Tinh thần tự tôn dân tộc của doanh nghiệp Việt chưa cao

18:56 | 25/05/2016

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là 1 trong 4 rào cản phải tháo gỡ được Trung tâm Nghiên cứu BIDV chỉ ra khi đưa đề xuât, kiến nghị  để triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP có hiệu quả.
tinh than tu ton dan toc cua doanh nghiep viet chua cao
Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV, ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là văn bản thể hiện sự đột phá về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhằm khắc phục 4 thách thức, rào cản cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam. Những rào cản, thách thức đó là:

Hạn chế về công nghệ và khả năng cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong bối cảnh hội nhập;

Khó khăn và chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, công nghệ, lao động), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

Bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động;

Tinh thần tự tôn dân tộc và tính gắn kết của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.  

Và trên cơ sở nghiên cứu các điểm cơ bản, đột phá của Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhằm góp phần để các giải pháp của Chính phủ đi vào thực tế và được triển khai một cách có hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (TTNC BIDV) đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP:

Về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp:

Tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện cải cách hành chính và tăng cường giám sát từ các cơ quan thanh tra giám sát, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, VCCI, các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa, hiệu quả cải cách hành chính. Các Bộ ngành xây dựng đề án/phương án định lượng về cải cách hành chính như giảm tiếp bao nhiêu % số thủ tục hành chính, số ngày giờ. Bộ tư pháp phối hợp với các Bộ ngành thường xuyên tổ chức các Hội thảo, tổng kết đánh giá về cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đề xuất đổi mới quy trình ban hành văn bản dưới Luật theo hướng cụ thể hơn và hạn chế tối đa sự chồng chéo.

Về mô hình tách bạch giữa chức năng quản lý/giám sát và chức năng sở hữu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính phối hợp với Bộ Nội Vụ đề xuất phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong việc đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước đồng thời sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ.

Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, TTNC BIDV đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo:

VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ kết nối với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGOs), Hội nghị khởi nghiệp toàn cầu (GEC) trong việc tư vấn, hỗ trợ thành lập, tổ chức, vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp và kết nối mạng lưới khởi nghiệp quốc gia với mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.

VCCI phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông và các Trường Đại học tăng cường các hình thức tuyên truyền về mô hình “Thanh niên khởi nghiệp”, đặc biệt là thanh niên nông thôn; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp thường niên (học tập kinh nghiệm của Đài Loan, Isarel…);

Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp công tư (PPP) trong đầu tư phát triển KHCN như: mua kết quả nghiên cứu; chuyển giao/mua công nghệ; thuê các chuyên gia, với mức lương thưởng thỏa đáng; hỗ trợ vốn đối ứng các dự án quốc tế về khoa học và công nghệ...

Khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế:

NHNN cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc giảm lãi suất: Điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về mức 1%; điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%, nhờ đó, ước tính có thể tăng tín dụng cho nền kinh tế thêm khoảng 100.000 tỷ đồng;

Đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất bao gồm cả cho vay cầm cố trái phiếu VAMC nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn;

Sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định và cơ chế vận hành thị trường mua bán nợ, cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể tham gia mua bán nợ;

Sớm ban hành các quy định mới, phù hợp với sự vận động của thị trường như: Thông tư thay thế QĐ1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;

Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng; Thông tư về thị trường chứng khoán phái sinh, sản phẩm phái sinh…;

tinh than tu ton dan toc cua doanh nghiep viet chua cao
BIDV là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay theo đề xuất của các doanh nghiệp.

NHNN sớm phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam khảo sát tính hiệu quả của các mô hình TCVM ở địa phương, nhân rộng các điển hình các mô hình tài chính vi mô giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo như: Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM), Tổ chức TCVM Mekông (MOM); Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển ở Quảng Ninh.

Về phát triển thị trường vốn, giảm sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng:

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện về pháp lý cho thành lập tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức xếp hạng trong nước; quy chế thành lập và hoạt động trung tâm thông tin doanh nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động;

NHNN phối hợp với Bộ tài chính sớm vận hành thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2016 nhằm tạo công cụ, môi trường cho các định chế tài , DOANH NGHIệP quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ vốn hóa của thị chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) tương đương 80-100% GDP.

Về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công:

Xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp (dệt may, sản xuất giày dép), phát triển các lĩnh vực phụ trợ để đảm bảo có thể đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của FTA;

Bộ tài chính đầu mối xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ hàng hóa năm 2016 và thí điểm phát hành trái phiếu hàng hóa để hỗ trợ các hộ sản xuất và kinh tế nông thôn tại các địa bàn khó khăn (chẳng hạn kỳ hạn 3-5 năm, đối tượng là các doanh nghiệp xi măng, sắt thép, VLXD, giá hàng hóa thực hiện theo giá bán buôn với tỷ lệ chiết khấu 10-20%, lãi suất sẽ được trả thông qua khấu trừ nghĩa vụ tài chính doanh nghiệp phải nộp NSNN).

Ngoài ra, TTNC BIDV cũng đưa ra một số đề xuất đối với doanh nghiệp: Để tạo thành sức mạnh hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, bên cạnh sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, VCCI, các doanh nghiệp lớn, mạnh, có tiềm lực tài chính cần có sự chủ động tham gia tích cực tư vấn, hỗ trợ tài chính đối với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, nhất là năng lực tài chính, quản trị, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; hoạt động minh bạch (có kiểm toán) tiếp cận các thông lệ quốc tế; chủ động tăng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp FDI nhằm tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động bậc cao, thu hút chuyên gia nước ngoài, đa dạng hóa phương thức kinh doanh (nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử); tăng cường vai trò của các Hiệp hội nông dân, hiệp hội kinh doanh, hiệp hội ngành hàng và các HTX nông nghiệp kiểu mới trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Các doanh nghiệp đại chúng cần chủ động hơn nữa trong minh bạch hóa các thông tin tài chính, hoạt động, tăng tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra cao hơn mức 5-10% hiện tại nhằm tạo sự hấp dẫn với NĐT chiến lược và tăng thành công của các đợt phát hành, tăng thanh khoản của cổ phiếu; Các công ty lớn có thể phối hợp với SGDCK tổ chức các chương trình quảng bá quốc tế với sự tham dự của các tổ chức uy tín quốc tế trong đợt IPO, phát hành trái phiếu nhằm tăng hiệu quả của IPO, phát hành trái phiếu.

Lê Hải