Tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Ấn Độ

08:26 | 13/11/2017

1,913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ấn Độ vừa lắp đặt thiết bị đo gió ở vịnh Khambhat. Trong vài tháng tới, Ấn Độ sẽ biết rõ được toàn bộ tiềm năng của điện gió ngoài biển.

Tổ hợp FOWIND (Facilitating Offshore Wind In India) ngày 2-11 cho biết, họ đã đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị đo gió có tên gọi "LiDAR" (Light Detection and Ranging) trên một phao nổi ngoài vịnh Khambhat, thuộc bang Gujarat. Hệ thống này bao gồm một máy quét laser, sẽ thực hiện nhiều phép đo trong một năm, đặc biệt là về sức gió và hướng gió, để xây dựng phương án thành lập một trang trại điện gió ở ngoài khơi.

Được điều hành bởi GWEC (Hiệp hội Ngành công nghiệp điện gió toàn cầu), tổ hợp FOWIND được giao nhiệm vụ xác định các khu vực thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi ở các bang miền Nam Gujarat và Tamil Nadu. Chương trình này nhận được 4 triệu euro tiền trợ giúp của Liên minh châu Âu trong khuôn khổ hợp tác phát triển năng lượng tái tạo.

tiem nang dien gio ngoai khoi o an do
Trang trại điện gió Kutch ở bang Gujarat

Những cơ sở dữ liệu đo được từ LiDAR sẽ là "bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường dài để thiết lập một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có tính cạnh tranh cao ở Ấn Độ", ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC nói. GWEC hy vọng rằng các dự án phát triển trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Ấn Độ sẽ được ra đời trong khoảng năm 2021-2022.

Với hàng chục trang trại điện gió trên đất liền đã được xây dựng, theo số liệu về điện gió trên thế giới của GWEC, Ấn Độ hiện đứng thứ 4 thế giới về điện gió (sau Trung Quốc, Mỹ và Đức). Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, sản lượng điện gió của Ấn Độ đạt khoảng 46GWh, tương đương khoảng 3,2% sản lượng điện hằng năm của nước này.

Là quốc gia gây ô nhiễm đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu - Paris 2015/COP21, New Delhi cam kết sẽ cắt giảm 35% lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Ấn Độ là cường quốc thứ 3 thế giới về tiêu thụ năng lượng. Để thực hiện cam kết, Ấn Độ phải giảm các nhà máy nhiệt điện, chủ yếu chạy bằng than đá. Và để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra mục tiêu sản xuất được 175GW điện năng lượng tái tạo vào năm 2022, trong đó 100GW từ điện mặt trời và 60GW từ năng lượng gió, 10GW điện sinh khối và 5GW thủy điện.

Trong chuyến thăm New Delhi vào cuối tháng 10-2017, Giám đốc IEA Fatih Birol cho rằng, Ấn Độ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện những mục tiêu này. Trong vòng 1 năm qua, từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017, Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi sản lượng điện mặt trời. Ông Fatih Birol thừa nhận, Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và trong tương lai cho người dân. Từ năm 2000 đến nay, hơn 500 triệu người Ấn Độ đã được tiếp cận với lưới điện.

Theo IEA, nhu cầu điện của Ấn Độ có thể tăng gấp ba vào năm 2030. Với đường bờ biển dài gần 7.000km và các vùng biển có mực nước thấp, trong tương lai Ấn Độ có thể trông chờ một phần vào các trang trại điện gió ngoài khơi để đáp ứng những thách thức này.

Vào tháng 10-2017, giá đấu thầu xây dựng điện gió ở Ấn Độ là 41 USD/MWh. Đây là mức giá điện gió thấp nhất tại Ấn Độ từ trước đây nay. Cũng giống như điện gió, giá điện mặt trời ở Ấn Độ thuộc vào hàng thấp nhất thế giới với 2,44 rupee (khoảng 0,04USD - tức 908 VNĐ) cho mỗi kWh.

S.Phương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps