chơi này. Do đó, với tôi cần phải sớm áp dụng hình thức tố cáo qua email, điện thoại” - Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác.

Thiên Minh - Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc