Tín hiệu mừng trong phân luồng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016

16:25 | 03/04/2016

883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay các nhà tuyển dụng tại Việt Nam luôn kêu ca phàn nàn việc phải đào tạo lại rất nhiều sinh viên sau khi ra trường vì các em lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít, thiếu thực tế. Chưa kể, hiện có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp, hoặc phải đi học nghề để kiếm việc làm gây nên sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Vì thế, việc gần 40% học sinh THPT ở Nghệ An chọn không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 nhiều người cho rằng đó là tín hiệu mừng.  

Năm nay, trong số hơn 31.600 thí sinh Nghệ An đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia thì có hơn 12.100 thí sinh đăng ký chỉ lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, chiếm gần 40%.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An thì hiện tại tỉnh có 31.698 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, 19.585 (61,79%) thí sinh dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Còn 12.113 thí sinh đăng kí thi THPT quốc gia tại cụm thi do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì. Có nghĩa đến 38,21% thí sinh đăng kí thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, cao hơn 1% so với năm 2015.

Qua số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An thì ngoài 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ thì số lượng thí sinh đăng ký các môn tự chọn còn lại thiên về các môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, môn Lịch sử ở cụm thi địa phương chỉ có 41 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ chiếm 0,008% tổng số thí sinh dự thi. Số lượng học sinh đăng ký thi môn Lịch sử chỉ bằng 1/3 so với năm 2015. Do đó nhiều điểm thi ở Nghệ An sẽ không có thí sinh thi môn Lịch sử hoặc có hội đồng thi chỉ có từ 1 hoặc 2 thí sinh.

Điều đáng lưu ý ở đây là con số gần 40% học sinh THPT ở Nghệ An chỉ đăng ký lấy kết quả công nhận tốt nghiệp. Trong khi Nghệ An xưa nay được mệnh danh là đất học, nơi mà chuyện thi thố khoa cử, học hành để lấy được tấm bằng ĐH luôn được các gia đình ưu tiên hàng đầu. Nhưng thời gian qua, những con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở nước ta có năm lên đến trên 200.000 ngàn người đã khiến cho nhiều phụ huynh, học sinh nhìn lại con đường kiến tạo công việc tương lai.

Tỷ lệ này chứng tỏ việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THPT tại tỉnh Nghệ An có hiệu quả. Quan điểm của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn con đường lập nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với hoàn cảnh gia đình , năng lực của bản thân.

tin hieu mung trong phan luong tuyen sinh dh cd nam 2016
Học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (ảnh TL)

Liệu tấm bằng ĐH có là chiếc chìa khóa thần kỳ như lâu chúng ta vẫn nghĩ, hay nó chỉ thần kỳ đối với việc thi tuyển công chức nặng bằng cấp như ở Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tấm bằng đại học chỉ là tấm giấy thông hành, nếu anh không làm được việc thì cũng bị sa thải ngay hoặc cũng chẳng vượt qua nổi vòng phỏng vấn.

Và trên thực tế, cánh cửa tuyển công chức ngày càng hẹp và nhu cầu tuyển dụng cũng nhỏ giọt qua từng năm. Trong khi các doanh nghiệp đang rất khát nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm việc chuyên nghiệp, được đào tạo có tay nghề cao, kỹ năng sống tốt, ngoại ngữ giỏi… chứ không phải một mớ lý thuyết suông mà nhiều lý thuyết cũng đã lỗi thời mấy chục năm so với thế giới.

Chợt nhớ đến diễn từ của GS Pierre Darriulat trong đêm nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh ở hạng mục Văn hóa – giáo dục tại TPHCM vào tháng 3 vừa qua. Ông thẳng thắn nói: Ngày nay, rất nhiều sinh viên đại học phải lãng phí 4 đến 5 năm quý giá nhất cuộc đời mình để nghe những bài giảng mà chất lượng của nó cách xa hàng dặm so với những gì mà họ đáng được học. Trong nhiều lớp vật lý hạt nhân, nhiều kiến thức lạc hậu mà tôi đã học cách đây 60 năm khi còn là sinh viên vẫn đang được giảng dạy. Trong hơn hai mươi năm qua, chúng ta vẫn chưa thể để đào tạo ra được một nhóm các kỹ sư, nhà khoa học những người có thể làm chủ được việc xây dựng, vận hành, khai thác và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta sẽ xây dựng trong tương lai.

Đồng thời, GS Pierre Darriulat cũng nói rất đúng về thực trạng nền giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay.Đại học ở Việt Nam được mô hình hoá như những đại học ở các nước phát triển cách đây 50 năm. Tuy nhiên, 50 năm đã qua và Việt Nam là một đất nước vẫn đang đấu tranh để phát triển sau nhiều thập kỷ chiến tranh và đói kém với những vết thương vẫn chưa lành.

“Chúng ta phải xem xét lại cần loại đại học nào để phục vụ tốt nhất cho lợi ích dân tộc. Chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến hướng nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ, để phát triển phải cần bao nhiêu công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư; cũng như vậy, phải xác định sự cân bằng tỉ lệ giữa các ngành nghề như thế nào: cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu y tá, bao nhiêu kiến ​​trúc sư, bao nhiêu giáo viên và bao nhiêu nông dân….”, GS Darriulat đưa lời khuyên.

Do đó, việc hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường rất quan trọng, giúp các em có cách nhìn thực chất về nhu cầu lao động của thị trường, biết năng lực mình đến đâu, sở trường – sở đoản là gì, năng lực tài chính gia đình như thế nào để có bước lựa chọn phù hợp nên học ĐH, CĐ hay học nghề để sau khi ra trường có việc làm ngay. Vì thế, câu chuyện xét tuyển ĐH – CĐ năm 2016 chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói, khi mà nhiều gia đình đang nhìn rõ vào thực tế hơn là chỉ chú trọng bằng cấp.

Hi vọng rằng, không chỉ ở Nghệ An mà sẽ có nhiều địa phương khác việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh ngay từ thời học THPT sẽ có tiến triển tốt. Học sinh và gia đình các em có thay đổi chứ không cứng nhắc quan niệm như trước đây, bằng mọi giá phải có bằng đại học.

T. Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.