TKV trên chặng đường gian nan

23:15 | 10/04/2016

411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua tuy năng suất lao động chung toàn Tập đoàn đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực có cùng ngành nghề, có điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ tương tự. Đâu là những nguyên nhân và giải pháp giúp ngành than - khoáng sản phát triển một cách bền vững?

Những hạn chế đang tồn tại

Có thể thấy rõ, Tập đoàn đang chịu sự tác động ngày càng nhiều của những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa trong nước và quốc tế. Giá các sản phẩm than, khoáng sản đang giảm mạnh do tác động của thị trường tài chính và xung đột lợi ích chính trị, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh doanh bền vững của Tập đoàn. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với các giải pháp quản lý tài chính và đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn, bao gồm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp, chuyên gia và công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực còn thiếu và yếu. Lực lượng lao động trực tiếp (thợ lò), chưa được đào tạo một cách toàn diện về kỹ năng và lòng yêu nghề. Cùng với đó môi trường lao động nghề mỏ nặng nhọc độc hại là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, giữ chân thợ lò.

Đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đã được coi là nguy cơ, thách thức lớn của Tập đoàn trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Vấn đề nữa, công tác quy hoạch ngành Than một cách đồng bộ từ khâu mở mỏ, trình tự khai thác, đổ thải, cơ sở hạ tầng, chế biến và tiêu thụ, các công trình môi trường dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tính toán đầy đủ dẫn đến những thiệt hại không nhỏ. Điển hình như TKV gần như bất lực trước trận mưa lũ lịch sử vào tháng 8 năm ngoái.

tkv tren chang duong gian nan
Thợ mỏ Than Vàng Danh

Có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ giải pháp “xã hội hóa” trong lĩnh vực đầu tư mỏ là một giải pháp đúng nếu thực hiện theo mô hình “đối tác công - tư”, nhưng trên thực tế giải pháp này chủ yếu được thực hiện theo hướng “tư nhân hóa” các dự án đầu tư và dịch vụ của Tập đoàn. Điều này có nguy cơ dẫn đến thiệt hại từ phân chia lợi ích của dự án, dịch vụ giữa tư nhân và đáng ngại hơn nếu không tính kỹ lợi ích có thể bị triệt tiêu không chỉ dựa vào số tiền của dự án, mà nó  còn có ý nghĩa kinh tế xã hội địa phương, tác động môi trường…

Một vấn đề nữa, đó là việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển năng lượng và các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, các chính sách quản lý của Nhà nước đối với ngành than có nhiều biến động. Đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế, phí, giấy phép các loại... đã cản trở không nhỏ đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Những giải pháp trọng tâm

Để vượt qua thử thách, đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ đề ra, hiện nay Tập đoàn đang tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, quản trị tài nguyên như một nguồn vốn gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh bền vững bằng việc nâng cao năng lực thực tiễn về khảo sát, thăm dò địa chất đối với các vỉa than, khoáng sản rắn sâu (từ -300m trở xuống) đối với các vùng Quảng Ninh, Đồng bằng Sông Hồng. Đây là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề đối với TKV, muốn thực hiện có hiệu quả đòi hỏi việc phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan, tiếp cận và ứng dụng thực tiễn các phương pháp phân tích số liệu địa chất trong nước và quốc tế có độ tin cậy cao.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn dựa trên cơ sở triết lý kinh doanh của mô hình quản trị hiện đại. Đó là vừa tạo ra lợi nhuận, vừa phát triển đội ngũ giai cấp công nhân mỏ trung thành, lao động sáng tạo và có cơ hội thăng tiến, gồm cán bộ quản lý, quản trị cao cấp, chuyên gia, công nhân kỹ thuật trong các lĩnh vực. Đây chính là chìa khóa tạo ra năng suất và phát triển bền vững của Tập đoàn. Đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, bởi hiện nay có không ít cán bộ có xu hướng ngại khó, chưa cống hiến hết mình với nghề. Do đó, trong công tác cán bộ phải lựa chọn được những người đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra, có tình yêu nghề, có lòng quả cảm, dám dấn thân vào những việc khó khăn, thách thức.

Tiếp đến là thực hiện giải pháp quản trị kinh doanh. Về tái cơ cấu phương thức quản lý kinh doanh của Tập đoàn theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các công ty thành viên chủ động sản xuất và kinh doanh, là cơ sở để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục hoàn thiện giải pháp “xã hội hóa” theo mô hình hợp tác công - tư, đảm bảo lợi ích của Tập đoàn, đồng thời tạo ra một thị trường huy động vốn tư nhân thực sự có hiệu quả. Cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán, quản trị chi phí trong toàn Tập đoàn dựa trên cơ sở các hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với các phương pháp phân tích cơ cấu giá thành phù hợp với các điều kiện địa chất, khai thác khác nhau, đồng thời có tính đến sự đồng bộ trong khai thác, vận chuyển và đổ thải về không gian và thời gian của các mỏ trong vùng.

Thứ tư, giải pháp về công nghệ khai thác. Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành và hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 đã đề ra. Trước mắt, tập trung ưu tiên đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than hầm lò. Hiện nay, xu hướng phân bố tài nguyên trữ lượng than, khoáng sản ngày càng sâu và phức tạp đòi hỏi phải phát triển hệ thống khai thác liên kết một số mỏ hiện nay thành hệ thống mỏ lớn.

Trước mắt, triển khai liên thông thành công 3 mỏ lộ thiên Cao Sơn, Cọc Sáu và Đèo Nai. Sau sẽ nghiên cứu lựa chọn liên thông một số mỏ hầm lò. Do đó, đòi hỏi phải thay đổi tư duy và phương pháp ngay từ công tác tư vấn, thiết kế và nghiên cứu, cũng như quản lý, vận hành khai thác kinh doanh mỏ dựa trên cơ sở mô hình hóa (tài nguyên) và tối ưu hóa (mỏ) trong không gian và theo thời gian ngay từ bây giờ.

Cuối cùng tăng cường đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác bạn hàng lớn, truyền thống trong nước như: Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng, hóa chất… và các khách hàng lớn khác trên cơ sở tin cậy, lâu dài và cùng có lợi. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết với các địa phương bằng mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích với cộng đồng, địa phương nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, nhất là các địa phương: Quảng Ninh, Lào Cai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Tĩnh…

Với đối tác nước ngoài, cần duy trì và phát triển các mối quan hệ với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Australia,… Những quốc gia này không chỉ là tạo ra thị trường thương mại, mà còn là thị trường chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến, hiện đại trên phạm vi toàn cầu.

Minh Châu

Năng lượng Mới số 512