Tiên phong về với Quảng Nam

09:00 | 12/05/2016

507 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Không quá lời khi nói rằng, tháng 5 này là tháng hoạt động của các cấp Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tại Quảng Nam. Có sự kiện gì chăng, xin thưa, đây chính là bước triển khai cụ thể thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Quảng Nam.  

Là cũng có thể khẳng định, CĐ DKVN là một trong những đầu mối đầu tiên của PVN đi tiên phong về với Quảng Nam khảo sát địa bàn, khảo sát đối tượng để có kế hoạch cụ thể và dài hơi trong việc chung tay cùng Quảng Nam thực hiện chương trình an sinh xã hội, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

tien phong ve voi quang nam
Đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí trao số tiền hỗ trợ cho đại diện làng Hòa Bình

Chỉ sau một tháng, tính từ ngày 27-3-2015, tại thành phố Hội An (Quảng Nam) khi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, thì ngay sau đó đã có nhiều đoàn công tác của PVN về với Quảng Nam.

Ngoài đoàn công tác đầu tiên và sớm nhất của Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đi khảo sát thực địa địa điểm xây Nhà máy Xử lý mỏ khí Cá Voi Xanh tại Khu kinh tế mở Chu Lai và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để “khởi động” cho “siêu dự án” này. Rồi sau đó là đoàn công tác của Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo PVN Trần Quang Dũng vào Quảng Nam để bàn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam về thực hiện các bước triển khai tiếp theo của thỏa thuận hợp tác.

Thì cũng trong dịp ấy, đoàn công tác của CĐ DKVN do Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Kha làm “tiền trạm” cho những hoạt động dồn dập và giàu ý nghĩa của đại diện người lao động Dầu khí ở mảnh đất “trung dũng, kiên cường” này trong những ngày sắp tới, và những tháng năm dài sau đó.

Có thể nói, chưa có thỏa thuận hợp tác nào được triển khai một cách quyết liệt với tiến độ nhanh, hiệu quả như thỏa thuận hợp tác này. Và một trong những tổ chức đi tiên phong để thực hiện thỏa thuận này là CĐ DKVN như chúng tôi đã nói ở phần đầu của bài viết.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, chúng tôi được biết: Với tinh thần sẻ chia với đồng bào, đồng chí Quảng Nam còn nhiều gian khó, CĐ DKVN có hẳn một chương trình hành động với hàng loạt các hoạt động, thu hút nhiều công đoàn cơ sở trong ngành đến với Quảng Nam. Ngay trong đợt “tiền trạm” vào ngày 29-4 vừa qua, đoàn công tác của CĐ DKVN đã đến thăm và tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn).

Đây có thể coi là hoạt động đầu tiên trong hàng loạt các hoạt động tình nghĩa trong tháng 5 này. Vẫn theo đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, ngoài các hoạt động của công đoàn ngành, trong dịp này có hàng loạt các công đoàn cơ sở như: Công đoàn Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công đoàn Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; Công đoàn Tổng Công ty Điện lực Dầu khí; Công đoàn Tổng Công ty Khí Việt Nam… cũng cử đoàn cán bộ về với Quảng Nam. Và trong dịp này các cấp CĐ DKVN, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình mang đến giúp đồng nghiệp, đồng bào nghèo ở Quảng Nam trên 300 triệu đồng.

Một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, có tính pháp lý đấy là việc ký kết quy chế phối hợp giữa CĐ DKVN và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam vào ngày 12-5 tới đây. Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha cho biết, quy chế này được ký kết là bước cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Và cũng là những nội dung được cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa PVN và UBND tỉnh Quảng Nam.

Việc ký kết quy chế này không chỉ hướng tới mục tiêu chăm lo tốt nhất cho người lao động dầu khí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian sắp tới. Mà còn được coi là cơ sở pháp lý về sự hợp tác toàn diện giữa CĐ DKVN và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, mở ra một trang mới của sự hợp tác giữa đại diện cho người lao động hai đơn vị.

Quy chế này không chỉ được coi là sự đón đầu trong việc bảo vệ lợi ích, chăm lo cho người lao động Dầu khí ở Quảng Nam, mà còn là cơ sở để người lao động Dầu khí có cơ hội đóng góp công sức của mình vào chương trình an sinh xã hội ở Quảng Nam. Chúng tôi cho đây là bước đi hết sức đúng đắn và cần thiết, bởi tương lai không xa khi Nhà máy Xử lý mỏ khí Cá Voi Xanh được xây dựng ở Quảng Nam. Nơi đây sẽ là một đại công trường xây dựng với sự tham gia của nhiều nghìn lao động.

Nhiều lần đi công tác cùng Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan ở khu vực miền Trung, tôi được nghe chị tâm sự. Ngoài việc chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hơn 6 vạn lao động ở khắp mọi miền đất nước. Việc chăm lo ấy được các cấp CĐ DKVN thể hiện bằng hàng loạt các chương trình như: Chương trình mái ấm Công đoàn Dầu khí; Quỹ tương trợ Dầu khí; Quỹ vì phụ nữ Dầu khí; Nhà tình nghĩa Dầu khí…

Bằng các chương trình này, các cấp CĐ DKVN đã chăm lo chu đáo người lao động Dầu khí, giúp cho nhiều gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn vươn lên trong cuộc sống và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn trong những năm qua.

Không chỉ chăm lo chu đáo cho người lao động trong ngành, CĐ DKVN và các công đoàn cơ sở còn tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động, các tổ chức chính trị xã hội ở khắp các địa phương trong cả nước thực hiện chương trình an sinh xã hội.

Có thể nói, bằng nhiều chương trình hoạt động, bằng chính những đồng tiền đóng góp của người lao động Dầu khí, mà người đại diện là tổ chức Công đoàn đã đến nhiều thôn, bản; nhiều gia đình từ các huyện miền phía bắc như: Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang… đến các tỉnh cực Nam của Tổ quốc đã được đổi đời từ tấm lòng nhân ái, sẻ chia.

Quảng Nam, mảnh đất anh hùng nhưng còn nhiều gian khó. Có thể nói, hậu quả của chiến tranh như một di chứng nặng nề kéo dài làm cho mảnh đất vốn đã nghèo khó, trở nên “tụt hậu” trong công tác xóa đói, giảm nghèo so với những địa phương khác.

Đây không phải lỗi của chính quyền các cấp ở Quảng Nam, nếu không muốn nói là địa phương này đã làm hết sức mình, nhưng khi khó khăn chồng lên khó khăn, rồi mặt trái của cơ chế thị trường, càng làm cho sự giầu nghèo kéo dài khoảng cách, thì công tác xóa đói, giảm nghèo càng trở lên khó khăn hơn.

Ðến cuối năm 2014, toàn tỉnh Quảng Nam còn 47.943 hộ nghèo, tỷ lệ 12,10%, giảm 2,81% so với năm 2013. Tuy tỷ lệ giảm nghèo vượt so với mục tiêu theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Nam vẫn còn cao: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 12,10%, hộ cận nghèo còn 9,5%. Và mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn chưa đạt được. Theo báo cáo, năm 2014, có 213 hộ tái nghèo và 3.501 hộ nghèo phát sinh.

Trong điều kiện như vậy, sự có mặt của CĐ DKVN và các công đoàn cơ sở tại Quảng Nam trong thời điểm này, Quảng Nam có thêm những “người bạn” mới, để cùng chung tay gánh vác, cùng sẻ chia những khó khăn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Với những hoạt động thiết thực của công đoàn, cùng với việc khảo sát xây dựng Nhà máy Xử lý mỏ khí Cá Voi Xanh của PVN. Không xa nữa Quảng Nam trở thành một trung tâm lớn của ngành công nghiệp khí - điện. Và công trình này sẽ như một đòn bẩy để Quảng Nam vượt khó vươn lên. Nói như đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐTV PVN: Tất cả những gì mà PVN đã và đang triển khai ở Quảng Nam, là sự tri ân sự hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí Quảng Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Đặng Trung Hội

Năng lượng Mới 521

DMCA.com Protection Status