Tiêm thuốc an thần cho heo: Cần xử lý hình sự

08:39 | 15/10/2017

944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng thuốc an thần trong chăn nuôi vừa bị phát hiện tại TP HCM. Theo đó, 3.750 con heo thịt được phát hiện bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ. Các chuyên gia nhận định, tiêm thuốc an thần cho heo là hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cần phải xử lý hình sự.

Không phải lần đầu…

Đêm 28, rạng ngày 29-9 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM và Chi cục Thú y TP HCM) tiến hành kiểm tra hoạt động tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM), phát hiện 3.750 trong tổng số 5.231 con heo tại lò mổ Xuyên Á đã bị tiêm thuốc an thần. Đây là lò mổ lớn nhất thành phố, số heo tại thời điểm thanh tra chiếm hơn 50% trong tổng số heo sẽ cung ứng ra toàn thị trường mỗi ngày.

tiem thuoc an than cho heo can xu ly hinh su
Lợn bị tiêm thuốc an thần nằm la liệt

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, acepromazine là hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng trong thú y. Tuy nhiên, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là trái chỉ định của nhà sản xuất thuốc. Mục đích của việc tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ được xác định không nhằm mục đích tăng cân, gian lận thương mại nhưng sẽ làm cho con vật ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng, làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không cắn lẫn nhau...

Trước đó, vào tháng 3-2016, Chi cục Thú ý tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt 10,5 triệu đồng đối với ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) về hành vi tiêm thuốc an thần prozil fort (chất cấm) và dùng vòi bơm nước vào hàng trăm con heo.

Trước sự việc trên, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố công khai danh sách chủ lò vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Cần xử lý theo Luật Hình sự

Liên quan đến sự việc này, ông Vi Văn An - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Quan (Lạng Sơn) nhận định, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nếu chẳng may họ ăn phải heo mới được tiêm thuốc an thần.

Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Quan cho biết thêm, các loại thuốc an thần đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vì nó làm tê liệt các cảm giác. Nếu sử dụng loại thịt gia súc mới được tiêm thuốc an thần thì có thể sẽ ăn phải tồn dư thuốc trong thịt và tạo ra sự kháng thuốc mỗi khi bị ốm đau. Nặng hơn nữa là các tồn dư hóa chất là nguyên nhân tiềm tàng cho các loại bệnh ung thư. Những hậu quả trên sẽ gây ra gánh nặng về chi phí y tế, làm suy thoái chất lượng giống nòi, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

tiem thuoc an than cho heo can xu ly hinh su
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Còn theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cần xử lý thật nghiêm hành vi tiêm thuốc an thần vào động vật. Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, hành vi này đã được quy định tại Khoản 10, Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y). Theo đó, hành vi bơm thuốc an thần vào lợn đã bị nghiêm cấm và có mức xử phạt rất cao. Cơ sở vi phạm bị xử phạt hình thức đình chỉ hoạt động 3-6 tháng.

Quy định cũng nêu rõ, phạt tiền 30-35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Ngoài ra còn buộc tạm dừng giết mổ động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ cho đến khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm. Buộc tiêu hủy sản phẩm động vật có dư lượng thuốc an thần vượt quá giới hạn do Bộ Y tế quy định.

Ngưng thuốc 2 tuần mới được giết mổ gia súc

tiem thuoc an than cho heo can xu ly hinh su

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu - Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, chưa nói đến loại thuốc an thần mà các cơ sở đã tiêm vào heo ở TP HCM, với những loại thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi hoặc trong thí nghiệm, gia súc phải ngưng thuốc ít nhất 2 tuần mới được giết mổ. Vì sau khoảng thời gian đó, tàn dư của thuốc kháng sinh mới được đào thải ra ngoài hết và thịt gia súc không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, trong nước tiểu, mẫu máu và thịt của 3.750 con heo dương tính với hoạt chất acepromazine (thuốc combistress). Các loại thuốc này được đăng ký sử dụng trong thú y để chữa bệnh cho động vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng không được phép sử dụng vào mục đích khác. Hoạt chất của acepromazine có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, thường được sử dụng tiền gây mê trong phẫu thuật.

Song Nguyễn