Tiến tới bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng

18:24 | 17/08/2011

320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng nhằm nhận biết, phân biệt sản phẩm hàng hóa về phương diện tiết kiệm năng lượng, dựa vào nhãn này người tiêu dùng sẽ biết được hiệu suất năng lượng của các sản phẩm tiêu dùng để dễ dàng lựa chọn...

Nhằm tăng cường việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đưa ra quy định về dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng. Lộ trình được đưa ra là: đến năm 2013, nhóm thiết bị gia dụng gồm: đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy lạnh, nồi cơm điện, quạt điện… đều phải được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, những sản phẩm không đạt hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định sẽ bị cấm lưu thông trên thị trường.

Cũng theo lộ trình này, thời gian bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm thiết bị công nghiệp gồm: máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện là năm 2013; nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại là năm 2014 và nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm các loại xe ô tô con từ 7 chỗ trở xuống là năm 2015.

Thông tin trên được cho biết tại Hội thảo dán nhãn năng lượng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP HCM tổ chức ngày 17/8 tại TP HCM.

Hội thảo về dán nhãn năng lượng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Đặng Hải Dũng, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương cho biết: Việc áp dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng đã được thực hiện rất hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở nước ta, việc này mới chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2006, đến nay, vẫn chưa nhiều sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, vẫn đang ở dừng lại ở việc khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm của mình. Trong thời gian tới sẽ tiến đến quy định lộ trình bắt buộc, những sản phẩm không đạt sẽ không được đưa ra tiêu thụ.

Có 2 loại nhãn năng lượng được áp dụng ở nước ta hiện nay là nhãn xác nhận và nhãn so sánh. Nhãn xác nhận được sử dụng để dán cho sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia. Nhãn so sánh đánh giá hiệu suất năng lượng của sản phẩm theo 5 cấp từ 1 – 5 (trong đó sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất sẽ được dán nhãn có 5 sao tương ứng với cấp 5).

Việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng nhằm nhận biết, phân biệt sản phẩm hàng hóa về phương diện tiết kiệm năng lượng, dựa vào nhãn này người tiêu dùng sẽ biết được hiệu suất năng lượng của các sản phẩm tiêu dùng để dễ dàng lựa chọn; tạo thị trường cạnh tranh về phương diện sử dụng năng lượng; khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa có hiệu suất năng lượng cao và là công cụ kiểm soát việc sử dụng năng lượng.

Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng nhưng việc sử dụng năng lượng chưa thật sự tiết kiệm và vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, ở nước ta để tăng 1% tổng thu nhập quốc nội (GDP) thì điện năng phải tăng từ 2% trở lên, trong khi con số này ở các nước khác chỉ là 1% – 1,3%. Điều này có nghĩa là tỉ trọng giá điện trong giá thành sản phẩm còn rất cao, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Mai Phương