Tín dụng đen “xuống phố”

07:00 | 01/03/2017

2,718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cứ vào khoảng trước và sau tết Nguyên đán, những mẩu rao vặt có nội dung kiểu: “Cho vay tín chấp, lãi suất thấp, không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn”; “Hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp trong 100 ngày”; “Cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày”... xuất hiện nhan nhản khắp các gốc cây, cột điện, bờ tường ở trên các đường phố Hà Nội. Không ít người đã rước họa vào thân khi tin tưởng vào phương thức vay tiền này, bởi phải gồng mình trả nợ với lãi suất rất cao.

Giả danh “tư vấn” tài chính

Trước và sau mỗi dịp tết Nguyên đán, nhiều người vì gia cảnh khó khăn, gánh nợ cuối năm phải trả, hay người có máu đỏ đen cờ bạc đã tay trắng sau những cuộc sát phạt đầu năm… do không có tài sản đảm bảo, không vay được từ ngân hàng, đã tìm đến tín dụng đen, núp bóng dưới cái tên “Tư vấn tài chính” nghe có vẻ rất chuyên nghiệp và tử tế để có tiền giải quyết số nợ đang gánh trên vai.

Thông qua nhiều hình thức, từ phát, dán tờ rơi nơi công cộng cho đến sử dụng mạng xã hội, đối tượng có tài sản cho vay tìm mọi cách tiếp cận người cần vốn. Để giải ngân dễ dàng, các đối tượng này đưa ra những điều kiện vay tiền hết sức “dễ dãi”. Người có nhu cầu vay tiền sẽ nhận được những lời mời chào rất thiện chí, như: cho vay không cần thế chấp, chỉ cần hộ khẩu Hà Nội; có thể vay từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng; hình thức thanh toán linh hoạt, từ trả góp hằng ngày đến trả theo thời hạn từ 3 tháng; “nhận tiền sau 15 phút”… Nhiều đối tượng cho vay có vẻ chặt chẽ hơn khi yêu cầu phải thế chấp một số loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, “sổ đỏ”.

Trong vai một người đang gặp khó khăn về tài chính, tôi gọi điện đến một số điện thoại có in trên tờ rơi dán ở trụ điện trên phố Tôn Đức Thắng. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh: cần 50 triệu để làm ăn mà không đủ điều kiện vay ngân hàng, muốn vay “nóng” ít ngày, người đàn ông tên Hưng trả lời ngắn gọn: “Nếu em có hộ khẩu Hà Nội hoặc giấy tờ nhà chính chủ thì được, muốn vay bao nhiêu cũng có”. “Thủ tục và lãi suất thế nào hả anh?” - tôi hỏi. “À, bọn anh cần xác minh giấy tờ của em và ngó qua nhà em đang ở là xong. Lãi suất thì cứ 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày” - người đàn ông tên Hưng trả lời.

Tôi tính nhanh: Như vậy là lãi suất 15%/tháng. Thắc mắc sao lãi suất cao thế, Hưng trả lời: “Thì bọn anh đưa cho em cả đống tiền mà chỉ cầm lại một mảnh giấy, rủi ro cao như vậy nhỡ em “bùng”, ai chịu cho anh?”. Thấy tôi ngập ngừng, người đàn ông này bảo: “Em cứ suy nghĩ thêm, nếu không thì vay kiểu “bốc họ”: 60 ăn 50: em cầm 50 triệu và nộp cho anh mỗi ngày 1 triệu trong vòng 60 ngày”. Như vậy, nếu vay 50 triệu thì trong vòng 60 ngày sẽ “bốc hơi” mất 10 triệu đồng vào tay chủ nợ này!

tin dung den xuong pho

Đem câu chuyện của mình kể cho một người có thâm niên trong ngành “tín dụng” tên Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) - người quen của bạn tôi, thì được anh Minh giải thích cặn kẽ: Thường người quen thân lãi suất khoảng 5.000-6.000 đồng/1 triệu/1 ngày, còn đa số cho vay với mức 10.000 đồng. Nhiều người khi vay còn mơ hồ về lãi suất, đến lúc chậm trả, lãi mẹ đẻ lãi con mới tá hỏa lên thì đã muộn. “Có trường hợp vay của chủ 300 triệu đồng, đã trả dần hơn 1 năm được gần 200 triệu rồi. Thế mà chủ nợ thông báo số tiền phải trả vẫn còn khoảng 200 triệu nữa” - Minh kể.

