Tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO (Kỳ 2)

07:26 | 10/06/2016

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mô hình ESCO xuất hiện lần đầu vào những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đầu chỉ là một số công ty ESCO ở Mỹ, nhưng sau đó lan rộng ra các nước phát triển và gần đây là các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan…

Ở Việt Nam, phải đến năm 2012, mô hình ESCO mới xuất hiện với công ty dịch vụ năng lượng đầu tiên - Viet ESCO ra đời. Tuy mới xuất hiện không lâu, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý, mô hình ESCO sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết một cách căn bản bài toán tiết kiệm năng lượng, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thiểu phát thải CO2... Và một điều quan trọng, qua mô hình ESCO, nhận thức của doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng cũng như các giải pháp về tiết kiệm năng lượng sẽ được nâng cao.

tiet kiem nang luong theo mo hinh esco ky 2
Hệ thống chiếu sáng trong khu chế biến của Caseamex

Mặc dù được đánh giá là hiệu quả, là giải pháp tối ưu cho bài toán tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp (DN) nhưng vì đây là lĩnh vực mới, còn lạ lẫm với DN nên để triển khai ESCO một cách rộng rãi là không hề đơn giản. ESCO được hiểu là hình thức đầu tư kinh doanh trên phần năng lượng sử dụng của DN. Doanh thu của ESCO chính là phần chi phí tiết giảm được từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN. Và căn cứ vào phần doanh thu này cũng như các chi phí quản lý, vận hành hệ thống ESCO, ESCO và DN sẽ ngồi với nhau để thỏa thuận mức khấu hao, thời gian thu hồi vốn, phần lợi nhuận của nhà đầu tư… Trên sự thỏa thuận này, sau 5 năm, 10 năm và có thể là 20 năm… mô hình ESCO sẽ được nhà đầu tư chuyển giao cho DN.

Cái lợi của ESCO với DN như vậy là rất lớn. Nhưng về phía nhà đầu tư thì lại vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, những khó khăn, thách thức đó là việc thiếu các quy định, cơ chế, nhân sự, chính sách pháp lý… và đặc biệt là huy động vốn để triển khai các dự án ESCO. Đó là sự lúng túng của các ngân hàng khi tiến hành thẩm định các dự án ESCO. Chính vì vậy, để nhân rộng, triển khai có hiệu quả mô hình ESCO thì rất cần có sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách… đối với các dự án ESCO.

Và trong khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Tuấn đã thông tin, EVN với vị trí, vai trò là đơn vị chủ lực, nòng cốt trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia đã xác định “phát triển mô hình ESCO là 1 trong 6 nội dung hoạt động trọng điểm của Tập đoàn”. Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn yêu cầu 5 tổng công ty điện lực phải triển khai ít nhất là 10 mô hình ESCO/năm trên địa bàn mình quản lý. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, EVNNPC đã có văn bản chỉ đạo các điện lực rà soát, làm việc với các khách hàng, DN tiềm năng… để xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình ESCO trên địa bàn của Tổng công ty.

Được biết, mô hình ESCO đã được EVN giao Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thí điểm thành lập Công ty Dịch vụ năng lượng từ năm 2015. Và việc thí điểm được thực hiện thông qua các dự án lắp đặt giàn nước nóng năng lượng mặt trời cho khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ trên 20.000kWh/tháng. EVN sẽ đầu tư tài chính hoặc giữ vai trò trung gian kết nói giữa ESCO với khách hàng. Cùng tham gia với EVN trong việc triển khai mô hình ESCO thí điểm này còn có Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) - một trong những DN hàng đầu về cung cấp giải pháp toàn diện về máy nước nóng năng lượng mặt trời.

Thí điểm mô hình này, EVNSPC đã ký được một số hợp đồng cung cấp dịch vụ nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tại các DN phía Nam, trong đó có Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex). Kết quả ghi nhận sau 1 năm thí điểm cho thấy, Caseamex đã tiết kiệm được 240.000kWh/năm, tương đương 390 triệu đồng, giảm 136 tấn CO2/năm... Và theo thống kê chung, việc sử dụng bình nước nóng mặt trời đã tiết kiệm ít nhất 60% so với chi phí nhiên liệu cho nước nóng/gia nhiệt sử dụng điện.

Ông Nguyễn Phước Đức - Phó tổng giám đốc EVNSPC tại lễ tổng kết thí điểm mô hình ESCO đã nhấn mạnh, ESCO không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn mang lại những hiệu quả to lớn về mô trường, xã hội như giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao nhận thức của DN, cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Mục tiêu được EVN đặt ra là trong giai đoạn này, mỗi năm Tập đoàn sẽ triển khai tối thiểu 50 dự án ESCO tại 5 tổng công ty điện lực và mọi khách hàng đều có thể là đối tượng thực hiện của dự án. Trước mắt, EVN sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư, các tổng công ty điện lực lập dự án, đầu tư và quản lý với nhiều sản phẩm như pin năng lượng mặt trời, chiếu sáng… Và trong quá trình triển khai, EVN sẽ nghiên cứu mô hình hoạt động của ESCO qua các dự án cụ thể để đề xuất kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp, giúp mô hình này phát triển tại Việt Nam.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 530

  • el-2024