Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

10:04 | 04/08/2015

3,013 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31/7/2015. Báo Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo các đơn vị tại Đại hội.

Nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ đảng viên trẻ của Tập đoàn

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Hiện nay, Tập đoàn đang có những khó khăn vừa khách quan, vừa chủ quan. Tất cả đảng viên cũng như toàn bộ những người lao động Dầu khí cần cố gắng, đồng tâm hiệp lực, vượt qua những khó khăn này để hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Tham dự Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tôi rất vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của ngành Dầu khí. Tất nhiên tôi hiểu rằng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, người lao động Dầu khí hiện nay đang phải nỗ lực rất nhiều. Trước kia, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để chúng tôi được đi học tập ở nước ngoài. Còn bây giờ việc đào tạo của ngành Dầu khí đã được tiến hành bài bản, đồng bộ và có chiều sâu. Nhưng với ngành Dầu khí, nếu chỉ có kiến thức thì chưa đủ mà còn phải có ý chí, khát vọng và đặc biệt đó là tinh thần trách nhiệm cao đối với từng công việc nhỏ nhất.

Thế hệ đảng viên hôm nay đã có những phẩm chất mà thế hệ chúng tôi còn thiếu, đó là trình độ khoa học kỹ thuật cao, giỏi ngoại ngữ, được tiếp xúc và được làm việc ở những môi trường tốt nhất. Cũng xin nói thêm, môi trường tốt ở đây có thể là những nơi cực kỳ gian khổ như ở sa mạc Sahara, vùng cực bắc nước Nga, vùng rừng rậm Amazon… Nhưng đó lại chính là những trường nghề lớn và đó là nơi thử thách ý chí, bản lĩnh của người Dầu khí Việt Nam.

Chúng tôi, những người đi trước rất mong muốn các bạn trẻ áp dụng khoa học kỹ thuật để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ rất khó khăn hiện nay và trong quá trình hội nhập, chúng ta phải vượt qua cạnh tranh trong nước và quốc tế, làm thế nào hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Thắng: Tôi rất tự hào về đội ngũ đảng viên Dầu khí

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Ngành Dầu khí Việt Nam có lịch sử rất non trẻ so với các nước trong khu vực, nhưng với truyền thống của những người đi tìm lửa, trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta đã xây dựng được một nền công nghiệp dầu khí đồng bộ và đang dần hoàn thiện từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến, lọc - hóa dầu, tồn trữ, phân phối.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần I nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đưa ra những phương hướng và giải pháp cho những năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí 2016 - 2025. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã đạt được những thành quả rất lớn, thể hiện ở sự phát triển đồng bộ ở tất cả các khâu từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến, lọc - hóa dầu, công nghiệp điện, công nghiệp khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Nếu như vốn điều lệ của Tập đoàn trong giai đoạn 2006 là khoảng trên 75 nghìn tỉ đồng, đến đầu nhiệm kỳ thứ I (2010 -2015), Thủ tướng Chính phủ đã giao cho chúng ta vốn điều lệ là 178 nghìn tỉ đồng và đến cuối nhiệm kỳ này, trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần II, vốn điều lệ của chúng ta là gần 350 nghìn tỉ đồng, kể cả vốn chủ sở hữu, tức là tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Điều này thể hiện sự đầu tư rất lớn và sức mạnh của một tập đoàn kinh tế.

Theo tôi nghĩ, trong tương lai, chúng ta sẽ phải tiếp tục đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí với sự chỉ đạo quyết liệt. Từ phát triển tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, có sản phẩm dầu, khí, chúng ta sẽ phát triển thêm công nghiệp lọc - hóa dầu, công nghiệp điện sử dụng khí và chế biến khí sâu, xây dựng các cụm khí - điện - đạm, cũng như phát triển các dịch vụ kỹ thuật dầu khí hỗ trợ. Đặc biệt, ngành Dầu khí Việt Nam đã hội nhập từ lâu, kể từ khi thành lập và đến nay vẫn sẽ tiếp tục hội nhập để có những quan hệ kinh tế với bên ngoài và quan hệ với các đối tác, đặc biệt là ở những khu vực có tiềm năng dầu khí trên thế giới mà chúng ta đã có những quan hệ về kinh tế, chính trị khá tốt.

Là một đảng viên lớp trước, tôi mong muốn Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống của những người đi tìm lửa, xây dựng ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng ngày một phát triển vững bền.

Tôi tin tưởng, tự hào rằng, lớp trẻ, các đảng viên, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Tập đoàn - lực lượng tri thức có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo rất bài bản, nhận thức đúng, có tinh thần hăng say trong công việc sẽ là những người kế tục tốt nhất sự nghiệp vẻ vang của các lớp đàn anh đi trước, đưa ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ hơn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) Lê Như Linh: Áp dụng mô hình quản trị tiên tiến của thế giới trong quản trị doanh nghiệp

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, mặc dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc, PV GAS đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu chính được giao. Cụ thể: Sản lượng khí thu gom và đưa về bờ đạt 47 tỉ m3, vượt kế hoạch gần 7%; sản xuất và tiêu thụ khí khô đạt 46,4 tỉ m3, vượt 8% kế hoạch; LPG và condensate sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ đều vượt mức kế hoạch từ 9- 14%; các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế đều vượt từ 30-80% kế hoạch… Đặc biệt, chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 29.000 tỉ đồng, vượt 94% kế hoạch được giao.

Cũng từ sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, PV Gas đang hoàn thiện Kế hoạch phát triển Tổng Công ty Khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2035, theo hướng hiện đại và bền vững. Đảng ủy Tổng công ty xác định việc chỉ đạo công tác đầu tư là 1 trong 4 giải pháp đột phá và đây cũng là nội dung Đảng ủy Tập đoàn tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện.

Công tác tái cấu trúc, đổi mới doanh nghiệp cũng được hết sức chú trọng và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn. Trong nhiệm kỳ mới (2015 - 2020) của Đảng bộ PV Gas, chúng tôi sẽ áp dụng mô hình quản trị tiên tiến của thế giới trong việc quản lý doanh nghiệp, mạnh dạn thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài tham gia trực tiếp vào việc quản lý các lĩnh vực thiết yếu; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa doanh nghiệp, PV Gas coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đổi mới doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng nữa cần nói tới, đó là từ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy Tập đoàn, Đảng bộ PV Gas đã xác định việc đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng. Cụ thể, đó là đổi mới tư duy lãnh đạo, điều hành và quản lý theo hướng bám sát công việc, có tiến độ cụ thể cho từng công việc, tìm tòi nhiều biện pháp để thực hiện công việc một cách nhanh và hiệu quả nhất theo tinh thần “Việc hôm nay không để ngày mai, kiên quyết không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy; hết sức, hết lòng, tận tâm, tận lực vì công việc chung, vì sự phát triển của PV Gas theo đúng tinh thần chủ đề của Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Khí Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra: “Đồng tâm hiệp lực, phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Hoàng Ngọc Đang: Linh hoạt, sáng tạo trong sinh hoạt Đảng

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Hoạt động của Đảng bộ PVEP trải rộng cả trong nước và nước ngoài; đa dạng loại hình tổ chức Đảng ở trong doanh nghiệp Nhà nước và các công ty liên doanh, liên kết có yếu tố nước ngoài, nên việc tổ chức triển khai các nội dung nhiệm vụ của Đảng bộ cũng đặt ra những yêu cầu riêng trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch công tác.

Do đặc thù hoạt động của đơn vị trải rộng như vậy nên nhiều người cho rằng, công tác Đảng của PVEP sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, PVEP luôn tìm ra những phương thức hoạt động phù hợp nhất để thích nghi với hoàn cảnh. Hiện tại, cái “được” nhất của Đảng bộ PVEP là nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đảng bộ PVEP hoạt động dựa trên nguyên tắc là Đảng lãnh đạo toàn diện và vai trò lãnh đạo của Đảng không tách rời những vai trò khác. Chính nhờ mô hình này mà hoạt động, chỉ thị của Đảng, cũng như chính quyền được xuyên suốt từ trên xuống dưới. Các đồng chí trong ban chấp hành thường kiêm nhiệm cả công tác Đảng với công tác sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều này, chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên tịch để kịp thời tuyên truyền, chỉ đạo các vấn đề lớn của Tập đoàn.

Thực ra làm công tác Đảng là làm công tác tư tưởng. Như mọi người cũng biết, để giải quyết một vấn đề nào đó thì quan trọng nhất là đả thông được tư tưởng. Hoặc phải biết tuyên truyền, chuyển tải thông tin, bởi không phải CBCNV nào cũng nắm bắt được những điều mà lãnh đạo đang trăn trở, nhất là giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đảng bộ PVEP mong muốn sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của Đảng đối với đội ngũ CBCNV trẻ.

Thời gian tới PVEP bắt đầu đi vào khai thác hai cụm công trình là Cụm H5 của mỏ Tê Giác Trắng và Dự án Bir Seba ở Algeria. Tại đây, chúng tôi cũng đã có chi bộ hoạt động. Thực tế thì không chỉ ở Algeria mà các chi bộ của PVEP ở các quốc gia khác đều phải khắc phục khó khăn bằng cách sinh hoạt Đảng sáng tạo. Tất nhiên, vẫn dựa trên nguyên tắc là đảm bảo tính thống nhất của Đảng bộ PVEP.

Nhiều người nghĩ rằng, làm công tác Đảng là máy móc và cứng nhắc. Với PVEP, Đảng ủy Tổng Công ty luôn xác định, không biến công tác Đảng thành một thứ tôn giáo nguyên tắc và cứng nhắc, mà luôn phải sáng tạo làm cho Đảng có sức sống. Thành tích trong công tác Đảng của PVEP hiện tại không chỉ là sáng kiến, sáng chế mà là tư tưởng, phải đảm bảo một nội bộ đoàn kết, đảm bảo một môi trường lao động kỷ cương nhưng thân ái, xây dựng một tập thể mà ở đó có sự tin tưởng lẫn nhau, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung…

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang: Phải mở rộng công nghiệp chế biến dầu khí!

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Hiện nay, có thể nói rằng, ngành công nghiệp chế biến dầu khí của chúng ta đã bắt đầu được hình thành với nòng cốt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phân xưởng hóa dầu, sản xuất hạt nhựa polypropylene, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, 2 nhà máy đạm. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ, thậm chí còn rất yếu và ít. Việc trước mắt cần tập trung phát triển, đẩy mạnh khâu chế biến dầu khí. Đó cũng là tinh thần cơ bản trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung, cũng như nghị quyết, chiến lược của Đảng bộ Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói riêng.

Trong 5, 10 năm và định hướng 35 năm tới, chắc chắn chúng ta phải đẩy mạnh, nhân rộng và phát triển sâu hơn các mô hình nhà máy hóa dầu, để phát triển sản phẩm hóa dầu cũng như kinh doanh, buôn bán những loại sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho nền công nghiệp lọc hóa dầu. Qua đó nâng cao hiệu quả, chỉ số cạnh tranh tổng thể của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nói riêng, cũng như toàn bộ nền công nghiệp chế biến dầu khí nói chung.

Bằng cách này, chúng ta đã bắt đầu từng bước một thực hiện chuyển đổi, chuyển hướng mũi nhọn từ một nền công nghiệp dầu khí mà lâu nay dựa vào khai thác tài nguyên dầu khí, sang nền công nghiệp dầu khí thiên về khoa học công nghệ, để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ cho nhu cầu công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến mà dùng nguyên liệu đầu vào là 80-90% nguyên liệu của ngành công nghiệp lọc - hóa dầu.

Từ định hướng trên, hiện nay, chúng tôi đang bắt đầu những bước đi mạnh mẽ đầu tiên trong việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nâng công suất từ 6,5 triệu lên 8,8 triệu tấn/năm, nhưng quan trọng nhất là sử dụng được nguồn dầu thô chua hơn, nặng hơn nhưng giá thành lại rẻ hơn rất nhiều nguồn dầu thô Bạch Hổ chúng ta vẫn dùng. Qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu suất một cách tổng thể, đột biến, bởi vì nguồn dầu thô nước ngoài nhập khẩu vào được xử lý sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng nhà máy sẽ rẻ hơn rất nhiều nguồn dầu Dung Quất vẫn xử lý.

Bên cạnh đó, khi đã nâng cấp, mở rộng, để có công suất các sản phẩm đầu ra lớn hơn thì chúng ta sẽ đa dạng hóa sản phẩm cho nền công nghiêp hóa dầu. Những phân xưởng hóa dầu vệ tinh cũng được đồng thời nghiên cứu để khi nâng cấp, mở rộng nhà máy xong sẽ được đầu tư để có được những sản phẩm hóa dầu đa dạng và đáp ứng thiết thực nhất nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước. Nếu chúng ta nhân rộng mô hình Dung Quất ở các vùng lọc hóa dầu khác trong tương lai như Nghi Sơn, Nhơn Hội, Vũng Rô, kể cả trong và ngoài ngành Dầu khí như Long Sơn, thì sẽ có một nền công nghiệp lọc hóa dầu, chế biến dầu khí phát triển bài bản, rộng khắp trên cả nước, thực sự đi vào chiều sâu và tạo ra những sản phẩm không những tốt về chất mà còn nhiều về lượng. Qua đó phát triển cả các ngành công nghiệp liên quan đến lọc - hóa dầu.

Đó là con đường đúng, rất nhiều khó khăn, gian nan, nhưng tôi tin rằng, với Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần này, với quyết tâm của lực lượng đảng viên - đội ngũ tiên phong nòng cốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và của BSR nói riêng, chúng ta sẽ thực hiện thành công hướng phát triển này.

Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc Nguyễn Quỳnh Lâm: Phấn đấu đến cuối năm 2019, Lô B - Ô Môn có dòng khí đầu tiên

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội

Mục tiêu lớn nhất của công ty là sẽ thực hiện thành công Dự án khí Tây Nam theo các ý nghĩa: tiến độ, chất lượng và giá cả.

Nhiều khó khăn đang ở trước mắt bởi ở dự án này, chúng ta chỉ nắm 70% vốn và phần còn lại thuộc về các đối tác nước ngoài. Chúng tôi sẽ phải thuyết phục các đối tác nước ngoài làm sao để họ đi cùng hướng với mình, cho họ thấy hiệu quả kinh tế khi hợp tác với mình, để họ chia sẻ khó khăn cũng như thành công trong dự án này với chúng ta.

Khi thuyết phục được các đối tác nước ngoài, cùng với những mục tiêu, tiến độ và chỉ đạo của Nhà nước, chúng ta sẽ thực hiện dự án nhanh nhất có thể.

Về những khó khăn của Dự án khí Lô B - Ô Môn, ngoài vấn đề công nghệ, còn có một cái khó nữa là phải thích nghi với cách làm việc của các đối tác nước ngoài mới trong dự án này.

Nếu như ở Dự án Biển Đông 01, chúng ta được quyền tự chủ 100%, thì ở dự án này lại cần phải thỏa thuận được với các đối tác nước ngoài còn lại. Thứ hai là về công nghệ, nếu như ở Biển Đông nhiệt độ cao, áp suất cao thì ở dự án này, chúng ta phải khoan giếng khoan trong thời gian ngắn nhất, với chi phí rẻ nhất. Mỗi giếng khoan chỉ được quyền thực hiện khoan trong vòng 7 ngày, tính trung bình từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Đây là một khía cạnh khác về công nghệ, đặc biệt là công nghệ khoan.

Tiếng nói tâm huyết từ Đại hội
Các đại biểu trao đổi bên lề đại hội

Nếu mọi sự diễn biến thuận lợi, theo đúng dự định của chúng ta, sau khi thỏa thuận xong với đối tác nước ngoài và không vướng vấn đề lớn thì chúng ta sẽ bắt đầu xây lắp giàn vào giữa năm 2016, khoan vào giữa năm 2018 và đến cuối năm 2019 sẽ có dòng khí đầu tiên.

Nhóm Phóng viên

Năng lượng Mới 444

DMCA.com Protection Status