Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo

16:14 | 11/05/2018

837 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/5, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc… tổ chức Hội thảo “Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam”.  

Phát biểu khai mạc, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA cho biết, Việt Nam đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ và trong những năm tới vẫn trong tình trạng thiếu điện trầm trọng. Do vậy việc phát triển năng lượng tái tạo để bù đắp cho việc thiếu hụt điện là yêu cầu cấp thiết khi nước ta có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhưng việc khai thác còn hạn chế và hiệu quả còn thấp. Hội thảo lần này nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo một cách có hiệu quả, thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu điện ở khu vực miền Nam và hướng đến mục tiêu cụ thể là đảm bảo điện để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo
Hội thảo “Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam”

Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu sử dụng điện trong nuôi trồng thủy sản rất lớn, đặc biệt là nuôi tôm. Cụ thể, như nuôi tôm thâm canh thì cần khoảng 50 – 200 triệu đồng tiền điện/ha/vụ, chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Không chỉ vậy, điện còn đóng vai trò rất quan trọng vì nếu bị thiếu điện để quạt nước, sục khí có thể làm tôm chết hàng loạt vì không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, làm hỏng cả một vụ tôm của nông dân.

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm hơn 92% diện tích nuôi tôm của cả nước có nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất không ngừng gia tăng. Nhiều nơi nuôi trồng theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát đã sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ sinh hoạt để nuôi trồng khiến lưới điện bị quá tải trên diện rộng, cũng như không đảm bảo an toàn kỹ thuật, gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Để đảm bảo cấp điện cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã cân đối và thu xếp nguồn vốn, ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với tổng số vốn 876 tỷ đồng nhằm chống quá tải, kết hợp với cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm. EVN SPC cũng đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn trong sản xuất.

Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là rất lớn và đang tiếp tục gia tăng nên dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng và đã có nhiều giải pháp song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió phù hợp sẽ là một trong những giải pháp khả thi, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện cho sản xuất, thúc đẩy sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội thảo, bên cạnh bàn về các giải pháp đảm bảo cấp điện cho nuôi trồng thủy sản qua các chủ đề như: Ứng dụng điện mặt trời vào nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo cho nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả tại Tiền Giang; đánh giá khả năng lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời để cấp điện cho các trang trại nuôi tôm ở phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long… các chuyên gia còn cung cấp nhiều thông tin chung về ngành điện như: Hiện trạng, dự kiến phát triển ngành điện Việt Nam và ở miền Nam; chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phân tích tài chính các dự án điện mặt trời tại Việt Nam… cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc.

Mai Phương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps