Tiền tỉ “phơi nắng phơi mưa”

07:06 | 05/07/2015

2,378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng trăm nghìn phương tiện ôtô, xe gắn máy vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ bị bắt giữ nhưng hết hạn vẫn không thấy chủ sở hữu đến giải quyết các thủ tục để nhận xe. Đến nay, hầu hết số xe này vẫn đang bị bỏ quên tại các bãi tạm giữ ở nhiều nơi. Do bảo quản không tốt, lại bị giữ lâu ngày nên khối tài sản trị giá hàng trăm tỉ đồng ấy đang có nguy cơ biến thành đống phế liệu.

Xót ruột với bãi xe

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Năng lượng Mới, bãi trông giữ xe Mỹ Đình hiện trở thành điểm tập kết hàng nghìn xe vi phạm vô chủ. Những xe ga đắt tiền, xe số, xe ba gác... xếp xen kẽ nhau được phủ kín bởi bụi. Nhiều xe bị mất đèn, vỡ yếm, một số bộ phận không còn hoặc đã hoen gỉ. Có xe trơ khung sắt và bị bụi, đất chôn vùi một phần. Thậm chí, có xe còn bị lá cây phủ kín, cỏ mọc um tùm xung quanh, rất khó nhận ra.

Tiền tỉ “phơi nắng phơi mưa”
Xế hộp hạng sang của nhiều hãng ôtô tại các bãi giữ phương tiện vi phạm tại Hà Nội

“Những chiếc xe này để nhiều năm trời rồi. Lâu không sử dụng nên máy móc hỏng, dầu mỡ và các bộ phận cũng đều bị hủy hoại hết dưới cái nắng Hà Nội lên tới hơn 40oC vừa qua”, bà Lan, một chủ quán nước cạnh bãi giữ xe vi phạm Mỹ Đình chia sẻ.

Còn bãi tập kết phương tiện vi phạm Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) rộng khoảng 3ha. Trên bãi đất trống nằm sát bờ ao, hàng nghìn xe máy tồn đọng từ nhiều năm qua bị vứt lăn lóc khắp nơi. Xe được đưa về đây hằng giờ, hằng ngày và không có gì ngạc nhiên khi chỉ một thời gian ngắn bãi xe đã chật kín chỗ. Những chiếc xe vi phạm như cố chen chúc nhau để tìm cho mình một chỗ đứng.

Cách đống xe “phế liệu” này chừng vài chục mét là khu vực có mái che bảo quản cả nghìn xe máy vi phạm gần đây. Trong số đó có khá nhiều xe ga đắt tiền như PS, SH, Spacy, Liberty... được phủ lớp bụi trắng.

Tại nhiều bãi giữ xe vi phạm khác, tùy vào quy mô của mỗi bãi tạm giữ mà số xe cất giữ được có thể từ vài trăm đến hàng nghìn chiếc. Có những bãi tạm giữ được lợp mái che, lát sân gạch hoặc sân bê tông nhưng cũng có những bãi chỉ là nền cát và lộ thiên ngày này qua tháng khác. Vào ngày nắng, những chiếc xe như căng mình chống lại ánh nắng gay gắt rồi dần dần vỡ vụn. Còn những ngày mưa, những chiếc xe này đành chấp nhận số phận rồi cũng dần han gỉ.

Đáng chú ý, tại một số bãi giữ xe vi phạm còn có hàng chục xế hộp hạng sang của nhiều hãng ôtô như Porsche, Camry, Mercedes, Lexus. Không hiểu vì lý do gì mà đến nay, những phương tiện nói trên vẫn nằm chất đống chứ không được chủ sở hữu làm thủ tục nhận lại.

Tiền tỉ “phơi nắng phơi mưa”

Xe gắn máy hết thời hạn xử lý buộc phải để ngoài trời do bãi giữ xe Mỹ Đình đã quá tải

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội) cho biết, các trường hợp bị tạm giữ gồm: Tài xế không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; xe không gắn biển số hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; gắn biển số không trùng với đăng ký; xe không có giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người chưa thành niên điều khiển phương tiện.

Theo quy định trong 7 ngày đầu giữ phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời về địa phương được xác định theo biển kiểm soát để liên hệ mời chủ phương tiện, người điều khiển lên nộp phạt.

30 ngày kể từ khi thông báo, chủ phương tiện không liên hệ nộp phạt sẽ có quyết định tịch thu tài sản và trình Sở Tài chính Hà Nội định giá đưa ra mức đấu thầu. Số tiền này sẽ nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, việc xử lý các phương tiện này còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết chủ phương tiện xác định không lấy lại xe. Một số xe cũ, xe nhập lậu hoặc xe sang tên đổi chủ nhiều lần không rõ ràng, xe là tang vật phải mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bãi gửi xe.

Năm 2014, Đội Cảnh sát giao thông số 1 thanh lý 3 trường hợp là ôtô không rõ nguồn gốc. Đầu năm 2015, đơn vị đang hoàn thiện thủ tục thanh lý 2 trường hợp, trong đó có chiếc Lexus nghi là xe tang vật được chuyển cho cơ quan điều tra.

Ở các tỉnh, thành khác cũng chung hoàn cảnh. Số liệu từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương này còn phải trông giữ hàng nghìn phương tiện vi phạm giao thông đã quá thời hạn xử lý. Ngành chức năng than trời vì tình trạng quá tải ở các bãi chứa, còn người dân thì xót xa đứng nhìn khối tài sản hư hỏng dần theo thời gian.

Còn theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hải Phòng, hiện địa phương này có gần 3.000 ôtô, xe máy nằm phơi mưa nắng trong quá trình lưu giữ tại các kho bãi chờ xử lý. Trong đó phần lớn là xe vô chủ hoặc xe có giá trị thấp nhưng mức xử phạt lại lớn nên chủ phương tiện không đến cơ quan công an để xử lý lấy phương tiện. Vì lượng phương tiện vi phạm tạm giữ khá lớn nên Phòng Cảnh sát giao thông phải thuê 3 kho là A50 chợ Hương (quận Dương Kinh), kho Lê Lai (huyện Thủy Nguyên) và kho Lãm Hà (quận Kiến An) để “giam giữ”.

Vướng mắc khó gỡ?

Được biết, để thanh lý phương tiện, thủ tục khá phức tạp, phải thông báo trên toàn quốc, thành lập hội đồng... nên nhiều phương tiện cả năm trời vẫn chưa thanh lý được. Nếu có chủ trương cho người dân bảo lãnh phương tiện vi phạm về sẽ tốt hơn vì lúc đó cơ quan chức năng không phải mất công bảo quản, còn người dân không lo phương tiện bị hư hỏng.

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, đại diện Bộ Công an đã đề xuất phải nghiên cứu lại các quy định của pháp luật sao cho thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm. Bởi hiện nay nhiều chủ phương tiện chậm đến giải quyết nên số tiền lưu bãi nhiều hơn giá trị của xe và người vi phạm bỏ xe luôn, hoặc nhiều trường hợp chủ xe không có giấy tờ nên cũng bỏ gây lãng phí nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết: “Người ta thường đổ lỗi chuyện chậm thanh lý xe vi phạm hết thời hạn xử lý do luật nhưng tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý ngay được nếu Bộ Công an và Bộ GTVT cùng phối hợp. Với những phương tiện bị tạm giữ quá hạn thì theo quy định lực lượng chức năng có quyền xử lý ngay lập tức. Luật quy định cứng nhưng cách vận hành không được khô cứng. Nhược điểm của chúng ta hiện nay là vận hành quá máy móc nên hàng trăm tỉ đồng của dân hiện đang bị tồn đọng, hư hỏng và thất thoát”.

“Tôi nghĩ chúng ta đã đưa vấn đề này ra bàn thì cần phải làm quyết liệt một số vấn đề sau. Thứ nhất, phương tiện thu giữ quá thời hạn quy định thì chúng ta có quyền bán đấu giá và sung công quỹ (với những xe cũ nát có thể tiến hành bán đồng nát hoặc phế liệu). Tất nhiên việc này phải có văn bản gửi tới chủ phương tiện để thông báo cụ thể.

Thứ hai, điều kiện để nhận lại xe vi phạm cũng phải đơn giản, thông thoáng hơn, không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc vào luật. Tôi lấy ví dụ, nếu mức phạt với tổng số tiền phạt lớn hơn so với giá trị thực của chiếc xe thì chắc chắn người dân sẽ bỏ xe. Chúng ta áp dụng mức phạt làm sao phải thấp hơn giá trị thực của chiếc xe thì mới khuyến khích người dân đến nhận lại xe. Nếu cứ máy móc như hiện nay thì cả đôi bên cùng thiệt và thực tế đã chứng minh rất rõ ràng rồi”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc