Tiếng cười cần phải có văn hóa

06:48 | 04/03/2017

1,533 lượt xem
|
Hiện tại, trên sóng truyền hình đang có khá nhiều chương trình hài chiếm sóng giờ vàng, thế nhưng số lượng đó không tỷ lệ thuận với chất lượng của hài kịch; thậm chí nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng thời trước còn đánh giá là hài Việt đang xuống cấp nặng nề…

Lý do là chương trình hài ra đời nhiều nhưng đa số là hài lạm dụng hình thức giả gái, nói tục, nhại giọng vùng miền, chọc cười bằng những tình huống lố bịch, phản cảm. Các tiểu phẩm hài chỉ quẩn quanh những kiểu như thế. Điều này không chỉ khiến khán giả xem hài ngao ngán mà còn là nỗi bức xúc của không ít nghệ sĩ hài chân chính. Đến mức, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã phải thốt lên rằng: “Chỉ trong 1 năm, các chương trình hài nhảm trên tivi đã quét sạch thành quả nghệ thuật gây dựng 15 năm của các sân khấu kịch, nghệ sĩ kịch Sài Gòn”!

Không chỉ là cốt chuyện nhạt, nhảm mà ngay cả một số nghệ sĩ hài cũng quá dễ dãi với việc mang lại tiếng cười cho khán giả. Ngày trước, hài kịch là phương tiện để qua đó người nghệ sĩ phản ánh hiện thực tiêu cực xã hội, hài của họ vẫn gây cười, nhưng đằng sau tiếng cười đó là những thông điệp, những giá trị. Đành rằng hài bây giờ có thể khác đi, khán giả cũng không quá đòi hỏi phải là hài thâm thúy, hài có triết lý hay câu chuyện gì của cuộc sống, song nhất định không thể là nhảm, tục như nhiều trường hợp hài mà báo chí đã phản ánh vừa qua.

Hài nhảm hoành hành, trách nhiệm thuộc về nhà quản lý, cả nghệ sĩ hài và khán giả. Nếu có định hướng, kiểm duyệt kỹ lưỡng và gắt gao hơn thì hài nhảm sẽ không còn đất sống, sẽ không xuất hiện nhan nhản trên sóng truyền hình giờ vàng. Nghệ sĩ nếu ý thức hơn về diễn xuất của mình, về mục tiêu mang lại tiếng cười tử tế cho khán giả thì không dễ dãi đến mức dùng những từ ngữ, hành động tục để diễn hài.

Và cuối cùng là khán giả, có một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ đang dễ dãi với tiếng cười, hay nói cách khác là quá dễ dãi với hài, thậm chí, hài càng nhảm thì lại càng được yêu thích. Chính điều này đã tạo môi trường sống tốt cho hài tục phát triển. Nhưng cũng khó trách khán giả, bởi ngay cả một cây hài nổi tiếng đình đám như Trấn Thành cũng tỏ ra dễ dãi với tiếng cười của mình trong chương trình “Thách thức danh hài” thì chuyện khán giả vẫn xem hài nhảm không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, để hài kịch hiện tại trở thành hài “sạch” thì ngoài trách nhiệm của nhà quản lý, nghệ sĩ thì sự tẩy chay của khán giả cũng là điều hết sức cần thiết. Người ta nói, nghệ thuật sống nhờ vào khán giả. Có nghĩa là nếu như bị khán giả quay lưng thì khi đó hài nhảm, tục ắt sẽ bị đào thải mà có khi chưa cần đến chuyện kêu gọi ý thức của nghệ sĩ hay sự mạnh nhẹ của các nhà quản lý. Như vừa rồi, nữ ca sĩ Hương Lan đã phản ứng quyết liệt khi đứng dậy bỏ về giữa chừng trong đám cưới ca sĩ Đình Bảo khi Việt Hương và Hoài Tâm diễn hài tục trên sân khấu. Và chắc rằng từ đây, diễn viên Việt Hương hay Hoài Tâm sẽ luôn nhớ về phản ứng này của Hương Lan mỗi khi lên sân khấu diễn hài.

Việt Hương đã lên tiếng xin lỗi khán giả và Hương Lan, nhưng qua đó để thấy rằng, khán giả cần có một hành động cụ thể như thế nếu muốn tẩy chay hài nhảm, muốn đánh động đến nghệ sĩ về chuyện diễn hài có ý thức. Còn một khi đám đông vẫn còn vỗ tay cười với những thể loại hài giả gái, nói tục thì hài đó vẫn còn lý do để hoành hành nghệ thuật hài hay sân khấu nói chung.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa nghệ sĩ về thực trạng của hài kịch hiện nay.

PGS.TS Phan An: Cười là một nét văn hóa

tieng cuoi can phai co van hoa
PGS.TS Phan An

PV: Là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, PGS so sánh gì về cái hài, tiếng cười ngày xưa so với hài nhan nhản trên sóng truyền hình ngày nay?

PGS.TS Phan An: Tiếng cười, thật ra là một nét văn hóa của người Việt. Người Việt mình cười rất đa dạng, vui cũng cười, buồn cũng cười, làm tốt cũng cười và làm bậy cũng có thể gây cười. Và trong văn hóa Việt Nam có cái gọi là tiếu lâm, tức là cười để giải trí nhưng tiếng cười đó cũng mang tính giáo dục xã hội thông qua việc phê phán những thói hư tật xấu; đồng thời, tiếng cười cũng có ý nghĩa hướng thiện con người. Đó là cười truyền thống, cười là nét văn hóa. Cũng giống như trong văn chương có bút pháp trào phúng, cũng là tiếng cười phê phán.

Ngày nay, một số chương trình hài trên truyền hình vẫn có những tác động tích cực về giáo dục, nó góp phần phê phán tiêu cực xã hội. Nó mang ý nghĩa cảnh báo về văn hóa. Tuy nhiên, nhiều chương trình hài đã bị nhà sản xuất lợi dụng và lạm dụng. Tức là người ta lạm dụng sự gây cười trên truyền hình, trên sân khấu khiến cho hài mất đi ý nghĩa sâu sắc vốn có mà trở thành hài tục tĩu, hài nhảm khiến dư luận bức xúc.

Thể loại hài đó không giúp xây dựng cuộc sống văn hóa mà ngược lại nó lại gây tổn thương văn hóa. Ví dụ những đối thoại tục tĩu, những hành động chọc cười phản cảm chứ không mang một ý nghĩa tích cực gì cả. Thậm chí, người ta còn lôi sự khác biệt văn hóa vùng miền, dân tộc ra giễu cợt nhau… Đó là những cái hài không đạt chuẩn văn hóa.

PV: Không dễ nhìn thấy, nhưng những thể loại hài nhảm, tục tĩu đó chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa xã hội, thưa PGS?

PGS.TS Phan An: Nó ảnh hưởng rất nhiều nữa là đằng khác, nhất là đối với con trẻ, chúng vốn hay bắt chước nhưng chúng không thể phân biệt cái nào hay - dở, tốt - xấu. Điều này rất tai hại. Thử tưởng tượng là nhiều gia đình, buổi tối hay ngồi lại để xem hài, trong đó có con trẻ, vì hài thì không ai cấm trẻ xem cả. Nhưng hài hiện nay nhan nhản những lời nói tục, những hành động phản cảm. Ai dám chắc là trẻ không bị tác động xấu bởi những tiết mục hài như thế?! Cho nên, chúng ta cần đưa ra lời cảnh báo về tác động của hài tục, nhảm với con trẻ.

Về mặt văn hóa nghệ thuật thì bị ảnh hưởng bởi hài nhảm rõ ràng rồi, đó là làm cho đời sống hài kịch ngày càng đi xuống, dù bề nổi có vẻ đang rất sôi nổi.

tieng cuoi can phai co van hoa
Chung kết “Thách thức danh hài” gây tranh cãi vì Trấn Thành cười quá dễ dãi

PV: Theo PGS đánh giá thì việc hài nhảm lên ngôi là do khán giả đang ngày càng dễ dãi hay do ý thức của một bộ phận nghệ sĩ hài về tiếng cười không cao?

PGS.TS Phan An: Thật ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hài nhảm, tục tĩu hoành hành. Đầu tiên, đó là vấn đề chạy theo lợi nhuận của nhà sản xuất, những người làm hài để làm sao câu kéo khán giả càng nhiều càng tốt; và họ đã nghĩ ngay đến chuyện làm hài càng nhảm càng tốt. Thứ hai là, người sáng tác kịch bản hài không lường trước tác hại của nó. Hoặc họ cũng không đủ hiểu biết về văn hóa, nhất là văn hóa tiếng cười của người Việt nên đôi khi họ làm những chuyện nhảm nhí trong tâm thế rất vô tư.

Kế đến là khâu kiểm duyệt, quản lý từ cấp nhà đài đến nhà quản lý văn hóa. Hiện nay, cảm giác là người ta cứ buông lỏng quản lý với những cái hài bậy bạ đó cho nên nó cứ vô tư xuất hiện thôi.

Nhìn thấy được như vậy thì tất cả, từ nhà quản lý, kiểm duyệt đến nhà sản xuất, sáng tác, diễn viên cần phải có sự chấn chỉnh mình để trả hài hay văn hóa tiếng cười về nguyên giá trị vốn có của nó.

Thứ nhất, là nâng cao hiểu biết văn hóa dân tộc về tiếng cười của người sáng tác. Kế đến là công chúng cũng cần phải có hiểu biết về hài chứ không phải xem hài mà không thể phân biệt đâu là hài, đâu là hài nhảm, hài tục thì thật nguy hiểm. Và cuối cùng là trách nhiệm của nhà quản lý, đã đến lúc cần có những định hướng đối với hài. Và nhất là khâu kiểm duyệt nội dung, không thể bỏ qua việc kiểm tra gắt gao những yếu tố hài tục, hài nhảm trong các chương trình hài.

Nếu làm được những việc đó, tôi tin hài sẽ trở nên tốt hơn, phục vụ, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, giải trí của công chúng hiện nay.

Nghệ sĩ Xuân Hương: Hài nhảm như… bom nguyên tử!

PV: Gần đây, khán giả hay thấy chị có thổ lộ tâm sự về sân khấu hài hiện nay, cụ thể thì chị đang trăn trở những gì?

tieng cuoi can phai co van hoa
Nghệ sĩ Xuân Hương

Nghệ sĩ Xuân Hương: Tôi rất buồn khi mà mọi bộ môn trong lĩnh vực nghệ thuật như cải lương, kịch nói, hài… bỗng dưng xuống cấp một cách lạ lùng. Riêng về hài, là một cái gì đó rất máu thịt với tôi, đáng lẽ hài phải được nâng cấp, đạt đến một đẳng cấp nào đó. Nhưng tôi thấy càng ngày mọi người càng dễ dãi với nghề của mình. Họ chỉ coi tiếng cười là phương tiện kiếm cơm, chứ không để lại dấu ấn hay thông điệp gì trong lòng khán giả.

Có 3 yếu tố mà bộ môn hài cần phải có, đó là: mỹ học, giải trí và chức năng giáo dục. Tuy nhiên, khán giả ngày nay khi xem một tiết mục hài, những yếu tố đó đã không còn đọng lại trong họ.

Hài càng ngày càng tuột dốc không phanh. Bởi những sự dễ dãi của diễn viên và quan niệm quá hời hợt về tiếng cười. Họ không nghĩ rằng, tiếng cười phải có thông điệp của nó. Chính điều đó là vũ khí để đấu tranh với những lạc hậu, với cái xấu hay những gì còn tồn tại trong xã hội. Có những tiết mục hài đơn thuần chỉ để giải trí. Nhưng dù là giải trí vẫn phải mang đến giá trị mỹ cảm trong thưởng thức nghệ thuật đối với công chúng. Còn hiện nay, hài rất dung tục, trây, nhảm.

Hiện tại, hài nhảm xâm thực, làm cho những sân khấu khác bị rẻ tiền quá. Bởi vì cái gì cũng hài mà hài một cách vô tội vạ. Cho nên các vở diễn không còn giá trị nữa. Năm qua là đỉnh điểm để thấy cái hài nhảm, hài trây, hài tục nó đã nổ ra giống như một quả bom nguyên tử. Mà trước đó, chính hài đã tự giết nó. Bằng chứng là trước đây, những nhà tổ chức sân khấu hài, những diễn viên hài đã từng sống được với nghề nhưng bây giờ thì không còn được như vậy nữa. Tại sao hài lại chết? Dễ hiểu thôi, nếu anh làm hay, đáp ứng thị hiếu của khán giả, anh sẽ tồn tại.

Bây giờ chúng ta đừng loay hoay đi tìm nguyên nhân mà hãy nhìn nhận một cách thực tế, là tại vì hài dở quá thì người ta không đi coi. Kịch bản dở, diễn viên diễn không nghiêm túc, không ra tâm lý nhân vật thì làm sao khán giả thích cho được.

PV: Nhưng thưa chị, hài nhảm đang lấn lướt hài sạch bởi vì nó vẫn đáp ứng được thị hiếu của bộ phận lớn khán giả, chị có thấy thế không?

Nghệ sĩ Xuân Hương: Thật ra, hài cũng có thể chỉ là tiết mục giải trí đơn thuần, không cần phải gửi một thông điệp hay nói gì sâu xa. Có những tiết mục chỉ đơn thuần nói về ngôn ngữ, là 1 trong 6 cách gây hài kinh điển. Trong ngôn ngữ có chuyện ông nói gà bà nói vịt để đem đến tiếng cười. Nhưng ngôn ngữ sử dụng trong đó không phải là ngôn ngữ tục.

