Tìm thị trường cho rau quả Việt

07:10 | 17/02/2015

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 1/2015 đã có 8 lô nhãn xuất khẩu sang Mỹ. Dự kiến, trong thời gian tới nhiều loại trái cây như xoài, thanh long, măng cụt, mận, nho… hay các loại hoa như hồng, cẩm chướng sẽ được xuất sang nhiều nước.

Nhiều loại rau, quả Việt Nam đang được nhiều thị trường quốc tế "bật đèn xanh"

Làm mới thị trường nội địa

Trong năm 2014, những thông tin về nông sản “bẩn” như rau còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cao, miến dong không đảm bảo vệ sinh, thịt lợn nhiễm chất cấm... khiến người tiêu dùng không tránh khỏi hoang mang mỗi khi đi chợ. Một bộ phận các gia đình khá giả dần chuyển sang mua nông sản, thực phẩm nhập khẩu, từ hoa, trái cây cho đến đồ ăn tươi sống hằng ngày.

Tuy nhiên, do đặc thù của sản xuất nông sản, nên dù quy trình sản xuất được kiểm soát ngặt nghèo đến mấy cũng chỉ giảm thiểu rủi ro, chứ khó có thể đảm bảo 100% sản phẩm luôn luôn bảo đảm an toàn.

Bằng chứng là ngay đầu năm 2015, Việt Nam đã phải ra lệnh ngừng nhập hoa quả từ Australia do nạn ruồi đục trái cây ở nước này chưa được kiểm soát.

Trái cây Australia vốn nổi tiếng về việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) kỹ lưỡng, nhưng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng do tình hình sâu bệnh diễn biến thất thường, có thể là do biến đổi khí hậu...

Chính những điều nói trên đã nảy sinh nhu cầu cấp thiết với thông tin cụ thể và minh bạch về xuất xứ cũng như quá trình sản xuất các loại nông sản. Đây cũng là xu hướng nhiều địa phương tập trung để làm mới thị trường nội địa.

Ngay tại Hà Nội, trong năm 2014, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (XTTMNN) Hà Nội đã phối hợp với Ban Kinh tế (Hội LHPN Hà Nội) tổ chức chương trình nâng cao kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho 600 hội viên phụ nữ các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hai Bà Trưng...

Không chỉ đến các vùng rau, Trung tâm XTTMNN Hà Nội còn tổ chức cho các bà nội trợ đến thăm trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, mua thực phẩm hữu cơ và các nông sản đã qua chế biến.

Các bà nội trợ đã được "mắt thấy tai nghe" về quy trình sản xuất miến dong, bún khô hoàn toàn bằng máy móc với hệ thống lò sấy hơi hiện đại; được hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt sản phẩm miến, bún an toàn trên thị trường.

Thực tế, so với năng lực sản xuất, số lượng rau xanh hay nông sản, thực phẩm mà các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch bán cho các bà nội trợ của những đoàn tham quan như trên còn rất khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận tín hiệu tích cực mà chuyến đi đã mang lại. Đó là người tiêu dùng đã biết nhận diện sản phẩm nông nghiệp an toàn, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc của Thủ đô, là những đơn hàng ngày một nhiều hơn, là niềm tin ngày một trọn vẹn nơi các bà nội trợ.

Ông Nguyễn Xuân Hoản, Phó Giám đốc Trung tâm XTTMNN Hà Nội chia sẻ: “ATTP ngày càng trở thành mối lo ngại lớn của xã hội, là niềm băn khoăn của những bà nội trợ trước mỗi bữa cơm gia đình. Thế nên, việc tổ chức cho chị em tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn, cũng như tiếp cận được các kênh phân phối nông sản, thực phẩm sạch là điều rất cần thiết. Hà Nội đã nỗ lực xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng”.

Thông qua việc thăm mô hình thực tế, mỗi bà nội trợ sẽ trở thành một tuyên truyền viên giúp cho những người xung quanh biết được về sản phẩm nông nghiệp sạch của Hà Nội. Đó chính là kỳ vọng không hề xa vời của những nhà quản lý nông nghiệp.

Các đoàn công tác về VSATTP tăng cường tới các chợ đầu mối để kiểm soát chất lượng hoa quả trên thị trường. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tín hiệu vui từ xuất khẩu

Việc sản xuất nhiều mặt hàng nông sản đã được đánh giá là đạt “đỉnh” về năng suất đang đưa ngành Nông nghiệp đứng trước yêu cầu gay gắt về việc đảm bảo và phát triển về chất lượng để có giá trị nông sản cao hơn.

Trong năm 2014, việc bắt tay chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT với các địa phương đã giúp việc tiêu thụ nông sản có nhiều chuyển biến tích cực.

Đơn cử như câu chuyện về vải thiều ở Bắc Giang và Hải Dương năm qua đã giànhthắng lợi ngoạn mục. Sản lượng quả vải năm  2014 là 242.000 tấn (tăng 27,3% so với năm 2013). Mùa vụ 2014, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều nội địa của 2 tỉnh đã đạt 2.750 tỷ đồng.

Lượng vải thiều đã được tiêu thụ “gọn nhẹ” ngay trong mùa vụ, bởi ngay từ khi sản xuất, Bộ NN&PTNT đã ước tính về sự được mùa của vụ vải này và phối hợp kịp thời với Bộ Công Thương.

Ngay trong tháng 6 (mùa tiêu thụ vải), Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang tạo điều kiện, khuyến khích cho các thương nhân xuất vải quả tươi qua các cửa khẩu biên giới, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh.

Thị trường xuất khẩu rau, hoa, quả đang tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, vào cuối tháng 12/2014, một lô nhãn tươi đã xuất sang Mỹ và trong hai tuần đầu tháng 1/2015, có thêm 8 lô nhãn đã tiếp tục xuất qua đây.

Ông Đạt cũng cho hay nhiều khả năng trong thời gian tới, xoài và vú sữa sẽ được Mỹ cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường này.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết một loạt các thị trường đã mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam.

Cụ thể, phía Australia đã qua kiểm tra 2 nhà máy chiếu xạ của Việt Nam để xem xét cấp phép cho trái xoài, thanh long xuất sang quốc gia này.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với Nhật Bản để nối lại việc xuất khẩu thanh long, xoài theo hướng xử lý nước nóng. Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ xuất khẩu xoài. 

Măng cụt, mận cũng đang hoàn tất thủ tục đánh giá bước đầu để được "cấp visa" vào Trung Quốc. Thanh long sẽ được xuất khẩu vào New Zealand.

Đối với mặt hàng hoa, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, hiện cán bộ của Cục đã gửi  hồ sơ kiểm dịch sang Ấn Độ cho 4 loại hoa (hoa hồng, cẩm chướng, hoa cúc và cát tường) để hoàn thiện thủ tục. Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay, 4 loại hoa này sẽ được xuất sang thị trường Ấn Độ.

Đây là tín hiệu khả quan khởi đầu một năm xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam.

Theo Báo điện tử Chính phủ