Tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty

09:13 | 05/12/2011

3,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính phủ đang xây dựng và xin ý kiến hoàn thiện Dự thảo quy định về tiêu chí đặt tên các tập đoàn và tổng công ty...

Theo Dự thảo bộ tiêu chí này, doanh nghiệp được sử dụng cụm từ “tập đoàn” để cấu thành tên doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

- Có vốn điều lệ từ 1.000 (một nghìn) tỉ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 (năm) công ty khác;

- Được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Còn tên “tổng công ty” được sử dụng để cấu thành tên doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

- Có vốn điều lệ từ 500 (năm trăm) tỉ đồng trở lên và có góp vốn ít nhất tại 3 (ba) công ty với tỉ lệ góp vốn chiếm trên 50% vốn điều lệ của các công ty đó.

Việc đặt tên doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34 Luật Doanh nghiệp và Chương III Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Việc sử dụng cụm từ “tập đoàn”, “tổng công ty” trong đặt tên doanh nghiệp thực hiện theo một trong hai cấu trúc sau:

a – Loại hình doanh nghiệp + tổng công ty, tập đoàn + tên riêng của doanh nghiệp;

b – Tổng công ty, tập đoàn + tên riêng của doanh nghiệp + loại hình doanh nghiệp.

Tên gọi của tập đoàn kinh tế Nhà nước thí điểm thành lập theo Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tên gọi của tổng công ty trong tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty thuộc đối tượng của Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty Nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Với những quy định trên, rõ ràng đã cho thấy dự thảo bước đầu định hình được những tiêu chí căn bản khá rõ ràng với tư cách chuẩn mực cần thiết cho việc đặt tên các doanh nghiệp nhằm phản ánh đúng thực lực, tầm vóc và xu hướng phát triển của doanh nghiệp, nhằm khắc phục hiện tượng tự phong, lạm phát và lạm dụng tên gọi sao cho thật “hoành tráng” đang có xu hướng gia tăng thời gian qua, cũng như đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn và tổng công ty trong bối cảnh mới.

Như vậy, điểm mấu chốt để xếp hạng các “đẳng cấp” tên gọi tập đoàn hay tổng công ty, về thực chất vẫn là quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp sẽ được “ngồi chiếu trên” nếu có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng và được đích danh Thủ tướng trực tiếp phê duyệt.

Tuy nhiên, một số điểm lỏng cần lưu ý bổ khuyết của bộ tiêu chí này là:

Thứ nhất, chưa quy định rõ việc Chính phủ sẽ căn cứ vào đâu để quyết định đồng ý hay không đồng ý cho phép một doanh nghiệp được hay không được mang tên tập đoàn, nếu nó đáp ứng đủ yêu cầu là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 công ty khác. Cần nhấn mạnh rằng, việc quy định bổ sung này là cần thiết, vì không chỉ tạo căn cứ pháp lý thuận tiện, công khai và thống nhất cho việc ra quyết định của Thủ tướng, mà còn để tránh sự lạm dụng và tăng tính minh bạch trong quản lý Nhà nước và môi trường đầu tư đối với doanh nghiệp.

Thứ hai, chưa có quy định về doanh nghiệp thành viên mà tập đoàn hay tổng công ty buộc sở hữu trên 50% vốn của chúng theo hướng để tránh sự lách luật dễ dàng bằng cách: Doanh nghiệp muốn có tên tập đoàn hay tổng công ty sẽ lập ra dăm ba công ty thành viên “dưới chuẩn”, thậm chí doanh nghiệp “ma” với số vốn tượng trưng, để dễ đạt mức yêu cầu về mức sở hữu vốn của chúng.

Thứ ba, chưa có quy định rõ hơn về trạng thái và yêu cầu quản lý vốn điều lệ, tránh việc khai man hay góp vốn rồi lại rút ra trên thực tế, kiểu góp vốn tượng trưng và tạo sự sai biệt quá lớn giữa vốn sổ sách với thực tế nguồn vốn điều lệ của tập đoàn hay tổng công ty.

Một bộ tiêu chí đặt tên tập đoàn và tổng công ty là cần thiết, nhưng nếu không cẩn thận lại dễ gây tăng căn bệnh hình thức và cơ chế xin – cho, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp, thậm chí làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh và sự lãng phí xã hội không đáng có trong thực tế…

Nguyễn Minh