Cũng có những cái tục mà chúng ta có thể chấp nhận được, ví dụ như nói tục nhưng mà giảng thanh. Điều quan trọng là làm sao chúng ta giữ được hình ảnh đẹp của mình khi phát ngôn trước mặt người khác. Bởi vì hành vi của mình, ngôn từ mình sử dụng, cách giao tiếp, nó làm cho người khác đánh giá mình, xem mình ở tầm vóc nào. Người nghệ sĩ không nên tự hạ thấp giá trị và danh dự của mình vì những điều không đáng vấp phải.

tieng cuoi can phai co van hoa
Chương trình “Cười xuyên Việt”

PV: Việc để hài nhảm, hài tục xuất hiện ồ ạt trên sóng truyền hình, đó là phần trách nhiệm lớn của nhà quản lý trong khâu định hướng, kiểm duyệt nội dung, thưa chị?

Nghệ sĩ Xuân Hương: Hài nhảm có lỗi nhưng truyền thông cũng có lỗi trong chuyện này. Truyền thông rất dễ dàng tung hô những người mới ngấp nghé bước đến thềm sân khấu đã được gọi là nghệ sĩ, ngôi sao này, ngôi sao nọ và ủng hộ một cách vô tội vạ họ, dù họ có nói bậy, diễn nhảm. Từ đó, người nghệ sĩ bị ngộ nhận về sự nổi tiếng của mình. Một khi ngộ nhận rồi, họ dễ dàng làm những điều mà người bình thường không thể làm được, làm một cách thiếu kiểm soát.

Sự thật là một số nghệ sĩ có ý thức về nghệ thuật quá tệ, cộng với có những tầng lớp khán giả cười rất dễ dãi nên thành ra hư chuyện. Vì thế mà khi hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ phải có hiểu biết nhất định, phải có văn hóa nền và có cái tâm làm nghề.

Chính khán giả cũng có lỗi, nhưng đừng đổ thừa cho họ, họ cũng chỉ là người thưởng thức, quan trọng vẫn là nghệ sĩ, người chế biến món ăn hay hay dở.

PV: Vậy có cách nào để “cứu” hài không, thưa chị?

Nghệ sĩ Xuân Hương: Có chứ! Nếu như những nhà quản lý có trình độ, có tâm và sự quyết tâm, giới truyền thông bắt tay với nhà quản lý thì sẽ lập lại được trật tự thôi. Quan trọng là có muốn làm hay không. Và người nghệ sĩ, những người làm nghề từ diễn viên, người viết kịch bản hãy tỉnh táo để lấy gương soi lại mình. Ngạn ngữ Nga có câu: “Mặt mình đã méo đừng khéo trách gương”. Tôi cho rằng, vẫn “cứu” được hài dù có hơi muộn. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi!

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

“Cười xuyên Việt” - một chương trình thi thố về hài trên Đài Truyền hình Vĩnh Long do Công ty Truyền thông Khang thực hiện.

Ở “Cười xuyên Việt”, yếu tố hài, giải trí vẫn được đặt lên hàng đầu, nhưng khán giả không chỉ cười thoải mái mà còn khóc cùng những nhân vật, những số phận, nhiều thông điệp được gửi gắm qua phần thi với những tiết mục đậm chất nhân văn như: “Kép Tư Bền”, “Người Chó - Chó Người”, “Lão Hạc”… Điều tưởng chừng như nghịch lý này lại là chất riêng và góp phần làm nên thành công của chương trình.

Mỗi phiên bản của “Cười xuyên Việt” là một hướng đi khác biệt nhưng đều có chung một đích đến, đó là mang giá trị đích thực của nụ cười để chinh phục khán giả thông qua những tiểu phẩm hài có chiều sâu về ý nghĩa, trí tuệ, giá trị tư tưởng và độc đáo, sáng tạo trong cách thức thể hiện.

Cũng từ các chương trình này, nhiều tiểu phẩm được xem là hiện tượng hài thời gian qua như: “Đòi nợ” của Nam Thư, “Kiếp hát rong”, “Cảnh giới nghệ thuật” của Huỳnh Lập, “Rạp xiếc quái đản” của La Thành, hay “Người dẫn điện”… Những tiểu phẩm này khiến từ giám khảo chấm tiểu phẩm cho đến khán giả đều hết cười rồi lại khóc nức nở vì xúc động.

Với sự đầu tư nghiêm túc và hướng đi khác biệt, “Cười xuyên Việt” là chương trình được khán giả tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm qua. Không chỉ vậy, các phiên bản của chương trình lần lượt không có đối thủ về rating và các bảng thống kê về sự quan tâm, tương tác của khán giả trên mạng xã hội.

Thành công của “Cười xuyên Việt” đã góp phần minh chứng rằng, làm “hài sạch” vẫn có khán giả, chứ không phải như vài ý kiến cho rằng, làm hài phải nhảm mới thắng!

Trúc Vân - Huy Sơn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.