Tiềm năng du lịch Tây Bắc

07:27 | 30/11/2017

4,501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, đặc sản dân dã, dân địa phương chân chất, hiền hòa... là những điều hấp dẫn du khách nhất. Tây Bắc là một vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch Tây Bắc còn nghèo nàn, chưa đủ sức thu hút du khách.

Nàng công chúa ngủ trong rừng

Có thể thấy, du lịch hiện đã và đang đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ở vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực biên giới. Họ có được nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách và nguồn thu này đôi khi lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó là những lợi ích từ việc phát triển cơ sở hạ tầng và những lợi ích thiết thực khác như công ăn việc làm, giao lưu văn hóa. Đặc biệt là ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa được nâng cao.

tiem nang du lich tay bac
Văn hóa truyền thống là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch Tây Bắc

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như Lễ hội Lồng Tồng, Chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.

Cùng với đó là những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng như: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ; Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La…

Giải pháp phát triển bền vững

Các chuyên gia cho rằng, văn hóa dân tộc thể hiện ở hai dạng chính: những nét đặc sắc trong lối sống hoặc văn hóa vật thể như ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà cửa, trò chơi dân gian, lễ hội; những giá trị của văn hóa cổ các tộc người chắt lọc, lưu truyền qua nhiều thế hệ như hệ thống chùa tháp đặc sắc, văn tự, đồ họa... Du lịch trong nước cần xây dựng thêm các quần thể công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại nhằm phục vụ kinh doanh du lịch, vui chơi, giải trí, gắn với bảo vệ môi trường... Quan trọng là phải được tổ chức một cách bài bản mới có thể thu hút du khách.

tiem nang du lich tay bac
Du lịch từ thiện là một hình thức mới được phát triển

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch ở địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch chuyên nghiệp, biết khai thác lợi thế, tiềm năng văn hóa truyền thống và tổ chức hoạt động có hiệu quả, bền vững. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cũng cần được đẩy mạnh. Đặc biệt, phát triển du lịch phải có sự tham gia trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số và họ phải được hưởng lợi thỏa đáng từ các hoạt động này. Từ đó họ thấy được những giá trị cụ thể của văn hóa truyền thống dân tộc mình, có những hành động thiết thực để bảo tồn những giá trị đó. Có giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mới phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài ra, để làm du lịch miền núi có hiệu quả, cần phải hỗ trợ cộng đồng về vốn, về kỹ năng nghề nghiệp du lịch và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hoạt động du lịch, với khách du lịch...

Một số công ty du lịch đã mở ra một loại hình mới, đó là đưa ra hàng loạt các hoạt động kết hợp như: Dự án xây dựng nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam; Dự án xây dựng lớp mẫu giáo cho các trẻ em dân tộc miền núi; khám chữa bệnh từ thiện cho trẻ em nghèo hay trẻ em mồ côi tại các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số… Về phía những người tổ chức, việc điều hành các tour kết hợp từ thiện tuy không đơn giản như các tour thông thường mà họ còn phải tham gia vào rất nhiều công việc cùng với du khách. Nhưng trên hết, với tấm lòng nhân ái, họ hiểu rằng, những người làm du lịch có trách nhiệm làm việc có ích cho cộng đồng. Khi xây dựng sản phẩm tour từ thiện, những đơn vị lữ hành đều mong muốn đóng vai trò là “cây cầu” đưa ngày càng nhiều du khách có lòng hảo tâm đến với những bản làng vùng sâu, vùng xa để cùng giao lưu và mang đến niềm vui cho người dân nghèo. Mặt khác, họ cũng tin tưởng rằng, sản phẩm này sẽ tạo nên nhiều hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

Cũng từ đó có thể nhận ra, để phát triển du lịch miền núi, điều mà ngành du lịch Việt Nam cần hướng tới là bảo tồn nền văn hóa bản địa, kết hợp giữa cơ quan quản lý, người dân và các nhà kinh doanh du lịch, tổ chức đầu tư phát triển để cùng quản lý, khai thác và quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch. Rõ ràng, để có sản phẩm du lịch đa dạng, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương. Và mỗi địa phương cần khai thác thế mạnh khác nhau, nguồn tài nguyên khác nhau để tạo điểm nhấn riêng, nhằm xây dựng nên chương trình du lịch độc đáo, phong phú, hấp dẫn du khách hơn.

Tùng Lâm