Đây chính là lý do nhiều người kiệt quệ, phá sản vì trót nhẹ dạ vay tín dụng đen. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, các con nợ mất khả năng thanh toán thì chủ nợ bắt đầu đe dọa, cưỡng chế tài sản, gạ bán rẻ nhà đất... Và chính vì mức lãi suất cắt cổ như trên, nhiều chủ nợ vẫn hằng ngày, hằng giờ sống sung túc nhờ “hút máu” các con nợ.

Lỗ hổng pháp lý

“Khó vay vốn ngân hàng” là câu đầu tiên các nạn nhân nhắc đến khi nói về lý do tìm đến tín dụng đen. Đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có mục đích vay vốn chính đáng hoặc do sống ở nông thôn. Hơn nữa, để vay được mức lãi suất thấp tại ngân hàng sẽ bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện khắt khe, thủ tục rất rườm rà. Thế nên, rõ ràng việc nhiều người tìm đến tín dụng đen với thủ tục vay nhanh gọn là điều dễ hiểu.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Tạ Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và liên danh) cho hay: “Thủ tục cho vay qua tín dụng đen rất nhanh gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ vay tiền. Hình thức thông thường để bảo đảm thanh toán được các bên hợp thức bằng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, sử dụng đất. Một số trường hợp khác, người vay làm hợp đồng ủy quyền bên cho vay tín dụng đen toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất, như để họ được giữ sổ đỏ theo hình thức thế chấp tài sản”.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội: Năm 2016, thành phố đã xảy ra 192 vụ việc liên quan đến hoạt động “giải họ”, “bốc họ”.

Theo Luật sư Tuấn, cách làm này có độ rủi ro rất lớn cho người đi vay, thực tế là đã có hàng loạt người mất nhà vì vay tiền thế chấp kiểu này. Nhiều người chỉ biết một nguyên tắc cơ bản là mua bán thì phải có giao nhà cho người mua, nhận tiền của họ.

“Điều này cũng được quy định trong Bộ luật Dân sự. Vì thế họ cứ ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất mà không lường đến hậu quả xảy ra. Nhưng giao dịch thực giữa bên đi vay tín dụng đen và bên cho vay lại không có việc giao nhận tiền, nhà, hay nói cách khác, họ ký hợp đồng nhưng không thực hiện hợp đồng. Một số người thậm chí còn kém hiểu biết tới mức nghe theo lời các công ty tín dụng đen ký sẵn vào giấy tờ khống (sau này sẽ được phía cho vay hợp thức hóa thành các chứng từ gây bất lợi cho người vay)” - Luật sư Tạ Anh Tuấn nói.

Cũng theo Luật sư Tuấn, mặc dù biết 100% các hoạt động vay vốn ngoài ngân hàng vi phạm pháp luật về lãi suất nhưng chúng ta cũng không xử lý được triệt để. Vì nếu xảy ra vi phạm về lãi suất, luật dân sự cũng chỉ xử lý ở mức độ: Không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt trần, như vậy lãi suất 14% hay 100% là như nhau. Luật hành chính cũng không có quy định xử phạt những trường hợp cho vay lãi suất vượt trần như quy định lại Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Hình sự có một điều khoản về tội cho vay nặng lãi. Điều 163 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất bóc lột thì phạm tội cho vay nặng lãi. Như vậy có thể hiểu: quá gấp rưỡi lãi suất cơ bản là vi phạm, nhưng phải quá 10 lần thì mới bị truy tố. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “có tính chất chuyên bóc lột”.

“Chính vì những lỗ hổng pháp lý nói trên nên rất khó để phân biệt giữa tín dụng đen và quan hệ cho vay dân sự thông thường và vì thế tội phạm tín dụng đen vẫn không thể kiểm soát được” - ông Tuấn phân tích.

Cẩm Tú

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc