TKV tái cơ cấu để “khỏe hơn”

20:52 | 12/05/2017

3,929 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo Bộ Công Thương đề nghị phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Như vậy, với quyết tâm cao cùng những nhóm giải pháp quyết liệt, TKV đã và đang tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.   

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn, tính đến hết năm 2016, sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định 314 của Thủ tướng Chính phủ, toàn Tập đoàn chỉ còn 48 công ty thành viên. Cụ thể là: 5 công ty 100% vốn của Nhà nước (Công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Công ty Hoa tiêu hàng hải và Công ty Môi trường); 5 đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học, y tế, đào tạo, báo chí. Còn lại tất cả các công ty con (38 công ty) đều đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn do Tập đoàn nắm cổ phần chi phối hoặc phủ quyết. Như vậy, số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của TKV sau khi đã nhiều lần tái cơ cấu còn lại rất ít. Điều này thể hiện sự quyết tâm và nghiêm túc của TKV trong việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

tkv tai co cau de khoe hon
Thợ lò TKV

Phát huy những kết quả đã đạt được, TKV đã xây dựng đề án cụ thể để tiếp tục tái cơ cấu trong thời gian tới. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Cừ - Trưởng ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn cho biết, ngày 7-3-2017, HĐTV Tập đoàn đã chính thức có Tờ trình số 929/TTr-TKV báo cáo Bộ Công Thương đề nghị phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với những định hướng cụ thể, trọng tâm là 3 vấn đề chính: Thứ nhất, TKV tập trung kinh doanh trong 3 lĩnh vực sản xuất cốt lõi mà TKV có lợi thế về công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, bí quyết công nghệ, nhân lực và thị trường. Đó là: công nghiệp than và khoáng sản; công nghiệp điện và công nghiệp hóa chất mỏ.

Ngoài ra, TKV duy trì có chọn lọc một số lĩnh vực kinh doanh phục vụ 3 ngành nghề kinh doanh chính nêu trên như cơ khí, thăm dò địa chất, tư vấn mỏ, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, môi trường. Có chọn lọc nghĩa là chỉ giữ lại những công ty quy mô lớn, có vai trò hạt nhân chứ không phải là cứ hoạt động trong lĩnh vực đó sẽ được giữ lại. Ví dụ trong lĩnh vực cơ khí chỉ giữ lại 3 công ty, lĩnh vực địa chất giữ lại 2 công ty...

Thứ hai, về mô hình này TKV tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh hỗn hợp - Công ty mẹ vừa là nhà đầu tư tài chính vào các công ty con, vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh than và khoáng sản quy mô lớn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực than thì công ty mẹ tự sản xuất 50% sản lượng than của Tập đoàn, còn lại công ty mẹ đầu tư góp vốn vào các công ty con cổ phần để các công ty này khai thác 50% sản lượng còn lại. Hoặc trong lĩnh vực khoáng sản, công ty mẹ tự sản xuất 100% sản lượng alumina, còn lại khoáng sản đồng, kẽm, sắt… do các công ty con thực hiện.

Thứ ba, trong tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn có nhiều giải pháp cụ thể và thực tế đã triển khai thực hiện tái cơ cấu, đổi mới, hoàn thiện các mặt quản trị doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, từ quản trị nguồn tài nguyên, quản trị nguồn vốn, quản trị nguồn nhân lực cho đến công tác đầu tư, công tác kỹ thuật, công nghệ...

Ngoài ra, TKV còn định hướng mô hình tổ chức tinh gọn hơn và đi vào chiều sâu thay vì đầu tư dàn trải nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Do đó, TKV sẽ tiếp tục sắp xếp, tái cơ cấu các công ty con và đơn vị trực thuộc theo hướng: Thứ nhất, sẽ thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; thời điểm cổ phần hóa thực hiện vào năm 2020 hoặc có thể sớm hơn nếu Chính phủ yêu cầu.

Thứ hai, sẽ tiếp tục sắp xếp các chi nhánh, các công ty con theo hướng giảm đầu mối để hình thành các công ty sản xuất than có quy mô lớn hơn, có điều kiện tài nguyên rộng lớn hơn để áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Ví như, công ty than lộ thiên phải có sản lượng trên 5 triệu tấn, công ty than hầm lò phải có sản lượng trên 2 triệu tấn. Hình thành một đầu mối chuyên thi công các dự án mỏ than hầm lò theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Hình thành một đầu mối chuyên làm nhiệm vụ kinh doanh than, nhập khẩu than của Tập đoàn.

Thứ ba, sẽ sắp xếp lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành quyết toán đầu tư cho phù hợp, tinh gọn về đầu mối. Thứ tư, sẽ tiếp tục thoái vốn ở các công ty con, công ty liên kết không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính hoặc thuộc lĩnh vực kinh doanh chính nhưng hiệu quả thấp cũng sẽ xem xét thoái vốn. Thứ năm, đối với các đơn vị sự nghiệp thì tùy thuộc vào tính chất của từng đơn vị để xem xét cổ phần hóa.

Vậy rõ ràng, sau khi hoàn thành tái cơ cấu về tổ chức thì mô hình tổ chức Tập đoàn tinh gọn hơn rất nhiều so với hiện nay. Theo đó, số chi nhánh của công ty mẹ - Tập đoàn giảm từ 30 đơn vị xuống còn 20 đơn vị, số công ty con giảm từ 47 công ty xuống còn 32 công ty và số công ty liên kết giảm từ 9 công ty xuống còn 3 công ty. Có thể nói, mỗi lần thực hiện tái cơ cấu là mỗi lần giúp TKV “khỏe hơn”, cụ thể, hướng tới một mô hình tổ chức hợp lý hơn, ngày càng tinh gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Từ năm 2013, TKV thực hiện Quyết định 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn theo hướng mục tiêu “Xây dựng Tập đoàn TKV thành tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”.

Minh Châu

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps