Thủy điện Sơn La: Động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

14:45 | 17/07/2014

1,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi chính thức đi vào hoạt động, Thủy điện Sơn La không chỉ đóng góp trên hàng tỉ kWh điện vào tổng sản lượng điện toàn hệ thống mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương vùng Tây Bắc. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Khương Thế Anh, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La để làm rõ vấn đề này.

Năng lượng Mới số 339

PV: Trước hết, xin ông cho biết về những thông số chính của công trình Thủy điện Sơn La?

Ông Khương Thế Anh: Thủy điện Sơn La là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau Thủy điện Lai Châu khởi công ngày 22-12-2010 và là bậc trên của Thủy điện Hòa Bình). Đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có dung tích toàn bộ hồ chứa 9,26 tỉ m3, dung tích phòng lũ cho hạ du 7 tỉ m3 (kể cả Thủy điện Hòa Bình); mực nước dâng bình thường 215m. Tổng công suất thiết kế của nhà máy là 2.400MW, gồm 6 tổ máy, điện lượng bình quân hằng năm hơn 10,227 tỉ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án là 36.933 tỉ đồng.

Thuỷ điện Sơn La: Động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

PV: Với quy mô như vậy, Thủy điện Sơn La có nhiệm vụ gì thưa ông?

Ông Khương Thế Anh: Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện đa mục tiêu với nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Thứ 2, nâng dần tần suất chống lũ trên dòng chính Sông Đà từ 125 năm lên 500 năm, cung cấp nước cho hơn 20 triệu người và hàng trăm nghìn hécta lúa, cây trồng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Bắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sốn cho người dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Ngoài ra, theo thiết kế, khi Dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành sẽ tạo thành một hệ thống giao thông dọc các tỉnh Tây Bắc thông qua hồ chứa Hòa Bình và hồ chứa Thủy điện Sơn La, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản, cải tạo khí hậu tiểu vùng dọc hồ chứa và phát triển du lịch sinh thái. Đây là một trong các dự án trọng điểm của quốc gia được Quốc hội giám sát kỹ và đánh giá đã triển khai thực hiện đúng tiến độ.

PV: Kết quả thực hiện những nhiệm vụ trên của Thủy điện Sơn La trong năm 2013 như thế nào, thưa ông?

Ông Khương Thế Anh: Về sản lượng điện sản xuất, từ khi đưa tổ máy số 1 vào vận hành đến nay, Thủy điện Sơn La đã phát được 24,4 tỉ kWh, riêng năm 2013, khi đưa toàn bộ 6 tổ máy vào hoạt động thì đã phát được 8,4 tỉ kWh.

Còn đối với công tác điều tiết nước mùa lũ cũng như phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, năm 2013, Thủy điện Sơn La đã cùng với Thủy điện Hòa Bình đã xả nước và đóng góp cho Đồng bằng Bắc Bộ khoảng 3,8 tỉ m3.

Ngoài ra, Thủy điện Sơn La cũng đã đóng góp cho ngân sách của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu 2.300 tỉ đồng, trong đó có thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế quỹ phát triển môi trường rừng... Đặc biệt, năm 2013, Thủy điện Sơn La đã đóng góp cho tỉnh Sơn La hơn 900 tỉ đồng (chiếm 48% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La cũng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao quản lý Thủy điện Lai Châu. Hiện tại, các cán bộ kỹ thuật và công nhân viên của Thủy điện Sơn La cũng đang giám sát việc xây dựng, lắp đặt trên Thủy điện Lai Châu. Và dự kiến, năm 2015, Công ty Thủy điện Sơn La sẽ cử cán bộ lên tiếp cận, vận hành Thủy điện Lai Châu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc (thực hiện)