Tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm kỷ lục

19:00 | 08/02/2017

900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thống kê mới nhất cho thấy, nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm 2016 ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Điều này cho thấy dự báo về khả năng hạ cánh cứng của nền kinh tế Trung Quốc là có thể xảy ra.
tieu thu dau cua trung quoc giam ky luc
Một giàn khoan dầu của Trung Quốc

Hãng tin Reuters ngày hôm nay (8/2) dẫn số liệu từ các viện nghiên cứu quốc tế cho biết, nhu cầu dầu của Trung Quốc năm 2016 tăng với tốc độ chậm nhất trong 3 năm gần đây. Cụ thể, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc giảm xuống 2,5% trong năm 2016, giảm từ 3,1% trong năm 2015 và 3,8% trong năm 2014. Trong khi nhu cầu dầu Diesel giảm mạnh thì tiêu thụ xăng và khí LPG lại tăng với 3,6% và 2,4%.

Harry Liu, Phó giám đốc thị trường dầu mỏ của IHS Energy cho biết, sức tiêu thụ diesel đã bị thiệt hại bởi giai đoạn lũ lụt kéo dài trong quý 2 và nhu cầu ít hơn từ lĩnh vực logistic do hiệu quả tiếp tục cải thiện.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 chỉ đạt mức tăng trưởng 6,7%, mức thấp nhất trong 26 năm.

Dự báo, nhu cầu về dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay do nền kinh tế này thoát đáy và các ngành công nghiệp khai thác mỏ đang làm sống lại nhu cầu nhiên liệu cho xe tải và máy đào. Nhu cầu dầu mỏ là tổng lượng nhập khẩu ròng nhiên liệu đã xử lý và lượng dầu thô trong nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng” (thuật ngữ chỉ tình huống khi nền kinh tế của một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó suy thoái).

Bắc Kinh trong vài năm gần đây đang tìm cách tái cân bằng hình mẫu tăng trưởng, chuyển từ “công xưởng thế giới” sang tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ mới và tiêu dùng nội địa.

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn lời tỷ phú, nhà đầu cơ nổi tiếng George Soros cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc hạ cánh cứng - một tình huống sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát triển toàn cầu.

"Khả năng Trung Quốc hạ cánh cứng là cao, do nền kinh tế này đang dư thừa quá mức và điều chỉnh cung cầu sẽ gây ra một cú sốc. Vấn đề cấp bách hơn là Trung Quốc không thể sử dụng chính sách tiền tệ để nới lỏng như cách nước này đang dùng để bình ổn nội tệ được", Etsuro Honda, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe, cho biết.

Tuy nhiên, ông Xu Shaoshi, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), khẳng định, chính quyền Trung Quốc sẽ dốc mọi nguồn lực để cứu nền kinh tế, không để Trung Quốc hạ cánh cứng vì kinh tế gắn liền với chính trị. Khả năng tập trung nguồn lực tài chính của Trung Quốc là rất lớn nên chắc chắn kinh tế nước này sẽ không sụp đổ nhưng cuộc vật lộn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên.

"Việc chuyển đổi một mô hình kinh tế khổng lồ như Trung Quốc phải mất ít nhất 1-2 thập niên, cơn đau đẻ ấy rất khủng khiếp nhưng Trung Quốc sẽ không sụp đổ", ông Xu nhấn mạnh.

Nh.Thạch

Tổng hợp