Tình báo Mỹ cay đắng trước chương trình hạt nhân của Israel

13:42 | 18/03/2019

2,106 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (PetroTime) - Dự án hạt nhân là một bí mật lớn nhất, được che giấu cẩn thận và lâu nhất của Israel. Nó xảy ra trước mũi của Mỹ, nhưng Mỹ không hề hay biết điều đó.

Từ lâu, thế giới đã biết rằng cơ sở khổng lồ của Israel ở sa mạc Negev đóng vai trò rất quan trọng trong dự án hạt nhân bí mật của Israel. Nhưng Israel chỉ đơn giản gọi cơ sở này là một “nhà máy dệt” và khiến cả thế giới cũng nghĩ như vậy. Mãi đến nay, người ta mới biết câu chuyện về “nhà máy dệt” bắt đầu như thế nào và làm sao Mỹ biết được điều đó.

tinh bao my cay dang truoc chuong trinh hat nhan cua israel
Hình ảnh không gian của lò phản ứng hạt nhân Dimona ở Israel, cho thấy nó đã được ngụy trang

Toàn bộ câu chuyện về “nhà máy dệt” dựa trên thông tin từ tài liệu được giải mật của Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia, Dự án Lịch sử quốc tế về phổ biến vũ khí hạt nhân và Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California.

Thất bại của tình báo Mỹ

Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower phải đối diện với một loạt cuộc khủng hoảng liên quan đến Cuba và Lào. Chưa hết, khi mùa thu năm 1960 đến gần, ông Eisenhower còn gặp phải một vấn đề bất ngờ và hệ trọng mà Mỹ chưa từng trải qua: Thông tin tình báo Mỹ xác nhận rằng Israel đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân bí mật ở sa mạc Negev với sự hỗ trợ của Pháp.

Mỹ sớm kết luận rằng Israel có thể tìm kiếm năng lực sở hữu vũ khí hạt nhân và coi đây là một mối đe dọa với sự ổn định chiến lược ở Trung Đông. Israel không muốn cho Mỹ biết về nhà máy hạt nhân này và luôn tìm cách lảng tránh.

Tháng 9-1960, Addy Cohen, Giám đốc Văn phòng Viện trợ Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Israel đã đưa Đại sứ Mỹ tại Israel là ông Ogden Reid và một số nhân viên cấp cao đi thăm Công trình Biển Chết - một nhà máy sản xuất kali cacbonat lớn của Israel ở Sdom ven bờ Biển Chết.

Không quân Israel dùng trực thăng Sikorsky S-58 để chở người Mỹ từ thủ đô Tel Aviv tới Sdom. Khi họ quay về và bay gần thành phố Dimona, ông Reid đã chỉ xuống khu vực công nghiệp khổng lồ bên dưới đang được xây dựng ráo riết và hỏi Cohen đó là công trình gì. Câu hỏi của Đại sứ Reid không hẳn là vu vơ. Cách đó vài tháng, Đại sứ Mỹ tại Israel đã nghe phong thanh về tổ hợp hạt nhân bí mật đang được xây dựng ở Negev.

Cohen biết về dự án bí mật này vì nó được thảo luận trong một cuộc họp của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, anh ta cũng biết rằng mình không thể tiết lộ với người Mỹ. Giờ đã 87 tuổi và đang sống ở Israel, ông Cohen nhớ lại: "Tôi không chuẩn bị trước cho câu hỏi của ông Reid về khu vực Dimona".

tinh bao my cay dang truoc chuong trinh hat nhan cua israel
Cohen - Tác giả của cái tên "nhà máy dệt"

Lúc đó, ông chợt nghĩ đến Trostler, một kiến trúc sư là họ hàng của vợ mình và là người đã thiết kế một nhà máy dệt ở Dimona. Cohen chậm rãi trả lời: "Đó là một nhà máy dệt". Vậy là ông Cohen trở thành người đầu tiên tình cờ đặt cái tên "nhà máy dệt" cho dự án hạt nhân bí mật của Israel.

Chính quyền Mỹ phát hiện ra dự án hạt nhân ở Dimona khá muộn vì đã bỏ qua rất nhiều dấu hiệu. Năm năm trước đó, Israel đã ra một cam kết quốc gia bí mật về thành lập một chương trình hạt nhân nhằm tạo cơ hội sản xuất vũ khí hạt nhân. Hai năm sau, Israel đã ký thỏa thuận hạt nhân toàn diện bí mật với Pháp. Và chỉ một năm sau, Israel đã bắt đầu công trình xây dựng trên diện rộng ở khu vực Dimona.

Vậy mà tình báo Mỹ không hay biết. Nếu Mỹ phát hiện ra Dimona sớm hơn 2 năm, thậm chí chỉ cần sớm hơn một năm, Israel có thể không chịu nổi sức ép của Mỹ và thế giới mà phải từ bỏ dự án. Biết được bí mật của Israel, người Mỹ thực sự sốc trước sự táo bạo của dự án hạt nhân.

Ngay từ khi lên nắm quyền năm 1955, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion đã bí mật cho xây dựng một cơ sở hạt nhân để hỗ trợ chương trình quốc gia sản xuất vũ khí hạt nhân. Một quan chức quốc phòng cấp cao tên là Shimon Peres đảm nhận trách nhiệm về dự án này.

Trong vòng 3 năm, ông đã làm được điều gần như bất khả thi: biến ý tưởng về một chương trình hạt nhân quốc gia, vốn chỉ là một ý tưởng mơ hồ, thành một thành tựu kỹ thuật thực sự. Ông Peres cho rằng Israel không nên mất thời gian tự mày mò mà phải tìm cho được một nhà cung cấp nước ngoài có thể trao cho Israel một gói hạt nhân toàn diện nhất, phù hợp nhất với chương trình định hướng phát triển vũ khí.

(còn tiếp)

Hòa Thu